Đừng nói một ai – Bí mật của tội ác

Đăng ngày: 25/11/2022

\"\"
\"\"
Guillaume Canet (T) đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim « Đừng nói với ai » và Francois Cluzet, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho cùng phim, tại lễ trao giải điện ảnh Cesars lần thứ 32, Paris, ngày 24/02/2007. AP – Jacques Brinon

Lệ Thu

Những người yêu thích các tác phẩm trinh thám trên toàn thế giới hẳn không còn xa lạ với cái tên Harlan Coben, tác giả của 15 cuốn tiểu thuyết phần lớn đều thuộc hàng Best-seller. Ông là nhà văn đầu tiên đoạt cả ba giải thưởng lớn dành cho thể loại truyện trinh thám và tội phạm Mỹ: một giải Edgar, một giải Shamus và một giải Anthony

Nội dung các tác phẩm của Harlan thường xoay quanh những vụ án chưa tìm ra lời giải trong quá khứ và thường có cốt truyện đầy nút thắt. Khá nhiều tác phẩm đã được chuyển thể làm phim, trong đó phải nói tới “Tell no One” (tạm dịch là “Đừng nói một ai”). Đây cũng là bộ phim, mà chính Harlan Coben đã phải công nhận rằng có những chi tiết thậm chí hay hơn nhiều so với nguyên tác của ông.

Vì thế mà ngay khi ra mắt công chúng vào năm 2006, “Đừng nói một ai” của Điện Ảnh Pháp đã gây tiếng vang lớn, không những thắng lợi về mặt doanh thu, tác phẩm của đạo diễn Guillaume Canet còn liên tiếp thắng 4 giải César 2007 và đều là những giải quan trọng. Người xem đã vô cùng phấn khích khi Canet biến một câu chuyện đầy những bước ngoặt và những cú “lật mặt” đậm chất Mỹ trở thành một tác phẩm mang sự tinh tế, phức tạp đồng thời đầy trăn trở và băn khoăn kiểu Pháp.

Xuất phát điểm từ một tiểu thuyết quá nổi tiếng, song khi qua tay Canet cùng diễn xuất tuyệt vời của cặp đôi diễn viên đình đám của điện ảnh Pháp là Francois Cluzet và Kristin Scott Thomas, “Đừng nói một ai” vừa giữ được mạch truyện của nguyên tác và vừa có những thay đổi đậm dấu ấn Pháp. Đó là thành công quá lớn đối với bất cứ tác phẩm chuyển thể nào, đặc biệt là với một bộ phim trinh thám.

Đám mây côn trùng dày đặc

Bộ phim bắt đầu bằng chuỗi hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp vào ngày kỉ niệm 13 năm bên nhau của bác sĩ Alex và vợ là Margot. Đôi vợ chồng thanh mai trúc mã đưa nhau tới hồ nước, nơi mà họ đã cùng khắc tên lên thân cây lần đầu từ khi còn thơ bé, dưới ánh trăng bàng bạc và màn sương mờ ảo, họ nhảy xuống nước bơi cùng nhau trong hạnh phúc thăng hoa. Nhưng, ngay sau đó, một cuộc cãi vã nho nhỏ giữa họ đã khiến Margot lên bờ trước. Alex ngâm mình dưới nước, bỗng nghe tiếng thét thất thanh của vợ. Anh vội vã lao lên thì bất ngờ bị tấn công và ngất đi. Ba ngày sau, khi tỉnh dậy ở bệnh viện, anh biết tin vợ đã qua đời dưới bàn tay của kẻ giết người hàng loạt.

Có nhà phê bình đã nhận định thông qua “Đừng nói một ai”, Canet đã làm được một việc, đó là định nghĩa được làm cách nào mà một thảm kịch lại có thể tập trung vào một người duy nhất và kẹt cứng ở đó mãi, như những đám mây côn trùng dày đặc không lối thoát. Tám năm sau, tưởng sẽ thoát ra khỏi đau thương mất mát quá lớn thì Alex nhận được một email nặc danh có hình ảnh vợ anh còn sống khỏe mạnh cùng lời nhắn “đừng nói với một ai, cả hai đang bị theo dõi”. Chưa hết, cảnh sát phát hiện hai xác người ngay gần nơi vụ án xảy ra. Điều đáng nói là dường như tất cả đều phản lại Alex, biến anh trở thành kẻ khả nghi giết vợ. Là một bác sĩ nhi khoa thường xuyên làm từ thiện cứu người, Alex bàng hoàng với những gì đang xảy ra và vẫn tiếp tục đến với anh khi ngay sau đó, một nhóm xã hội đen trang bị vũ khí hiện đại đuổi theo truy sát anh.

Người ta có thể đoán ngay rằng Alex vô tội nhưng cái khó chịu là hầu hết nhân vật vây quanh anh đều không nghĩ như vậy và mỗi lúc những tình tiết mới lại hé lộ, trúc trắc hơn, phức tạp hơn. Các mối quan hệ mở rộng dần, hóa ra nó không chỉ là giữa vợ anh và anh, không chỉ giữa anh và gia đình của vợ, mà cả em gái anh cũng liên quan. Alex như bơi giữa biển sương mù, cách duy nhất là chạy trốn và tự mò mẫm cứu lấy bản thân.

Rõ ràng, điểm mấu chốt trong các bộ phim trinh thám là những chi tiết được cài cắm từ đầu cho tới khi bắt được thủ phạm thật sự. Tuy nhiên, trong “Đừng nói một ai”, Canet đã khéo léo lồng ghép tới mức khán giả gần như bỏ qua tất cả. Chính vì vậy, mỗi một dấu vết được phát hiện bỗng trở nên như hoàn toàn mới và khiến cho người ta phải căng thẳng chăm chú theo dõi bởi người ta không thể đoán ra điều gì sẽ xảy tới tiếp theo. Hệ thống nhân vật và câu chuyện mỗi lúc một nở ra như một cái cây cổ thụ thả tán lá bao trùm kéo khán giả ngồi dính chặt vào ghế không dám đứng lên vì chỉ bỏ lỡ một vài phút phim thì dường như ta sẽ mất dấu và sẽ không hiểu những tình tiết tiếp theo. Sương mù theo dấu chân Alex đồng thời cũng là màn mây côn trùng khó chịu vo ve thúc giục anh phải tìm hiểu ngọn ngành, thúc giục khán giả liên tục đoán và không lạ nếu như họ liên tục sai trong những phán đoán của mình. Cho tới tận khi kết thúc phim và kẻ thủ ác bị vạch mặt, người ta vẫn ngờ ngợ, ngạc nhiên, cuối cùng là thú vị bởi nó không giống bất cứ một hình dung nào trước đó nhưng lại vẫn rất có lí.

Thế lực và sức mạnh của đồng tiền

Cũng vẫn là một mô típ quen thuộc trong hầu hết các tác phẩm của Harlan Coben, kẻ thủ ác thường là kẻ có máu mặt, quyền thế và giàu có, đặc biệt, đều là đàn ông. Vẻ như khó thoát được cái vòng luẩn quẩn làm nên một xã hội “có vấn đề” với một bộ phận những kẻ thực thi pháp luật thối nát và bị tha hóa. Nhưng đâu đó, tất nhiên, vẫn lấp lánh một cái gì thật đẹp, đó là lòng tin mà thám tử Eric dành cho Alex. Không thể nói ra bởi có linh cảm xấu về những đồng nghiệp của mình, Eric đã âm thầm giúp đỡ cho Alex và đứng sau lưng anh tìm hiểu về vụ án, mong mỏi vạch trần bộ mặt hung thủ hãm hại Margot.          

Từ đây, càng nhiều nút thắt và những cú twist liên tục được bày ra cho khán giả, đồng thời thể hiện tài năng sắp đặt của đạo diễn Canet. Biết bao nhiêu đầu mối được cài cắm từ đầu dần hiện hình, được lật lại sử dụng để dẫn dắt Alex cũng như người xem tiến gần tới thủ phạm thật sự. Từ việc em gái Alex là một nài ngựa của gia đình Neuville, từ việc Margot làm tại một cơ sở từ thiện cùng quý tử của gia đình Neuville, cho tới cái chết bất ngờ của cậu này ngay trước cái chết bí ẩn của Margot, cho tới sự xuất hiện của “người tình hờ” của Margot và cả những vết bầm tím trên cơ thể cô do bị hành hung… Tất cả được cắt gọt, bóc từng lớp vỏ mỏng như người ta bóc một củ hành để rồi cái nhân bé xíu bên trong hé lộ dưới ánh mặt trời. Và khán giả ồ lên, tại sao họ lại không đoán ra ngay từ đầu? Vẻ như khi cảm giác sắp kết thúc thì cái gì cũng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng, điều đó không hoàn toàn đúng với “Đừng nói một ai” bởi cho tới tận phút cuối của phim, sự thật vẫn là bức màn bí mật cần được vén lên một lần nữa.

Những ngôi sao làm nên tác phẩm

Một trong những thành công của phim mà người ta nhắc đi nhắc lại chính là màn diễn xuất trên cả tuyệt vời của nam diễn viên Francois Cluzet. Ông là nam diễn viên tham gia rất nhiều dự án phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp và cả Hollywood. Trong sự nghiệp của mình, với khối lượng phim khá khổng lồ, Cluzet giành được rất nhiều giải thưởng quan trọng trong nhiều năm, có thể kể tới hàng chục đề cử và dành giải César cho các vai phụ, vai chính và một giải Phim Châu Âu. Ông được biết đến không chỉ là diễn viên điện ảnh mà còn là diễn viên kịch nói nổi tiếng trên các sân khấu kịch tại Pháp. Sở hữu vóc người nhỏ thó, gương mặt đầy biểu cảm với cách diễn nội tâm sâu sắc, Cluzet thích hợp với cả những vai hài hước lẫn tâm lí và hành động.      

Trong “Đừng nói một ai”, những thế mạnh này của Cluzet đã được tận dụng tối đa. Ông hóa thân vào vai Alex, người chồng yêu thương vợ, có cuộc sống đơn giản nhưng lại bị đẩy vào vòng xoáy tội ác quá phức tạp. Cảnh huống và cảm xúc liên tục bị thay đổi, từ lãng mạn yêu thương, cho tới bất ngờ, chạy trốn, điều tra, băn khoăn, ghen tuông và cuối cùng là tìm ra sự thật và trở lại với tình yêu. Từng scene, từng cảnh cho thấy sự thay đổi, căng thẳng dồn dập trên gương mặt của Cluzet đã khiến khán giả phập phồng cuốn theo nhân vật Alex với tất cả tình thương không một chút hoài nghi.

Với một diễn viên, để vào vai diễn vừa phải có sự lãng mạn, vừa phải hành động lại vẫn phải lôi cuốn thật sự vô cùng khó. Nhưng Cluzet với sự linh hoạt trong diễn xuất của mình, một giải César cho vai diễn Alex quả thực rất xứng đáng.

Bất cứ lúc nào, những sự rắc rối cũng có thể tìm thấy bạn. Đó là cuộc đời. Điều quan trọng là bạn đối mặt với nó như thế nào, liên tục đấu tranh vì bản thân và những người bạn yêu thương hay chấp nhận buông xuôi. Và điều này, chỉ bạn mới có câu trả lời cho chính mình.

Bài Liên Quan

Leave a Comment