RFA
2022.11.28
Các công nhân điện lực đang sửa chữa lưới điện (Hình minh họa)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự tính có thể lỗ tới 31.360 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động giá nhiên liệu khiến chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.
Đại diện EVN cho truyền thông Nhà nước hay tin trên trong ngày 28/11.
Những khó khăn khiến ông lớn điện lực Việt Nam dự tính lỗ nặng trong năm nay là do không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.
Thêm nữa là do chi phí sửa chữa lớn khiến EVN đã phải cắt giảm 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.
Nguyên nhân cuối cùng đại diện EVN mới đây nêu ra là do việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn.
Đại diện EVN nhận định trên tờ Lao động rằng: “Mặc dù đã cố gắng để chi phí vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng”.
Với tình hình hiện tại, theo đại diện EVN, ngành điện lực sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023. Theo lý giải của EVN, do năm 2023, dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn sẽ ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.
Tuy vậy, EVN cho biết sẽ nổ lực đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Hồi tháng 10/2022 nhiều doanh nghiệp phản ứng với đề xuất của Bộ Công thương cho EVN được tự quyết tăng giá điện khi tập đoàn này liên tiếp báo lỗ trong sáu tháng đầu năm. Một doanh nghiệp ở TPHCM nói trên tờ VTCNews rằng điện đã và đang là một ngành độc quyền trên thị trường, giờ lại được tự quyết tăng giá thì khác nào được tăng tính độc quyền, dễ đưa toàn bộ khách hàng là người dân, doanh nghiệp vào thế bị động, trở tay không kịp.
Cũng trả lời trên tờ VTCNews về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngành điện vốn đã độc quyền rồi, nay nếu lại được tự quyết tăng giá điện bình quân thì sự độc quyền e rằng càng tăng thêm. Theo ông Hòa, vấn đề này cần phải được cân đong, đo đếm, tính toán chi tiết, dựa trên tổng thể phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ cho riêng ngành điện, bởi ngành điện không đóng góp toàn bộ vào phát triển của nền kinh tế.