Đăng ngày: 23/11/2022
Hôm nay, 23/11/2022, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu một nghị quyết lên án Nga là một Nhà nước tài trợ cho khủng bố. Theo nhóm các nghị sĩ thuộc PPE, đảng Nhân dân châu Âu, bên đề xuất nghị quyết, quân đội Nga có chủ ý tấn công các mục tiêu dân sự, như oanh kích các cơ sở hạ tầng năng lượng, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học hay những nơi trú ẩn, đi ngược với luật lệ quốc tế và nhân quyền.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết này gây chia rẽ tại nghị trường, thậm chí cả trong nội bộ các nhóm nghị sĩ.
Từ Strasbourg, đặc phái viên đài RFI Romain Lemaresquier tường thuật :
« Đây là một chủ đề làm dấy lên nhiều tranh luận tại Strasbourg. Nếu như các đại biểu châu Âu thông qua văn bản do nhóm nghị sĩ cánh hữu châu Âu đề nghị, Nga có thể bị coi là một Nhà nước tài trợ cho khủng bố trong nhãn quan của Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng văn bản này đang gây chia rẽ. Nếu như một số dân biểu cho rằng châu Âu không có hệ thống luật lệ như là Mỹ và do vậy, nên để cho luật pháp quốc tế tiến hành các vụ truy tố, thì số khác lại nghĩ rằng, khi bỏ phiếu cho dự thảo này, họ sẽ khép lại cánh cửa cơ may đàm phán với Matxcơva. Những lập luận này đã bị ông Raphael Glucksmann, nghị sĩ châu Âu, thành viên nhóm các đảng Xã hội và Dân chủ, vốn dĩ ủng hộ nghị quyết, bác bỏ.
Ông nói : Đây không phải là một sự chọn lựa. Đó không phải là chuyện hoặc quý vị bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết về khủng bố, hoặc quý vị đồng tình về việc lập một tòa án về tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Không phải như vậy. Ở đây cần cả hai. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên chính là, một mặt, có những người giải thích với quý vị là hãy cẩn trọng, nếu quý vị bỏ phiếu ủng hộ dự thảo, thì sẽ không còn khả năng đàm phán, đấy sẽ làm một thảm họa, một hành động hết sức nghiêm trọng. Mặt khác, có những người giải thích với quý vị là, cuối cùng, văn bản này là vô ích vì chẳng có hệ quả pháp lý gì. Thế nên, hoặc là vô ích, hoặc là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng không thể là cả hai cùng một lúc.Nếu nghị quyết không có tác động gì, thì đành chấp nhận là không có tác động gì. Còn nếu nghị quyết có tác động mạnh như xẩy ra Đệ Tam Thế Chiến, vậy thì hãy chấp nhận hệ quả là như vậy. Ở đây có một kiểu mâu thuẫn trong hai lập luận mà những người phản đối văn bản đã sử dụng.
Sáng thứ Tư này, các nghị sĩ sẽ phải bỏ phiếu. Hiện chưa có một dấu hiệu hướng dẫn nào được đưa ra, ngoại trừ trong nội bộ nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE). Và nếu tình cờ, văn bản này không được thông qua, đây sẽ là nghị quyết đầu tiên liên quan đến Nga bị bác bỏ kể từ đầu xung đột tại Ukraina. »