Đăng ngày: 21/11/2022
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia miền nam Ukraina, lớn nhất châu Âu, hiện do Nga kiểm soát, một lần nữa bị tấn công hôm qua, 20/11/2022. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) nhận định các cuộc tấn công là ‘‘hoàn toàn có chủ đích’’.
Theo AFP, trả lời đài Pháp BFMTV, tổng giám đốc AIEA, ông Rafael Grossi, cho rằng tình hình ‘hết sức nghiêm trọng’’. Theo ông, khoảng một chục cuộc oanh kích đã đánh trúng vào một số khu vực ‘‘khá nhạy cảm’’ của nhà máy, ‘‘chủ yếu thuộc các nơi cất giữ nhiên liệu hạt nhân mới hoặc nhiên liệu đã qua sử dụng’’. Lãnh đạo AIEA phẫn nộ kêu gọi ‘‘chấm dứt các hành động điên rồ’’ nhắm vào nhà máy điện hạt nhân.
Tổng giám đốc AIEA không cáo buộc bên nào là thủ phạm, với nhận định ‘‘nhà máy điện hạt nhân nằm tại khu vực chiến sự, nơi các lực lượng Nga và Ukraina cùng lúc hoạt động, rất khó xác định trách nhiệm của bên nào’’. Theo bộ Quốc Phòng Nga, các lực lượng Ukraina đã bắn khoảng 20 trái đại bác vào nhà máy. Về phần mình, Energoatom, cơ quan năng lượng nguyên tử của Ukraina, cho biết rõ Nga đã tiến hành ít nhất 12 cuộc oanh kích nhắm vào nhà máy hạt nhân vào sáng hôm qua, đồng thời tố cáo Matxcơva một lần nữa sử dụng nguy cơ thảm họa hạt nhân ‘‘làm phương tiện bắt chẹt, gây nguy hiểm cho toàn thế giới’’.
Người dân Ukraina tại khu vực phản ứng ra sao trước nguy cơ thảm họa hạt nhân ?
Thông tín viên RFI Maurine Mercier từ miền nam Ukraina gửi về bài phóng sự :
‘‘Yuri, một quân nhân trạc bốn mươi, chuẩn bị trở lại mặt trận. Anh rất chú ý đến những tin tức không tốt đẹp liên quan đến vụ nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia bị tấn công, nhất là khi quân đội Ukraina đẩy Nga vào tình thế khó khăn. Anh lo ngại hơn bao giờ hết về phản ứng của con thú dữ bị thương.
Anh nói: ‘‘Họ không muốn hiểu rằng họ đang trong tình thế thê thảm. Vâng, dĩ nhiên là hạt nhân gây sợ hãi. Hãy xem những gì đã xảy ra ở Tchernobyl. Tôi không biết người Nga nghĩ gì. Họ bị mất trí rồi ! Trên thực tế, tôi muốn nói với quý vị rằng, đó là một lũ ngu dốt !’’.
Bên cạnh anh là người vợ, Genia cùng với hai đứa con, 13 và 12 tuổi. Toàn bộ gia đình từ đầu chiến tranh đến nay sống dưới hầm. Genia nói : ‘‘Trong trường hợp tai nạn xảy ra, chúng tôi không còn biết ẩn nấp ở đâu. Hầm chống phóng xạ của chúng tôi chẳng giúp được gì’’.
Genia thường xuyên ra mặt trận để tiếp tế cho chồng và các đồng đội. Cô vốn là người quả cảm. Nhưng hơn cả bom đạn, giờ đây Genia sợ một thảm họa hạt nhân. Cô nói : ‘‘Trong chiến tranh, người ta lo lắng hơn cho con cái mình. Chúng tôi dù sao cũng đã nếm mùi cuộc sống, còn con cái tôi, chúng còn chưa được sống’’.
Genia sắp khóc. Trong lúc chồng cô trở lại mặt trận, người phụ nữ 33 tuổi này còn phải đối mặt với nỗi sợ về một thảm họa hạt nhân’’.
Hai thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có mặt thường xuyên tại khu vực nhà máy. Theo lãnh đạo AIEA, kết quả thẩm định sơ bộ về hậu quả của các vụ oanh kích sẽ được đưa ra trong sáng hôm nay.