Bình luận của Trương Minh Vũ
2022.11.27
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar chụp hình chung tại cuộc gặp nhân Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia hôm 12/11/2022
50 năm phát triển quan hệ Việt-Ấn
Năm 2022 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ. Trong năm thập kỷ qua, Việt Nam-Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, với cam kết nâng quan hệ lên một tầm cao mới.
Mối quan hệ đối tác Việt Nam-Ấn Độ trong 50 năm qua đã có những bước phát triển tích cực. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thường xuyên gặp gỡ và đã có một số chuyến thăm cấp cao của hai bên trong năm 2022.
Ấn Độ là một trong bốn quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, cùng với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam là một trụ cột chính trong Chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Năm 1992, Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ kinh tế sâu rộng, gồm thăm dò dầu khí, nông nghiệp và sản xuất. Quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ quốc phòng, được hưởng lợi nhiều từ Chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của khuôn khổ Hợp tác Mekong-Ganga (MGC), Việt Nam cũng ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Việt – Ấn có chung lợi ích ở Biển Đông
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có chung lợi ích ở Biển Đông. Các hoạt động quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo nhanh chóng của Trung Quốc là vấn đề được nhiều bên liên quan trong khu vực quan tâm khi hàng hóa có giá trị hàng nghìn tỷ USD được vận chuyển ngang qua tuyến hàng hải quan trọng này. Điều đáng lo ngại là nếu một quyền lực duy nhất nắm quyền kiểm soát, một cách phi lý và bất hợp pháp, khu vực biển quan trọng này thì họ có thể áp đặt các quy tắc thương mại riêng. Cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp nhiều hơn của các cường quốc khu vực khác để trạng thái cân bằng hiện có không bị xáo trộn và nghiêng phía Trung Quốc.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích khu vực Biển Đông, một khu vực cung cấp nguồn dầu khí khổng lồ, buộc một số quốc gia thành viên ASEAN lên tiếng phản đối.
Ấn Độ nhận thức rõ Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khối ASEAN, nhưng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông càng trở nên quan trọng vì Ấn Độ có các dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông và do đó, lợi ích chung của Việt Nam và Ấn Độ là thúc đẩy hợp tác an ninh biển để bảo vệ lợi ích chung. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Chính sách “Hành động phía Đông” và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong một thời gian, cả hai nước đã mở rộng các cam kết quốc phòng song phương, bao gồm các cuộc tiếp xúc trên phạm vi rộng giữa hai nước, thông qua các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng, trao đổi quân sự, các chuyến thăm cấp cao, các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực hợp tác trong gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) và các cuộc tập trận song phương. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ được nâng lên thành “Đối tác chiến lược” trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 7/2007 và được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi hồi năm 2016.
Ấn Độ tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông
Ấn Độ có quan hệ hợp tác chặt chẽ về hải quân với Việt Nam, Ấn Độ là một trong số ít quốc gia mà Việt Nam tổ chức tập trận hải quân chung. Việt Nam cũng cho phép hải quân Ấn Độ cập cảng ở Vịnh Hạ Long và Nha Trang.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình sang Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Hồi tháng 8, Bắc Kinh đã điều một tàu hải quân đến một cảng do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka, bất chấp những lo ngại về an ninh từ New Delhi về một chuyến cập cảng như vậy ngay ngoài khơi bờ biển của Ấn Độ (1). Bắc Kinh nói rằng con tàu đó là tàu nghiên cứu, nhưng nhiều người cho rằng tàu này là tàu do thám lưỡng dụng mà Ấn Độ lo ngại có thể được sử dụng để khảo sát khu vực.
Để đối phó với những lo ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, hải quân Ấn Độ năm ngoái đã cử bốn tàu chiến đến Đông Nam Á, Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tập trận với các thành viên khác của Nhóm Bộ tứ là Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang “gây hấn” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đối thoại An ninh Việt Nam-Ấn Độ lần thứ hai cấp Thứ trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia được tổ chức tại New Delhi nhằm tăng cường quan hệ đối tác chống khủng bố và an ninh hàng hải. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh trong khu vực và trong việc định hình kiến trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ có lập trường vững chắc về quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải hoàn toàn phù hợp với các UNCLOS năm 1982 và các cuộc đàm phán không được làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia không tham gia thảo luận.
Việt Nam đánh giá tích cực “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Ấn Độ, đồng thời khẳng định tính trung tâm và thống nhất của ASEAN là một yếu tố quan trọng của tầm nhìn. Ấn Độ cũng cho rằng Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong khu vực đối với tầm nhìn, đặc biệt là liên quan vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh sự hiểu biết chính trị, hợp tác kinh tế và thương mại cũng không kém phần quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ.
Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ tám của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và lớn thứ tư ở Đông Nam Á. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ lần đầu tiên đạt 13,2 tỷ USD và lãnh đạo hai nước đã đưa ra mức mục tiêu dự kiến đạt 15 tỷ USD trong năm 2022 (2).
Tương lai phát triển của quan hệ Việt – Ấn
Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, Việt Nam và Ấn Độ lại có cơ hội hợp tác phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở các khu vực, trong đó có Biển Đông, góp phần xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ấn Độ có quan hệ đối tác phát triển lâu đời với Việt Nam, có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng lực, cho mục tiêu phát triển bền vững và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ấn Độ đã và đang cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN.
Việc Việt Nam liên tục nhắc lại vai trò của mình trong Chính sách “Hành động phía Đông” và Tầm nhìn Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đã chứng tỏ rằng quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ vẫn đang được củng cố trong tất cả các lĩnh vực và không có giới hạn, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng và du lịch.