26 tháng 11 2022
Bộ Quốc phòng Đức bác bỏ yêu cầu của Ba Lan muốn Berlin “chuyển thẳng hệ thống phòng không Patriot” do Hoa Kỳ sản xuất sang giúp Ukraine.
Câu chuyện trong tuần qua khiến nhiều báo châu Âu phải tốn công đăng tải nhưng hóa ra chỉ là một “sáng kiến” có vẻ để phục vụ tuyên truyền nội bộ ở Ba Lan, hơn là một kế hoạch của khối Nato.
Hôm 24/11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Christine Lambrecht, chính thức bác bỏ lời của người đương nhiệm Ba Lan, ông Mariusz Blaszczak.
Phía Đức xác nhận ông Blaszczak hôm đầu tuần có bàn thảo với bà Lambrecht về việc Đức sẵn sàng chuyển một dàn Patriot, loại hỏa tiễn đất đối không do Hoa Kỳ sản xuất, để bảo vệ vùng trời nước này.
Ý tưởng của Đức là để không xảy ra nguy cơ hỏa tiễn bắn vào vùng trời Ba Lan, như vụ việc gần đây ở một làng Ba Lan gần biên giới với Ukraine, làm chết hai người dân Ba Lan.
Nhưng sau đó, Bộ trưởng Blaszczak tuyên bố ông muốn “Đức chuyển thẳng dàn Patriot cho Ukraine để chống tên lửa Nga”.
Ngay lập tức phía Đức xác nhận mọi việc triển khai hệ thống phòng không hiện đại như Patriot “ra ngoài lãnh thổ Nato phải có sự tham vấn và điều phối của của Nato” mà cả Đức và Ba Lan là thành viên.
Dàn Patriot của Đức nếu đem sang Ba Lan là để “bảo vệ vùng trời Nato” chứ không có chuyện chuyển cho Ukraine, nước không phải thành viên khối này.
Hôm 24/11, trang Deutsche Welle cuả Đức có bài phân tích sự việc và cho rằng chính phủ cánh hữu ở Ba Lan tung ra vụ “giúp Patriot cho Ukraine” chỉ để ghi điểm với cử tri trong nước.
Lãnh tụ đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) đang có vòng công du trong nước để hô hào cử tri chuẩn bị ủng hộ cho đảng của ông trong bầu cử năm tới.
Một khẩu hiệu của ông Kaczynski là đổ lỗi cho Đức không giúp gì cho Ukraine.
Các tuyên bố của chính phủ Ba Lan về vụ dàn Patriot cần được đặt trong bối cảnh đó, trang Deutsch Welle đánh giá.
Cùng lúc, các hãng thông tấn như Reuters và Bloomberg cũng chỉ ra từ trong năm, rằng Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp các dàn Patriot Configuration 3, đã bác bỏ chuyện đưa hệ thống phòng thủ tên lửa này sang Ukraine.
Trang Geopolitical Futures ở Austin, Texas nhận định rằng chính giới Ba Lan muốn tìm cách kêu gọi Hoa Kỳ và Nato tăng bảo vệ Ukraine nhưng cũng để làm suy yếu Nga lâu dài về quân sự.
Chiến lược này sẽ giúp đảm bảo an ninh “cho nhiều thế hệ tương lai của người Ba Lan”.
Về phía mình, Hoa Kỳ cương quyết hạn chế chiến sự chỉ trong lãnh thổ Ukraine, tránh việc Nga tấn công sang các nước EU và Nato ở Đông Âu.
Sự khác biệt quan điểm này giữa Washington và Warsaw khiến một số thông tin đưa cho báo chí từ hai bên không hoàn toàn trùng khớp, theo Geopolitcal Futures.
Vũ khí hiện đại nhưng rất tốn kém
Đức hiện có 12 dàn Patriot do công ty Raytheon của Mỹ sản xuất và đã chuyển sang Slovakia hai dàn, dự kiến chuyển cho Ba Lan một dàn.
Mỗi dàn Patriot cần 90 quân nhân điều khiển và các nước khách hàng phải bỏ tiền ra để Hoa Kỳ huấn luyện người sử dụng.
Việc “đưa quân nhân Mỹ sang Ukraine” cùng bất cứ dàn hỏa tiễn bắn chặn Patriot nào là không nằm trong kế hoạch của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh Nato, Hoa Kỳ cho biết từ trong năm nay.
Một chi tiết nữa các báo Ba La cho hay là nước này đã đặt hàng hồi 2018 hệ thống phòng không hiện đại Patriot của Mỹ, với giá 4 tỷ 750 triệu USD.
Tuy thế, các vấn đề phức tạp về hậu cần khiến đến tháng 9 năm nay, bệ phóng đầu tiên mới chuyển tới một căn cứ phòng không gần Torun, Ba Lan và còn phải mất nhiều tháng nữa các hệ thống mới đưa vào vận hành được.
Chương trình này sẽ cung cấp cho Ba Lan các dàn phóng hỏa tiễn, cộng các phụ tùng, chươn trình huấn luyện và hệ thống thông tin liên lạc cùng các trái hỏa tiễn, mỗi trái giá 3 triệu USD để bảo vệ bầu trời.
Ở châu Âu, gần đây hai quốc gia ngoài Nato là Thụy Sĩ và Thụy Điển đều đã đặt mua Patriot của Mỹ.
Gói vũ khí này của Thủy Sĩ gồm 5 dàn hỏa tiễn (Patriot Configuration-3+ Modernized Fire Units) với giá 2,2 tỷ USD.
Chính giới nước này nói cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine làm nhu cầu phòng thủ vùng Bắc Âu và Baltic thêm cấp bách. Thụy Điển đã cử các sĩ quan cao cấp thăm căn cứ của Mỹ ở Ramstein, Đức để nghiên cứu cách triển khai mạng phòng không hiện đại như Patriot.
Khách hàng mua những vũ khí Mỹ tuy thế sẽ phụ thuộc vào chương trình nâng cấp, cập nhật thông số kỹ thuật của Mỹ kéo dài ít nhất đến năm 2048 cho Patriot thế hệ hiện nay.
Cho đến gần đây, trên thế giới có các đối tác sau của Mỹ sở hữu hỏa tiễn Patriot: Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Israel, À Rập Saudi, Đài Loan, Kuwait, Hy Lạp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Cuối 2021, Thụy Điển đã đặt mua vũ khí này của Mỹ. Thụy Điển thì mới đặt hàng tháng 10 năm nay.