Đăng ngày: 18/11/2022
Nhân chuyến công du Ấn Độ – Thái Bình Dương đầu tiên trong nhiệm kỳ 2 của tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài tham luận « La France, une puissance d’initiatives en Indo-Pacifique – Pháp, một cường quốc với nhiều sáng kiến tại Ấn Độ – Thái Bình Dương », nói về chiến lược của Paris đối với khu vực này. Tác giả bài viết là Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – FRS.
Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của FRS ngày 15/11/2022, Antoine Bondaz đặt câu hỏi : Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp có gì khác so với tầm nhìn của Mỹ ? Trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc và thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực, Paris có những bước chuẩn bị nào để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của Pháp ?
Trước hết tác giả nhắc lại : Pháp là thành viên duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu có chủ quyền tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bảy vùng lãnh thổ hải ngoại nằm tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi có hơn 1,6 triệu công dân Pháp sinh sống. 90 % diện tích vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của Pháp cũng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ – Thái Bình Dương đương nhiên là mối quan tâm lớn của bộ Quân Lực : Trên 7.000 quân nhân hiện diện thường trực trong vùng. Đại diện quân sự của Pháp công tác tại 33 quốc gia trong khu vực. Paris duy trì những liên hệ chặt chẽ với các đối tác khu vực trong công tác cứu hộ và phòng chống thiên tai, chẳng hạn như với Hạm đội 7 của Mỹ.
Về ngoại giao, với 25 đại sứ, 14 tổng lãnh sự và hai văn phòng đại diện tại 39 quốc gia trong vùng, hiếm quốc gia nào khác có được một mạng lưới ngoại giao hùng hậu như vậy. Tháng 9/2022 Pháp là thành viên đầu tiên trong Liên Âu bổ nhiệm một vị đại sứ đặc trách toàn bộ Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Năm 2020 Paris tham gia hiệp hội các quốc gia chung quanh vùng Ấn Độ Dương – Indian Ocean Rim Association, Paris mong muốn tham gia Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng ADMM+ hay thỏa thuận hợp tác chống hải tặc ReCAAP…
Tránh đối đầu với Trung Quốc
Mặc dù chiến tranh Ukraina từ tháng 2 tới nay và nhiều mối căng thẳng khác trên thế giới chi phối chính sách ngoại giao của Paris, nhưng từ khi lên cầm quyền tổng thống Macron vẫn luôn chú trọng vào Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp từng bước được hình thành. Tháng 7/2021 để chuẩn bị cho chuyến công du Nhật Bản và vùng Polynésie của tổng thống Emmanuel Macron, Paris công bố « Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương ».
Tài liệu gần 80 trang này trình bày về tầm nhìn của Pháp về khu vực và chiến lược đó xoay quanh bốn trục chính phản ánh những « thách thức đa dạng chờ đợi khu vực này ». Những thách thức đó gồm : an ninh và quốc phòng ; kinh tế và kết nối ; nguyên tắc đa phương và Nhà Nước pháp quyền ; những thách thức về mặt môi trường trong đó có vấn đề bảo vệ đại dương.
Khi công bố văn bản nói trên các quan chức Pháp nhấn mạnh chiến lược của Paris « không nhắm vào Trung Quốc và Pháp không chỉ tiếp cận các thách thức đặt ra cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương dưới góc độ đối đầu ». Antoine Bondaz giải thích, Paris có một cách tiếp cận khác về Ấn Độ – Thái Bình Dương so với Washington.
Nếu như trong văn bản công bố hồi tháng 7/2021 Paris tránh nêu đích danh Đài Loan, thì đến tài liệu về an ninh quốc gia vừa được phổ biến hồi tuần trước, Pháp lần đầu tiên nói đến « những mối căng thẳng tại eo biển Đài Loan ».
Antoine Bondaz đúc kết tầm nhìn của Pháp về Ấn Độ – Thái Bình Dương như sau : Thứ nhất Pháp chỉ trích Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự trong vùng và muốn đơn phương thay đổi « quy chế nguyên trạng » trong khu vực. Thứ hai Pháp nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của các chương trình hợp tác song phương đặc biệt là với Nhật và Úc.
Song song với những nguyên tắc và khái niệm khá chung chung và trừu tượng đó, một cách cụ thể, chính phủ Pháp tập trung nỗ lực tăng cường khả năng tác chiến xa lãnh thổ quốc gia, trong đó có cả việc thường xuyên huy động lực lượng hải quân thực hiện các chiến dịch bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển.
Mở rộng hợp tác với các quốc gia khu vực
Để triển khai chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương đó Paris trông cậy nhiều vào một số các « đối tác chiến lược » như là Nhật, Ấn Độ. Quan hệ đối tác với Tokyo liên tục được nâng cấp và là ưu tiên số một trong « lộ trình hợp tác song phương cho giai đoạn 2019-2023 ». Còn với New Delhi, từ 2018 hợp tác quân sự song phương đã được đẩy lên tầm cao mới thông qua hàng loạt các chương trình thao diễn chung. Đôi bên đủ tin tưởng lẫn nhau để chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí trong một số lĩnh vực.
Riêng với Úc, sau vụ Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp hồi năm ngoái, bang giao đã từng bước được cải thiện với chính phủ mới của thủ tướng Albanese. Sau cùng Antoine Bondaz của Quỹ nghiên cứu FRS ghi nhận : Pháp đã không quên nhiều quốc gia khác trong vùng. Đứng đầu là Indonesia và kế tới là những nước như Singapore, Việt Nam, Malaysia hay Hàn Quốc. Seoul cũng vừa công bố chiến lược về Ấn Độ – Thái Bình Dương và tài liệu này có « nhiều điểm tương đồng » với quan điểm của Pháp.
Một cường quốc với nhiều sáng kiến
Nhưng Paris không chỉ trông cậy vào các nước « bạn » để mở rộng ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Pháp còn chủ trương đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực xuất phát từ những mối căng thẳng địa chính trị. Thí dụ như hồi năm 2020 Paris chủ động cùng với Ấn Độ và Úc mở đối thoại ba bên, bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, gần đây Paris và New Delhi đã cùng với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất họp về vấn đề an ninh và phòng thủ, về khí hậu hay hợp tác về công nghệ…
Chuyên gia Antoine Bondaz cho biết thêm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Paris chú trọng nhiều vào nỗ lực hợp tác cứu hộ nạn nhân thiên tai. Trong các nỗ lực này, Pháp thường chứng tỏ hành động với tư cách là một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu hay của khối G7…
Ba trở ngại
Dù rất năng nổ nhưng tổng thống Macron vấp phải một số trở ngại trong nỗ lực đẩy mạnh hiện diện của Pháp trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Để tầm nhìn của Paris về an ninh, chiến lược và cả ngoại giao, kinh tế về khu vực này có mức độ đáng tin cậy cao, theo nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Pháp Mỹ cần « thiết lập đối thoại chiến lược thường xuyên ». Về điểm này dù Paris và Washington đã thuận thảo hơn từ khi tổng thống Joe Biden lên cầm quyền tháng vào 1/2021 nhưng đây vẫn chưa phải là một cuộc đối thoại suôn sẻ.
Khó khăn thứ nhì đặt ra là lực bất tòng tâm : Pháp cố gắng hiện đại hóa và tăng cường khả năng quân sự nhưng những nỗ lực đó là hãy còn quá khiêm tốn và tham vọng thuyết phục các đối tác trong Liên Âu sát cánh với Paris là giấc mơ còn quá xa vời.
Thách thức sau cùng là tới nay, chẳng mấy ai tin tưởng vào một chiến lược chung châu Âu, cả trong vấn đề an ninh, chiến lược lẫn kinh tế cho một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.