Đăng ngày: 23/11/2022
Trong buổi họp báo chung hôm qua, 22/11/2022, bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire, và đồng nhiệm Đức, Robert Habeck, tuyên bố Paris và Berlin không loại trừ khả năng gia tăng hỗ trợ tại châu Âu nếu không đạt được một đồng thuận nào với Washington, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ.
Phát biểu này của hai bộ trưởng được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa ban hành Đạo Luật Giảm Lạm Phát, hỗ trợ ồ ạt các doanh nghiệp trong nước, có nguy cơ gây thiệt hại cho tính cạnh tranh các doanh nghiệp châu Âu.
Theo Les Echos, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp với đồng nhiệm Pháp tại Bercy, trụ sở bộ Kinh Tế Pháp, ở Paris, bộ trưởng Kinh Tế Đức Robert Habeck tuyên bố đạo Luật Giảm Lạm Phát, hỗ trợ ồ ạt các doanh nghiệp Mỹ mà Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua « không phù hợp với các quy định do Tổ chức Thương mại Quốc tế ấn định », thậm chí « vi phạm một số nguyên tắc ». Theo quan điểm của Paris và Berlin, văn bản này bao gồm nhiều điều khoản ưu đãi các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực lắp ráp xe ô tô, có nguy cơ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phi công nghiệp hóa tại Liên Hiệp Châu Âu.
Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, « Liên Hiệp Châu Âu phải học cách tự vệ. Các cường quốc không có chuyện tặng quà kinh tế cho nhau ».
Cả hai bộ trưởng cùng lưu ý, « trao đổi thương mại là sức bật của Liên Âu » nên khối này cần phải có những đàm phán với Mỹ để tránh một « cuộc chiến thương mại ». Đây sẽ là một chủ đề trao đổi nhân chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Cũng theo lời hai bộ trưởng, nếu không đạt được một « thỏa hiệp » nào giữa Ủy ban Châu Âu và chính quyền Biden, Pháp và Đức cam kết sẽ có những biện pháp đơn phương, và « bảo vệ nền kinh tế của khối bằng mọi giá », trong số này, có cả việc « kiện ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới WTO » hay đưa ra một « Đạo Luật Mua Hàng Châu Âu » (Buy European Act ), theo bộ trưởng Kinh tế Pháp.
Ngoài mặt trận đối phó với Mỹ, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết thêm, cả hai bộ trưởng Pháp và Đức còn đồng tình thúc đẩy nhiều hướng hợp tác khác nhằm cải thiện tính cạnh tranh trước Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc tài trợ ồ ạt cho các doanh nghiệp Trung Quốc.