Đăng ngày: 26/11/2022
Thứ Bảy, 26/11/2022, người dân Ukraina tưởng niệm 90 năm sự kiện Holodomor, nạn đói lớn 1932-1933 do chế độ Stalin gây ra. Theo các sử gia, 15% người dân Ukraina đã chết trong suốt giai đoạn mang tính bước ngoặt này. Lễ tưởng niệm năm nay đặc biệt mang nặng ý nghĩa trong bối cảnh cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành từ suốt chín tháng qua.
Tại Ukraina, nạn đói lớn 1932-1933 được gọi là « Holodomor », nghĩa là « chết đói tập thể ». Hàng năm, người dân Ukraina tưởng niệm ngày này vào ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11.
Tuy nhiên, sự kiện này cho đến nay vẫn luôn là một chủ đề tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu lịch sử về Ukraina và Liên Xô, liên quan đến vai trò thật sự của ông Stalin : Đây là một chính sách có chủ đích hay là một sự tổ chức vụng về trong quá trình công nghiệp hóa và tái phân bổ lương thực giữa các vùng lãnh thổ thời Liên Xô cũ ?
Chỉ có điều sự kiện năm nay có một tiếng vang quan trọng do việc Matxcơva tiến hành một cuộc chiến xâm lược Ukraina kéo dài từ 9 tháng qua. Những ngày gần đây Nga còn tiến hành những cuộc pháo kích bằng tên lửa phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước, trong bối cảnh mùa đông giá rét. Hành động này của Nga làm dấy lên bóng ma nạn đói 1932-1933, khiến có từ 3 đến 6 triệu người chết vì nạn đói lớn, mà chế độ Stalin ít nhiều gì cũng có phần trách nhiệm.
Trả lời phỏng vấn nhà báo Juliette Gheerbrant, ban quốc tế đài RFI, nhà sử học Éric Aunoble, chuyên gia về Ukraina và chủ nghĩa cộng sản tại đại học Geneve, trước hết nhắc lại, đế chế Xô Viết và Nga là hai thực tế khác nhau.
« Đó là một thuật ngữ xuất hiện ở cộng đồng người Ukraina ở Bắc Mỹ trong những năm 1970-1980, và được đánh dấu khá rõ ràng bởi các cuộc tranh luận thời kỳ tổng thống Ronald Reagan, với cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, tố cáo Liên Xô là một \”đế chế ma quỷ\”, v.v… Và phát biểu này nay lại được đưa ra ở Ukraine vào thời kỳ độc lập. Nhưng, một lần nữa, nạn đói năm 1933, người ta có thể đổ lỗi sự kiện này cho Joseph Stalin và chế độ của ông ta, thì Nga với tư cách là một quốc gia, chưa tồn tại vào thời điểm đó.
Ở đây có một kiểu diễn giải lại vĩnh viễn về lịch sử. Người ta diễn giải các hành động của nước Nga đương đại như là một sự tiếp nối với các hành động của Liên Xô, điều hầu như không có cơ sở. Hơn thế nữa, theo tư tưởng của Vladimir Putin, người không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để giải thích rằng thời kỳ Xô Viết tồi tệ đến như thế nào cho nước Nga ».
Nỗi lo đảo chính ở Ukraina Xô Viết
Theo AFP, bất chấp các cuộc oanh kích khốc liệt của Nga, hôm nay, nhiều lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu như thủ tướng các nước Ba Lan, Bỉ, Litva đã đến Kiev để tưởng niệm nạn nhân Holodomor. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong thông điệp qua video còn quyết định xem sự kiện « Holodomor » như là một cuộc « diệt chủng ». Đây cũng là điều mà từ nhiều năm qua, chính quyền Kiev đã ra sức vận động.
Một thuật ngữ bị phía Nga bác bỏ mạnh mẽ, cho rằng nạn đói trong giai đoạn đó không chỉ cướp đi sinh mạng của người Ukraina, mà còn có cả người Nga, người Kazakhstan, người Đức ở Volga cũng như nhiều dân tộc khác tại các nước thành viên khác ở phía nam đế chế Liên Xô.
Sử gia Éric Aunoble, trả lời RFI, cho rằng nguyên nhân chính của nạn đói lớn ở Ukraina là do nỗi lo sợ một sự nổi dậy, ông Stalin đã ngăn không cho người dân di chuyển để tìm thức ăn ở nơi khác, khiến cho tình hình thêm trầm trọng.
Ông giải thích : « Nạn đói không chỉ riêng có tại Ukraina. Điểm đặc biệt ở đây là chính nỗi lo bất ổn chính trị do nạn đói gây ra. Chúng tôi đã có được các thư từ của Stalin cho thấy, ông ấy nghĩ rằng vì gần Ba Lan, do đó chính quyền Ba Lan rất có thể sẽ lợi dụng điều này để tìm cách lật đổ chế độ Ukraina thuộc Xô Viết dưới sự hỗ trợ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraina.
Chính vì lý do này mà các nhà chức trách tuyệt đối muốn ngăn chặn nạn đói lây lan sang các vùng khác, trong khi ở phía bắc Kazakhstan, ở lưu vực sông Volga và thậm chí ở Kuban, những người đói lại có thể di chuyển. Có hàng triệu người chết, nhưng những ai thoát được những vùng nạn đói thì được cứu sống, trong khi ở Ukraina, họ lại bị cảnh sát trói chặt, giữ chân tại chỗ. »