Đăng ngày: 18/11/2022
Cuộc họp cấp cao thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), khai mạc hôm nay, 18/11/2022, tại Bangkok, Thái Lan, với sự tham dự của 21 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ khu vực. Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương đối mặt với cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Triều Tiên cùng ngày lại cho bắn thử loại tên lửa mới.
Thông tín viên đài RFI, Carole Isoux tại Bangkok, trước tiên, điểm ra một số mục tiêu của cuộc họp năm nay :
« Khủng hoảng năng lượng, lạm phát sẽ là tâm điểm các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh này. Chính phủ Thái Lan hy vọng làm được một việc mà thượng đỉnh G20 thất bại, đó là ra được một tuyên bố chung quan trọng về những vấn đề trên và cuộc xung đột tại Ukraina, dù rằng chẳng có chút cơ may nào đạt được.
Một thỏa thuận tự do mậu dịch tại vùng châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ được trình bày với các lãnh đạo của nhiều nước có liên quan trong ngày hôm nay. Đây là sáng kiến của Nhật Bản và được nhiều lãnh đạo trong khu vực ủng hộ, văn bản này là một nỗ lực của vùng nhằm làm đối trọng với những thỏa thuận do Mỹ đề xướng cho khu vực.
Vả lại, thủ tướng Nhật Bản đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm qua. Hai cường quốc châu Á này tái khẳng định \”tình hữu nghị\” giữa hai nước. Chính phủ Thái Lan có ý định đề xuất với các nước tham gia một văn bản có tiêu đề \”Những mục tiêu Bangkok\”, được mô tả như là một văn bản \”thực thi thỏa thuận Paris\” vì sự phát triển bền vững, bao gồm những cam kết pháp luật và đầu tư. Việc ký kết văn bản sẽ cho phép tin tưởng là thượng đỉnh APEC được xem như là một thành công. »
APEC : Pháp phản đối « đối đầu », Mỹ khẳng định « ở lại lâu dài »
Tại diễn đàn APEC, theo AFP, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuyên bố : « Chúng ta không tin vào thế bá quyền, sự đối đầu. Chúng ta tin tưởng vào sự ổn định, chúng ta trông cậy vào sự cải cách ». Nguyên thủ Pháp cho rằng châu Á – Thái Bình Dương, hiện đang là đấu trường cho cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc, cần phải dựa vào thế mạnh của vùng, kể cả nước Pháp để bảo đảm sự cân bằng.
Trong hoàn cảnh này, tổng thống Pháp đề nghị một giải pháp thứ ba, khi đưa ra hình ảnh ví von hai con voi to trong rừng rậm, bắt đầu « nổi khùng » và lao vào « gây chiến », thì « đây sẽ là một vấn đề lớn cho cả khu rừng ». Do vậy, « chúng ta cần phải có sự hợp tác giữa những loài thú khác, giữa hổ, khỉ…».
Cuộc đối đầu Mỹ – Trung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong hồ sơ Đài Loan, đặt nhiều nước của vùng trong thế khó xử, vốn dĩ không muốn phải chọn lựa giữa hai đại cường.
Cũng tại diễn đàn APEC, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đã có những phát biểu mạnh mẽ, « Hoa Kỳ tự hào là cường quốc của Thái Bình Dương », và những mối liên minh an ninh được Mỹ thành lập từ bao lâu nay đã giúp châu Á được phồn thịnh. Bên lề thượng đỉnh, trước sự hiện diện của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, phó tổng thống Mỹ, cam kết Hoa Kỳ « hiện diện ở đây là để ở lại ».
Bà phát biểu : « Thông điệp đưa ra rất rõ ràng. Hoa Kỳ có một cam kết kinh tế bền vững đối vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, một cam không chỉ đo lường theo từng năm mà là nhiều thập kỷ và nhiều thế hệ ». Bà Harris khẳng định, quan hệ đối tác kinh tế tại châu Á, vẫn là « một ưu tiên tuyệt đối » cho chính quyền Biden, khi nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.000 tỷ đô la mỗi năm trong vùng.
AFP lưu ý, nếu như Mỹ có một giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, một số quan chức châu Á vẫn tỏ ra nghi ngại về mức độ cam kết kinh tế của Mỹ.