Chiến tranh Ukraina: Cơ hội để Mỹ và NATO làm suy yếu Nga với \”giá rẻ\”

Đăng ngày: 29/11/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Binh sĩ trong khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương tập trận tại căn cứ Kadaga, Latvia, ngày 08/03/2022. AP – Roman Koksarov

Minh Anh

Nếu như cách nay một năm, kịch bản chỉ cần bỏ ra « vài phần trăm trong ngân sách quốc phòng để phá tan một nửa năng lực quân sự quy ước của quân đội Nga mà không phải đổ một giọt máu nào » được cho là ảo tưởng, thiếu thực tế, thì cuộc xung đột tại Ukraina lại cho thấy kịch bản này đã xẩy ra và thậm chí với một cái giá rất « bèo bọt »

Trong hơn 73 năm, các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – đã chi ra tổng cộng hơn vài trăm nghìn tỷ đô la cho quốc phòng. Nhưng chỉ trong vòng có hơn 9 tháng xung đột vừa qua, NATO, với khoảng 50 tỷ đô la viện trợ, thông qua cung cấp vũ khí, đạn dược, tin tình báo và đào tạo sĩ quan cho Ukraina, đã làm cho Nga thiệt hại một nửa trong số 3.500 xe tăng tác chiến, 45% xe pháo binh bọc thép, 10% chiến đấu cơ và hạm đội tầu chiến, và làm bốc hơi một phần lớn tên lửa đạn đạo và hành trình (ngoài hạt nhân). Báo Pháp Les Echos lưu ý, số vũ khí và trang thiết bị quân dụng này, Nga khó thể hồi phục do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.  

Nhưng danh tiếng của quân đội Nga xem như bị NATO xé tan thành mảnh vụn. Cuộc chiến đã làm lộ rõ một cách ngoạn mục các điểm yếu của quân đội Nga trên các phương diện hậu cần, quân dụng, đội ngũ sĩ quan, huấn luyện và thao tác chiến trường.  

Vladimir Putin đã sai lầm khi đánh giá rằng phương Tây là quá « nhát gan », bị chia rẽ. Nhưng đối với châu Âu, « ngày 24/02/2022 cũng giống như ngày 11/09/2001 tại Mỹ », theo như đánh giá của nhà phân tích Camille Grand, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu trên tờ Les Echos.    

Không những thế, chủ nhân điện Kremlin còn « phù phép », « giúp » NATO thoát « chết não ». Khối liên minh quân sự giờ có thể « tuyển dụng » thêm nhiều thành viên mới như Thụy Điển và Phần Lan, trong khi mà thuật ngữ « Phần Lan hóa », tồn tại hơn 7 thập kỷ qua, luôn đồng nghĩa với việc giữ thế trung lập tối đa đối với Matxcơva, cũng tan theo mây khói tại chiến trường Ukraina.

Sử gia Jean-François Colosimo, trên đài Public Senat, nhắc thêm, mở cuộc chiến chống Ukraina, nước Nga của ông Putin đang mời « Hoa Kỳ trở lại châu Âu trong khi họ đã có một cuộc hẹn lớn tại Thái Bình Dương », rồi nước Đức « tái vũ trang, trong khi đã bị cấm từ năm 1945 ».  

Khi phát động cuộc chiến, tổng thống Nga tạo ra một cái cớ chính đáng để NATO mở rộng sườn phía bắc, tăng quân số ở sườn phía đông, phá vỡ cam kết với Nga ký kết năm 1997, theo đó, NATO không triển khai quân chiến đấu thường trực vượt ngoài biên giới của « bức tường sắt cũ ».  

Trước một nước Nga hung hăng, NATO chứng minh cho thế giới thấy rõ bản lĩnh, biết giữ « máu lạnh » : Một NATO không nao núng trước những lời dọa dẫm dùng vũ khí hạt nhân của Nga và đồng thời gia tăng các nỗ lực giao thêm tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraina.  

NATO rõ ràng tham gia vào cuộc xung đột nhưng lại không phải là bên tham chiến, khôn ngoan tránh dấn thân trực tiếp vào bất kỳ một trận đánh nào nhằm thể hiện sự tuân thủ nghiêm ngặt điều cấm kỵ cơ bản của chiến tranh lạnh như những gì Paris, Washington, Vacxava đã cho thấy trong vụ tai nạn tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.  

Tóm lại, nhờ cuộc xung đột tại Ukraina do ông Putin khởi xướng mà câu nói « NATO chết não » của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở nên lỗi thời. Cuộc chiến tại Ukraina không chỉ như một phép mầu, làm sống lại Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, các thành viên đoàn kết hơn bao giờ hết, mà còn giúp khối quân sự này tiêu hủy một nửa năng lực quân sự của Nga, với một chi phí thấp nhất cả về tài chính lẫn nhân lực ngoài cả mong đợi ! Nhà sử học Jean-François Colosimo kết luận : Nga đã thua trong cuộc chiến này !

Bài Liên Quan

Leave a Comment