Đăng ngày: 28/11/2022
Lầu Năm Góc đang xem xét đề xuất của hãng Boeing về việc cung cấp cho Ukraina những đầu đạn nhỏ chính xác, giá rẻ, được gắn vào các loại tên lửa sẵn có dồi dào, cho phép Kiev tấn công tận phía sau các phòng tuyến của Nga.
Theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nguồn tin trong ngành cho biết là hệ thống do Boeing đề xuất mang tên “Bom có đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), là một trong khoảng hơn nửa chục kế hoạch đưa vũ khí mới vào sản xuất để cung cấp cho Ukraina và các đồng minh Đông Âu của Mỹ.
Hệ thống này có thể được giao sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, theo một tài liệu được Reuters và ba người thông thạo kế hoạch xem xét. Nó kết hợp loại “Bom có đường kính nhỏ” GBU-39 được lắp vào một tên lửa M26, cả hai loại này đều rất phổ biến trong kho vũ khí của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên của hãng Boeing từ chối bình luận, trong lúc người phát ngôn của Lầu Năm Góc Tim Gorman chỉ cho biết là Mỹ và các đồng minh đang “xác định và xem xét các hệ thống phù hợp nhất” có thể giúp đỡ Kiev.
Mặc dù Hoa Kỳ đã từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn 185 dặm (297 km) cho Ukraina, nhưng tầm bắn 94 dặm (150 km) của loại pháo phản lực GLSDB sẽ cho phép Ukraina tấn công các mục tiêu quân sự có giá trị từng nằm ngoài tầm với của lực lượng Kiev, giúp Ukraina tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch phản công bằng cách bắn phá các khu vực hậu phương của Nga.
GLSDB do hai hãng SAAB AB của Thụy Điển và Boeing của Mỹ hợp tác chế tạo và đã được phát triển từ năm 2019, trước cuộc xâm lược Ukraina do Nga tiến hành.
Theo trang web của SAAB, đầu đạn GLSDB được định hướng bằng GPS, có khả năng chống lại một số thiết bị gây nhiễu điện tử, có thể được sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết để phá hủy các loại xe bọc thép. GBU-39 – sẽ hoạt động như đầu đạn của GLSDB – được trang bị cánh nhỏ có thể xòe ra, cụp vào, cho phép nó lướt đi trong một khoảng cách hơn 100 km nếu được thả từ máy bay và nhắm trúng những mục tiêu có đường kính nhỏ không đầy 1 mét.
Việc cải biến vũ khí khác với mục tiêu quân sự thông thường ban đầu không phải là một hiện tượng mới. Một vị dụ cụ thể: Hệ thống phòng không (tức là bắn đi từ mặt đất) NASAMS, được Kongsberg Defense and Aerospace của Na Uy và Raytheon của Mỹ phát triển, sử dụng tên lửa AIM-120 – ban đầu được dùng để bắn đi từ máy bay chiến đấu vào máy bay khác.