Biểu tình bùng nổ ở Tân Cương và Bắc Kinh sau hỏa hoạn chết người

26/11/2022


\"Hình
Hình ảnh trích từ video cho thấy nhân viên cứu hỏa phun nước vào đám cháy tại một tòa nhà dân cư ở Urumqi thuộc Khu Tự trị Uighur Tân Cương nằm ở miền tây của Trung Quốc, ngày 24 tháng 11 năm 2022.

Sự công phẫn ở Trung Quốc đối với việc mở rộng phong tỏa do đại dịch COVID-19 trên khắp đất nước đã bùng nổ thành các cuộc biểu tình hiếm hoi ở khu vực Tân Cương thuộc miền tây Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh của nước này, khi số ca nhiễm toàn quốc lập kỉ lục mới.

Đám đông xuống đường vào tối ngày thứ Sáu tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương, hô vang khẩu hiệu \”Chấm dứt phong tỏa!\” và giơ nắm đấm lên trời, sau khi một vụ hỏa hoạn chết người ngày thứ Năm khơi lên phẫn nộ về việc họ bị phong tỏa COVID-19 kéo dài, theo các video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào tối ngày thứ Sáu.

Các video cho thấy người dân tụ tập trong một quảng trường hát quốc ca Trung Quốc trong khi những người khác gào lên rằng họ muốn được thoát khỏi phong tỏa.

Reuters xác minh đoạn phim được đăng từ Urumqi, nơi nhiều người trong số 4 triệu cư dân chịu phong tỏa thuộc hàng lâu nhất cả nước, bị cấm rời khỏi nhà của họ trong vòng 100 ngày.

Tại thủ đô Bắc Kinh cách đó 2.700 km, một số cư dân bị phong tỏa đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô nhỏ hoặc đối đầu với các quan chức địa phương phản đối các hạn chế đi lại áp đặt lên họ, với một số người gây áp lực thành công buộc nhà chức trách dỡ bỏ trước thời hạn.

Nguyên nhân chính gây ra sự công phẫn là vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà cao tầng ở Urumqi khiến 10 người thiệt mạng vào tối ngày thứ Năm. Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội khi nhiều cư dân mạng phỏng đoán rằng cư dân không thể thoát ra ngoài kịp thời vì tòa nhà đã bị phong tỏa một phần.

Các quan chức Urumqi đột ngột tổ chức một cuộc họp báo vào rạng sáng ngày thứ Bảy để phủ nhận các biện pháp COVID đã cản trở việc trốn thoát và cứu hộ, nhưng người dùng internet vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về cách diễn giải chính thức.

Tân Cương là nơi sinh sống của 10 triệu người Uighur. Các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi sắc dân thiểu số chủ yếu theo Hồi giáo này, bao gồm cả việc cưỡng bức lao động trong các trại tập trung. Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ những tuyên bố như vậy.

Trung Quốc bênh vực chính sách zero COVID đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình là cứu được mạng người và cần thiết để ngăn hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải. Các quan chức đã tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách này bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của công chúng và tác động ngày càng lớn của nó đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngày thứ Sáu, Trung Quốc ghi nhận 34.909 ca nhiễm COVID-19 tại địa phương hàng ngày, thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng là kỉ lục thứ ba liên tiếp, với sự lây nhiễm lan rộng ở nhiều thành phố, dẫn đến việc phong tỏa trên diện rộng và các biện pháp hạn chế khác đối với việc đi lại và kinh doanh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment