- Frances Mao
- BBC News
Hàng triệu người ở Đài Loan đang hướng tới việc bỏ phiếu khi cuộc bầu cử giữa kỳ địa phương của hòn đảo bắt đầu vào thứ Bảy.
Hội đồng địa phương và thị trưởng thành phố được chọn ra trong cuộc bầu cử được tổ chức bốn năm một lần.
Nhưng những cuộc bầu cử này cũng đang thu hút sự chú ý toàn cầu khi Đài Loan trở thành điểm nóng địa chính trị quan trọng hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Chính phủ Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà cuối cùng sẽ quay về với đất mẹ.
Nhưng nhiều người Đài Loan xem hòn đảo tự trị của họ – với hình thức chính phủ và hệ thống dân chủ riêng – là khác biệt.
Cuộc bầu cử này cũng bao gồm cả một cuộc trưng cầu dân ý để hạ tuổi bỏ phiếu xuống thành 18. Hiện tại, chỉ những người trên 20 tuổi mới được quyền bỏ phiếu. Nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi có ý thức về chính trị, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm 2020 là cao nhất từ trước đến nay.
Những người trẻ tuổi đã nói với BBC rằng họ đang bị thôi thúc trực tiếp bởi \”mối đe dọa từ Trung Quốc\” – vấn đề choán một phần lớn trong cuộc đối thoại chính trị xuyên suốt đời sống của họ.
https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/world-63739635/p0dhh088/viChụp lại video,
Liệu Trung Quốc có xâm lược Đài Loan?
Hai đảng và hai quan điểm
Có hai đảng chính trị chính ở Đài Loan và họ có cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc.
Quốc dân đảng (KMT), một đảng gồm các quán quân kinh doanh bảo thủ, theo truyền thống được coi là \”bồ câu\” thân Trung Quốc. Họ đã ủng hộ việc can dự kinh tế với Trung Quốc và dường như ủng hộ việc thống nhất, dù họ đã mạnh mẽ phủ nhận việc phò Trung Quốc.
Đối thủ chính của họ là Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền mà bà Thái Anh Văn lãnh đạo đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2020. Bà Thái đã có lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh cần thể hiện sự tôn trọng của Đài Loan và Đài Bắc sẽ không chịu khuất phục trước sức ép.
Bà tái đắc cử vào năm 2020 với lời hứa sẽ chống Bắc Kinh. Người dân địa phương nói với BBC vào thời điểm đó rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong và cuộc đàn áp nhân quyền sau đó của Bắc Kinh đã gây lo ngại ở Đài Loan.
Wen-ti Sung, một nhà phân tích chính trị Đài Loan tại Đài Bắc, làm việc cho Đại học Quốc gia Úc, nóit: \”DPP đang giảm dần khả năng quay trở lại với thương hiệu truyền thống là chủ nghĩa dân tộc Đài Loan\”.
Ông nói rằng năm nay an ninh quốc gia có nhiều sự kiện mà lẽ ra phải có lợi cho việc hiệu triệu tình cảm người dân \”dưới ngọn cờ của DPP\”.
Những sự kiện an ninh quốc gia đó ý chỉ chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự lớn của Trung Quốc để đáp trả, cuộc chiến ở Ukraine và cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đạt được tiến triển trong quan hệ xuyên eo biển.
Ông nói: \”Thế nhưng, hầu như tất cả các cuộc thăm dò đều gợi ý rằng DPP [đang] thất bại trong việc chuyển hóa tình cảm dân tộc chủ nghĩa ngày càng dâng cao ấy thành sự ủng hộ phiếu bầu, không giống như những chiến thắng lớn của đảng này sau Phong trào Hoa hướng dương năm 2014 và cuộc bầu cử tổng thống hậu cuộc khủng hoảng ở Hong Kong năm 2020\”.
Sự can thiệp của Trung Quốc đã suy giảm
Chính phủ đã tuyên bố, trước cuộc bỏ phiếu, rằng việc can thiệp bầu cử và nhúng tay của Trung Quốc đã ít hơn so với trước đây.
Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc nhiều lần ra sức gây ảnh hưởng đến cử tri – thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng, đe dọa quân sự và thậm chí đề xuất các chuyến bay giá rẻ cho người Đài Loan sống ở Trung Quốc.
Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Joseph Wu cho biết sự can thiệp của Trung Quốc \”không áp đảo như [trong] các cuộc bầu cử trước\”.
Ông lưu ý rằng Bắc Kinh có thể đơn giản là \”rất bận giải quyết các vấn đề nội bộ\”, ý chỉ số ca nhiễm Covid tăng vọt của Trung Quốc.
Theo dõi cuộc đua
Theo các cuộc thăm dò, cuộc đua cho chức thị trưởng đang diễn ra khá sát sao ở Đài Bắc và Tân Trúc, Thung lũng Silicon của Đài Loan, nơi tập trung các doanh nghiệp bán dẫn và vi mạch hàng đầu thế giới của nước này.
Các cuộc đua tranh cần chú ý diễn ra ở sáu thành phố lớn, nơi có 75% dân số sinh sống.
Tại Đài Bắc, ứng cử viên của Quốc Dân Đảng là một người đàn ông tự nhận mình là chắt của Tưởng Giới Thạch, người cai trị Đài Loan trong nhiều thập kỷ vào thế kỷ 20.
Gia đình đã bác bỏ tuyên bố này nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng, Quốc dân đảng thường bóng gió đến mối liên hệ này trong chiến dịch tranh cử của họ.
Tiến sĩ Sung cho biết Tân Trúc cũng được coi là chiến địa đáng theo dõi. Đó là cuộc đua tay ba cho chức thị trưởng, với các ứng cử viên của Quốc dân đảng và DPP đối đầu với một nhà kỹ trị được Đảng Nhân dân Đài Loan hậu thuẫn và Terry Gou, người sáng lập gã khổng lồ sản xuất công nghệ Foxconn.
DPP cầm quyền coi việc giành được Tân Trúc là rất quan trọng để duy trì sự ủng hộ bầu cử ở miền bắc Đài Loan.