28/11/2022
Hãng tin BBC của Anh cho biết một trong những nhà báo của họ ở Trung Quốc đã bị công an bắt giữ và đánh đập khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình vào hôm 27/11 phản đối chính sách Zero COVID của nước này, theo AFP.
Hàng trăm người đã xuống đường ở các thành phố lớn của Trung Quốc hôm 27/11 trong một làn sóng phẫn nộ hiếm hoi của công chúng đối với nhà nước.
“BBC vô cùng lo ngại về cách đối xử với nhà báo Ed Lawrence của chúng tôi, người đã bị bắt và còng tay khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải,” đài BBC cho biết trong một tuyên bố.
Ông Lawrence, làm việc ở nước này với tư cách là một nhà báo được cấp thẻ, đã bị giam giữ trong vài giờ, trong thời gian đó ông bị công an đánh và đá, theo BBC. Sau đó ông đã được thả.
Hôm 28/11, ông Lawrence viết trên Twitter cảm ơn những người theo dõi ông, nói thêm rằng ông tin rằng “ít nhất một công dân địa phương đã bị bắt sau khi cố gắng ngăn công an đánh tôi”.
“Thật đáng lo ngại khi một trong những nhà báo của chúng tôi bị tấn công theo cách này khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình”, BBC cho biết.
“Chúng tôi không nhận được lời giải thích hay lời xin lỗi chính thức nào từ chính quyền Trung Quốc, ngoài tuyên bố của các quan chức sau đó đã thả ông ấy rằng họ đã bắt giữ ông vì phòng ngừa cho ông không bị nhiễm COVID từ đám đông,” tuyên bố cho biết thêm.
Một bộ trưởng của chính phủ Anh hôm 28/11 đã tố cáo hành động của công an Trung Quốc là “không thể chấp nhận được” và “đáng lo ngại” sau khi BBC cho biết ông Lawrence bị bắt và bị đánh khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình COVID-19 ở Thượng Hải.
Bộ trưởng Kinh doanh Grant Shapps nói với đài phát thanh LBC: “Bất kể điều gì khác xảy ra, quyền tự do báo chí phải là bất khả xâm phạm”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 28/11 rằng ông Lawrence không khai báo ông là một nhà báo.
“Dựa trên những gì chúng tôi biết được từ các cơ quan chức năng có liên quan ở Thượng Hải, ông không khai báo ông là nhà báo và không tự nguyện xuất trình thẻ báo chí của mình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói, đồng thời yêu cầu truyền thông quốc tế “tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc khi ở Trung Quốc”.