Dầu diesel của Nga vẫn vào thị trường châu Âu ‘trước giờ G’ nhưng không giúp kinh tế nước này khỏi trượt dốc năm 2023.
Từ 05/02/2023, Liên hiệp châu Âu sẽ bắt đầu cấm nhập các sản phẩm dầu từ Nga nên hiện nay, các nhà nhập khẩu châu Âu đang nỗ lực đổ đầy tổng kho dầu diesel từ Nga.
Theo Reuters (21/11/2022), chỉ từ ngày 01 đến 12 tháng 11, số dầu diesel nhập từ Nga vào qua cảng Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) tăng 126% so với tháng 10, đạt 215 nghìn bpd.
Dù châu Âu đã giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm hóa dầu từ Nga rất nhiều, sau khi Nga xâm lăng Ukraine tháng 2/2022 và chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, Liên bang Nga vẫn là nhà xuất khẩu lớn dầu diesel vào EU.
Nhiên liệu diesel (gasoil) vẫn được bán vào các kho của ARA trong tháng 12 năm nay nhưng sẽ phải chuyển ngay sang các kho chứa khác, theo một quy chế kinh doanh của châu Âu, tuân thủ lệnh cấm vận.
ICE Futures Europe, có trụ sở ở London, cơ quan ra các quy định về thị trường năng lượng châu Âu đã cấm gasoil chứa sulphur nồng độ thấp từ Nga trước các lệnh EU có hiệu lực.
Dù đã nằm ngoài EU sau Brexit, Anh vẫn nhập dầu có xuất xứ từ Nga, theo một tờ báo Anh.
Trang Sunday Times đưa tin có ít nhất 39 chuyến tàu chở dầu gốc từ Nga, nhưng đăng ký “nguồn hàng” từ các nước khác, đã tới Anh kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine. Trị giá số dầu này lên tới 237 triệu USD, theo tờ báo.
Các báo Anh và Mỹ cũng cho hay năm nay nông nghiệp Nga được mùa to và việc xuất khẩu ngũ cốc qua tuyến Biển Đen trở nên quan trọng để Nga đẩy đi hàng dư thừa.
Trang Geopolitical Futures có trụ sở ở Austin, Texas, Hoa Kỳ (21/11) có bài “Russia’s long game on grain exports”, đánh giá cách Nga xuất khẩu ngũ cốc.
Năm nay, nhà nông Nga thu hoạch 105 triệu tấn lúa mì so với 77,8 triệu năm 2021. Cộng thêm các loại ngũ cốc khác thì vụ mùa năm nay ở Nga thực sự bội thu, đem về 150 triệu tấn. Vì thế, Nga cần “môi trường thuận lợi” để tiếp tục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua hành lang Biển Đen.
Bán được dầu và lúa mì nhưng kinh tế vẫn tồi tệ
Tuy thế, nhìn chung kinh tế Nga cuối 2022, đầu 2023 sẽ tiếp tục chịu tổn thất nghiêm trọng vì cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bloomberg hôm 16/11 nên ra dự báo kinh tế Nga teo lại trong hai quý liền, với “bức tranh tệ hơn nữa còn đang ở phía trước”. Quý III này, kinh tế Nga sụt giảm 4%, theo Bloomberg. Còn một dự báo khác của Forbes trong tháng 9/2022 nói GPD của Nga sụt 10% trong năm 2022 và 2023.
Bộ Quốc phòng Anh trích tin tình báo nói chi phí cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ tăng thêm 40% trong năm 2023.
Tuần này, Bộ Tài chính Nga phải vay 13,6 tỷ USD chỉ trong một ngày, gây xôn xao dư luận thế giới. Các báo Anh cho rằng chính quyền Putin thiếu tiền và cần vay gấp để trang trải cho “cuộc xâm lăng đang lung lay”.
Nga lên kế hoạch chi phí cho quốc phòng mà thực chất là để tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine, với ngân sách quân sự 2023 lên tới 84 tỷ USD, tăng lên 40% so với năm 2021, các báo Anh trích nguồn chính thống của Anh Quốc cho biết.