Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị phe Cộng hòa chỉ trích kịch liệt vì cách phản ứng thận trọng trước các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc liên quan đến lệnh phong tỏa vì Covid. Một số lập pháp đã cáo buộc Washington thất bại trong việc nắm bắt một thời khắc lịch sử, theo phân tích từ Reuters.
Thế nhưng một số nhà phân tích cũng cho rằng sự thận trọng là một cách tiếp cận đúng đắn trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung tiềm ẩn nhiều bất ổn, và cả nguy cơ bị rơi vào diễn ngôn của Trung Quốc với cáo buộc \”các thế lực nước ngoài\” đang đứng đằng sau các cuộc biểu tình.
Hôm thứ Hai 28/11, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ quyền tự do biểu tình của người dân Trung Quốc nhưng không lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.
Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích chính quyền ông Biden. Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã gọi phản ứng của Nhà Trắng là \”đáng tiếc\”, nêu thêm trong một dòng tweet: \”Vào thời điểm có khả năng xoay chuyển lịch sử thì Đảng Dân chủ lại \’cò mồi\’ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.\”
Các thượng nghị sĩ khác thuộc Đảng Cộng hòa, gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Chris Smith cũng nêu ý kiến xem phản ứng từ Tổng thống Biden là \”yếu kém\”, trong khi Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nêu trong một dòng tweet: \”Khi người dân Trung Quốc dũng cảm phản đối thì Joe Biden và tầng lớp tập đoàn lại nhún vai.\”
Ông McCaul cũng cam kết từ năm sau sẽ có một lập trường cứng rắn hơn chống Trung Quốc từ Hạ viện, vốn hiện do phe Cộng hòa kiểm soát, trong khi hai ông Rubio và Smith thì tuyên bố: \”Nước Mỹ sẽ không thay đổi trong sự ủng hộ của chúng tôi dành cho người dân Trung Quốc khi họ can trường đòi hỏi tự do.\”
Các chính trị gia Đảng Cộng hòa đã không nêu cụ thể họ sẽ phản ứng thế nào nếu ở vị trí của Tổng thống Biden.
Ngôn từ cẩn trọng từ chính quyền Washington đã tương phản với sự thể hiện sự đoàn kết trước đó của ông Biden với người biểu tình chống chính phủ ở Iran, khi hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ đã nói \”Đừng lo lắng. Chúng ta sẽ mang tự do đến cho Iran.\”
Thời khắc nhạy cảm
Làn sóng bất tuân dân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức cách đây 10 năm, xảy ra ngay vào thời khắc mang tính nhạy cảm trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Theo sau chuyến thăm đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi hồi tháng Tám, thì khi đó Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự xung quanh hòn đảo mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của mình, và cắt đứt liên lạc với Mỹ trong một số lĩnh vực, bao gồm các vấn đề quân sự và biến đổi khí hậu.
Kể từ khi đó, Trung Quốc và Mỹ đã cùng làm việc để ổn định mối quan hệ song phương. Hai ông Biden và Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên bên lề Thượng đỉnh G20 tại Bali hồi tháng này và hai quốc gia cũng đồng ý thảo luận sau đó, bao gồm một chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc vào đầu năm 2023.
Một quan chức Mỹ có tham gia vào chính sách Mỹ-Trung cho biết, Nhà Trắng tin rằng cách xử lý Covid của Tập Cận Bình đang gây tổn hại đến niềm tin về cách tiếp cận của ông ta đối với đại dịch, và Washington muốn tránh việc cho thấy đang can thiệp vào nền chính trị nội bộ của Bắc Kinh, trong bối cảnh đang Mỹ đang đạt những bước tiến trong việc làm nồng ấm thêm mối quan hệ.
Bắc Kinh và Washington đã đối phó với dịch bệnh lây lan theo những cách vô cùng khác biệt.
Chính sách zero-Covid đã giữ mức tử vong chính thức ở con số hàng ngàn, trong khi ở Mỹ là hơn một triệu, nhưng cái giá phải trả khi bắt buộc người dân phải ở nhà trong một thời gian dài đã gây nên sự đứt gãy và tổn thất quy mô lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Công ty Isaac Stone Fish of Strategy Risks, chuyên tư vấn cho các công ty về rủi ro chính trị ở Trung Quốc cho biết cách phản ứng của Nhà Trắng có thể dựa trên một sự thật là Mỹ có nhiều rủi ro hơn trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc hơn là với một quốc gia như Iran.
\”Có thể đây là một khái niệm về mức độ bền vững. Chính quyền của ông Biden dường như nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tồn tại qua các cuộc biểu tình hơn là chính phủ của Iran.\”
Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng Mỹ muốn tránh ngôn từ mà có thể khiến phía Trung Quốc chỉ ra các cuộc biểu tình là do sự can thiệp từ Washington.
\”Nhà Trắng sáng suốt khi kiềm chế không tuyên bố bảo vệ người biểu tình và yêu cầu của họ,\” nhà nghiên cứu Scott Kennedy từ trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies (CSIS) nói.
\”Trung Quốc đã từ lâu khẳng định chính phủ Mỹ đã đứng đằng sau các cuộc biểu tình trong nước, từ Thiên An Môn vào năm 1989 cho đến ở Hong Kong vào năm 2020. Việc phát ngôn bất kỳ điều gì hiện nay có thể cho thấy sự liên quan đối với những khẳng định như vậy.\”
Hôm thứ Hai 29/11, cảnh sát Trung Quốc đã tăng cường an ninh tại các địa điểm xảy ra biểu tình ở Thượng Hải và Bắc Kinh, bắt đầu tra hỏi một số người biểu tình, những người có tham gia biểu tình ở Bắc Kinh nói với Reuters.
Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách việc thực thi pháp luật trong nước, cho biết \”cần thiết trấn áp sự xâm nhập và các hoạt động phá hoại từ các thế lực thù định căn cứ theo luật pháp\”, tuyên bố được Tân Hoa Xã công bố, không đề cập đến các cuộc biểu tình gần đây.
Daniel Russel, cựu nhà ngoại giao hàng đầu đối với khu vực Đông Á trong chính quyền Tổng thống Obama nói, Nhà Trắng sẽ tập trung vào những bước đi tiếp theo của chính quyền Trung Quốc.
\”Sẽ còn nhiều thời gian để gia tăng mức độ ngôn từ nếu Bắc Kinh làm theo cuộc trấn áp bạo lực tại Quảng trường Thiên An Môn hay mô hình của Iran và giết chóc người dân,\” ông Daniel cho biết.
\”Vì vậy, tránh đường và để chính người biểu tình đứng ở vị trí trung tâm là một bước đi thông minh vào thời điểm này.\”