- Tác giả,Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
- Vai trò,Gửi tới BBC từ San Jose, Hoa Kỳ
- 22 tháng 11 2022
\”Every stick has two ends: one points to heaven, the other hell.\”
(Mỗi khúc cây đều có hai đầu: một hướng thiên đường, kia địa ngục)
(Ngạn ngữ Anh)
Lễ Thanksgiving (Tạ ơn) của người Mỹ bắt đầu từ năm 1621 để cảm tạ Trời Đất bởi dân di cư Âu châu khi mới sang vùng Bắc Mỹ, vốn mong có đời sống mới nhiều tốt đẹp hơn. Ở giai đoạn đầu khi di dân Anh quốc sang vùng đất nầy, gà tây (turkey) hoang dã to béo là nguồn thực phẩm dễ kiếm. Khi Alexander Hamilton, một nhà sáng lập nước Hoa Kỳ ở thế kỷ 18, tuyên bố, “Không một công dân Mỹ nào từ chối thịt gà tây vào ngày Tạ ơn!” thì con chim to lớn nặng nề đã trở thành thực đơn cho truyền thống nầy.
Từ đó, hằng năm vào ngày thứ Năm cuối tháng 11, nay là ngày lễ quốc gia, các gia đình Mỹ hì hục nấu nguyên con gà tây để ăn mừng. Thịt gà tây, nếu ai đã ăn qua, thực sự chẳng ngon tí nào. Nó lạt lẽo và rất dễ ngán. Thành ra, người Mỹ nấu gà tây trong dịp này là một cái cớ để cho cả nhà cùng nhau lục đục, nấu nướng cho vui. Đây cũng giống như truyền thống nấu bánh tét, bánh chưng ở quê ta nhân dịp Tết đến, Xuân về. Cái vui ở nơi nấu nướng mới là quan trọng hơn là hương vị thức ăn.
Ở xứ Cờ Hoa nầy, đối với dân di cư mới sang, ai cũng tất bật, tối ngày lao động. Làm sao để biến công ăn việc làm như là một niềm vui, như là một cơ hội giải thoát ra khỏi sự bận rộn nhàm chán trong cuộc sống? Làm sao để lao động mưu sinh được như là chuyện nấu nướng trong gia đình?
Từ Lao động đến Công việc
Thưa rằng, cái huyền bí của cuộc đời, theo Hannah Arent, một triết gia gốc Do Thái, nằm ở chỗ chúng ta biết cách biến lao động (labor) thành công việc (work). Ở cái thuở khi văn minh Tây phương chưa đi vào con đường hiện đại, con người không có lao động và không bị lao khổ.
Thời cổ sử, khi làm việc, và gần đây thôi, khi tôi lớn lên giữa ruộng đồng miền Trung Việt, nhìn nghe dân gặt lúa hò vấn đáp giữa cánh đồng lúa chín, tôi cảm thấy người ta dung hòa và dâng hiến chính mình, cả ý thức và thân xác, vào công việc như là một sinh hoạt tôn giáo và tâm linh.
Mỗi tác hành cho công việc không làm lao tổn hay tiêu hao năng lực thể chất và tinh thần như là lao động ngày nay. Công việc đồng áng của người xưa không nhằm mục đích để xong việc mà nghỉ ngơi – mà chính trong công việc là sự nghỉ ngơi và giải trí.
Công việc chính là hành động nuôi nấng và dung dưỡng sự trở nên và sáng thành của thiên nhiên, của tạo hóa, cho mình, cho đời và Trời Đất. Họ không có thời biểu, thứ Hai, thứ Ba hay cuối tuần.
Tất cả thời gian và ngày giờ được biến hóa và tan hòa vào sự chăm sóc công việc – như là hành động nấu nướng con gà tây cho chính mình và cho gia đình.
Làm việc chính là cầu nguyện
Công việc, từ đó, là một sự góp tay trong nguyện cầu để thực tại được trở thành theo quy luật thiên nhiên. Working is praying. Khi ta làm việc ta không cảm thấy bị lao động, mà trái lại, làm việc là góp tay với Tạo Hóa để cho thế giới – và chính ta – được chuyển mình và tiến hóa về cái Đẹp, cái Đúng. Trong công việc ta hiện thân ra tính thể – working is being – mà bản chất cá nhân ta sẽ quyết định cách thức làm việc và phẩm chất cho kết quả và thể tướng nơi sự vật tác thành.
Công việc là chuyện mở đường, chuyện thắp đuốc để khơi sáng ngọn đèn tâm thức – để biết mình là gì, và qua đó để biết rõ hơn bản chất thiên nhiên, vũ trụ, thế gian qua những trở lực mà công việc gặp phải và vượt qua. Tùy vào xung tác từ ta mà thế giới phản lực ngược lại như thế nào. Đây là cả một nghệ thuật giao hưởng giữa cá nhân và vũ trụ. Mỗi người khi theo đuổi công việc (worker) trở nên một nghệ sĩ nhằm chuyển hóa tính chất tiêu cực nơi kẻ lao tác (laborer) bằng nội dung tôn giáo ở sự việc. Họ trở nên một đạo sĩ dấn thân trong ý chí chinh phục thế gian này trước những trở lực vốn khó khăn với đau mệt thân thể (pain) nhưng không bị suy thoái thành khổ đau (suffering).
Trong các trường phái tôn giáo bí truyền, công phu tu luyện chính là Công việc – và được gọi đúng tên như vậy, the Work. Công việc là cơ hội và phương tiện tu học, để thử thách, để chuyển hóa tâm thức. Công việc chính là hành trang thư pháp (caligraphy), là nghi thức trà đạo, mà trong đó mục tiêu cho công việc chính là công việc chính nó.
Làm việc như vẽ tranh
Điều quan trọng không phải là làm cái gì mà làm như thế nào. Điều này giải thích được lý do vì sao mà các trí thức khi về già lại càng muốn trở thành họa sĩ. Niềm hạnh phúc trong khi vẽ tranh chính là sự hưng phấn từ cái Đẹp qua cử chỉ thân thể. Đây là một niềm cám dỗ nghệ thuật lạ lùng mà hầu hết những nhà văn hóa đều sẽ phải trải qua khi tuổi đã luống chiều. Vì sao vậy?
Khi vẽ tranh ở tuổi luống chiều, ý chí sáng tạo và tác hành trong cuộc sống nay biến thành một sự rút lui khỏi thế gian phức tạp nhằm nung ấm chính mình bằng cái Đẹp đơn giản nơi tranh. Người vẽ chỉ cảm nhận được một nỗi vui sâu sắc và đơn giản khi vẽ – và chỉ có thế, họ không cần gì khác hơn. Họ trở thành trẻ thơ lần nữa với tinh thần hồn nhiên trong công việc như là đứa trẻ chơi đùa giữa ruộng nước bùn lầy. Nhưng chính từ trong bùn lầy của cuộc đời mà từ đó biểu tượng Đạo lý được hiện thân.
Người làm công việc, khác với người lao động. Họ nhận thức ra tính cách biểu dấu (symbolic nature) cho sự việc và quy luật vật chất. Khi làm việc, họ xây căn nhà hữu thể, the house of being, cho mình. Khi công việc hoàn tất, họ bước vào căn nhà, nói theo Harry Remde trong tiểu luận The House as Center (Căn nhà là tâm điểm), như là chính họ đi vào một biểu tượng của chính mình (When he enters this house, he enters a symbol of himself). Và chính người làm việc tự tay xây căn nhà hữu thể – là hiện thân của ta qua công việc. Ta phải ở trong căn nhà hữu thể này để được an trú, bởi vì nếu không thì chính ta sẽ trở thành vô gia cư.
Tức là, người làm việc là người ở trong nhà mình; còn người lao động là người vô gia cư, vốn bị mất đi tính biểu tượng trong công việc. Kẻ không nhà bị cuốn trôi theo nghiệp thức nơi chủ đích lao động. Khi con người có nghề, họ sẽ bị nghiệp lôi kéo. Nhưng khi ta coi việc làm như là công phu tu luyện thì ta sẽ được giải nghiệp. Người làm việc tìm ra được tinh hoa thế gian qua hành động trong căn nhà hữu thể. Mọi khó khăn, thô lậu trần thế sẽ trở thành than củi cho lò lửa luyện kim tinh thần trong bếp cơm ấm cúng giữa góc nhà.
Khi tôn giáo và lễ nghi thay cho công việc
Khi công việc đã bị thoái hóa xuống lao động thì hiện tượng tôn giáo duy hình thức và lễ nghi xuất hiện. Khi mà cái lễ, cái nghi nay không còn là của con người thường nhật trong công việc hằng ngày thì hắn phải tìm đến tôn giáo để khôi phục lại cho mình căn nhà tinh thần. Thượng đế từ đó bị khách quan và nhân thể hóa; thần linh đi về cõi khác; nhân cách con người bị hớp hồn vào hình thức trống rỗng, không còn mang ý nghĩa biểu tượng Đạo lý. Cái Ta ở nơi con người lao động bị cái nghiệp trong mục tiêu thế gian cuốn trôi. Và tôn giáo chỉ còn là nơi những kẻ vô gia cư tinh thần đến để than vãn số phận tới một thánh thần cao siêu. Thánh nhạc, lời kinh trở nên ca trù réo gọi vô hồn trong trạng huống vô gia cư của những con người có đầy nghề và nghiệp.
Không ngạc nhiên gì mà nỗi khổ lớn nhất của con người thị thành khắp nơi là sự nhàm chán và bệnh trầm cảm. Con người càng bận rộn bao nhiêu họ càng cảm thấy trống rỗng và xuống tinh thần bấy nhiêu vì họ không tìm ra được ý nghĩa và hứng thú trong lao động. Đây là bản án chung thân cho nhân loại bây giờ. Tất cả đều là những nô lệ lao động vì thân xác, cho tự ngã. Ta chỉ mong sao được thoát ly ra khỏi tình trạng bận rộn quần quật bất tận vì nghề nghiệp. Hãy nhìn tới khối nhân công lao động vô hồn trong các xưởng sản xuất dây chuyền khổng lồ từ Hoa Lục, Hoa Kỳ, đến Việt Nam, Nhật Bản. Nếu đó không là nô lệ thời đại thì là gì!
Karl Marx đã nhìn thấy vấn đề này và muốn đưa con người lao động ra khỏi cái mà Marx gọi là “vương quốc thiết yếu” (kingdom of necessity) để đến với “cõi tự do” (realm of freedom). Nhưng Marx lại cho sai thang thuốc. Thay vì cá nhân phải tự chuyển hóa trong công việc của mình, Marx muốn biến người cộng sản mang cơn đau đẻ cho sự chuyển bụng (labor) lịch sử bằng lao động cách mạng. Nhưng bài học này đã xong rồi.
Cuộc sống cần lý tưởng như gà tây cần muối
Maurice Nicoll, triết gia Anh, trong cuốn “The Mark” (Chủ đích, một chương Tân Ước), viết, “Không ai có thể thoát ra khỏi chính mình ngoại trừ họ có một nơi nào đó để đi đến”. Nicoll nói thêm, “Cá nhân không thể thay đổi mình ngoại trừ hắn đã có cái gì mới để mà vươn tới.” Con người không biết sống và lao động để làm gì, không biết đi về đâu, không biết theo hướng nào. Họ như là người bắn cung mà tên bị hụt mục tiêu (missing the Mark). Khi hắn bước đi trên trái đất này bằng công việc như thế nào sẽ quyết định mức tiến hóa như thế đó.
Khi ăn thịt gà tây, người Mỹ sử dụng khá nhiều muối để gia tăng hương vị. Nicoll dùng chương “Sáng thế ký” (Genesis) trong Cựu Ước, câu chuyện chàng Lot, để giảng luận ý nghĩa của muối. Khi Lot và vợ con khi đi đến thành phố Sodom – ngữ gốc của từ sodomy – nơi rất sa đọa thân xác, có kẻ khuyên họ nên rời thành phố gấp trước khi nó bị ông Trời tiêu huỷ. Nhưng Lot chần chừ. Đến khi thiên thần hiện ra khuyên là ông ta và vợ con nên trốn “lên núi” (cõi cao) và đừng có “nhìn lui” (ám ảnh bởi quá khứ) thì mới thoát nạn. “Hãy để cho kẻ chết chôn chính họ” (Matthew 13). Lot không dám lên núi mà chỉ muốn trốn vào thành phố nhỏ tên là Zoar. “Zoar” theo phương ngữ Trung đông có nghĩa là “nhỏ nhặt, ty tiện”. Sau đó, Sodom bị ông Trời tiêu huỷ. Nhưng vợ của Lot quay lại nhìn Sodom và bà đã bị biến thành một cột muối. Lot sau đó trốn lên hang núi loạn luân với hai con gái ruột để sinh ra thêm một thế hệ mới. “Cột muối” ở đây biểu tượng cho sự đông cứng, của sự chết, không còn khả năng sinh sản – trong khi muối mang ý nghĩa cứu rỗi, chuyển hóa.(*)
Lot là mẫu người bình thường trong mỗi chúng ta – vốn chỉ biết trốn chạy vào cái nhỏ nhặt để rồi quên đi mục tiêu to lớn cho cuộc đời. Đó là sự chuyển hóa chính mình. Từ trong “Zoar,” tức là vì cái nhỏ nhặt, ty tiện, mà ta tự gia tăng, quan trọng hóa chính mình qua say mê và ái dục – như là Lot bị hai đứa con gái phục rượu cho say để mà loạn luân trong hang núi. Khi bạn rắc muối lên thịt gà tây, khi bạn nhai và nuốt vào bụng, muối sẽ giúp chuyển hóa thức ăn thành ra máu huyết, tức là tinh thần. Mọi chuyện, mọi thứ trên đời – kể cả thân xác của chúng ta – đều là của biểu tượng cho một ý nghĩa huyền bí. Hãy nhìn cuộc đời cứ như là chuyện nấu nướng con gà tây – con vật tượng trưng cho chậm chạp, vụng về – trong dịp Thanksgiving này.
Cho một văn minh lao động mới
Nhằm giải quyết vấn nạn khổ đau cho dân lao động, Simon Weil, nữ triết gia Pháp, có lần đề nghị, “Công tác cho thời đại chúng ta là kiến tạo một nền văn minh khai sinh trên nền móng tinh thần cho công việc.” Tức là ở điều rằng, mỗi con người qua công việc, đang sống một cuộc đời hai mặt. Một mặt từ thế giới hiển nhiên; mặt kia nằm trong bí ẩn, chờ đợi. Theo đó thì tất cả những tác hành cho cuộc sống hằng ngày đều tạo ra một sự rung động tương ứng ở cõi vô hình – và chỉ khi nào sự rung cảm ở hai cõi hữu và vô này được đồng nhịp thì con người mới thực sự được hạnh phúc.
Happy Thanksgiving! Chúc bạn sức khoẻ và bình an.
(*) Tân Ước – Matthew 5:13: “Bạn là muối của địa cầu.” Từ salt (muối) cùng ngữ gốc với saliva (nước miếng) và salvation (cứu rỗi). Sal là chuyển hóa. Nước miếng và muối giúp chuyển hóa thức ăn thành máu (tinh thần). “Cứu rỗi” chính là sự chuyển hóa cái thô lậu sang năng lực tinh thần thanh thoát.
Bài thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tiến sĩ triết học, luật gia Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, California.