Đăng ngày: 01/12/2022
Ả Rập Xê Út khiến các nước phương Tây phải tự đối mặt với những mâu thuẫn của chính mình. Triều đại Saoud đã xây dựng các mối liên minh chính trị, kinh tế, quân sự với Mỹ, châu Âu, hay như Pháp chẳng hạn. Tuy nhiên, các nền dân chủ tự do bị chỉ trích vì những hoạt động giao thương với một Nhà nước bản chất là phi tự do, và truyền bá một phiên bản đạo Hồi sản sinh ra những phong trào thánh chiến lan rộng trên thế giới.
Chủ Nhật ngày 16/10/2022, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết « tổng thống Biden không có ý định gặp thái tử Ả Rập Xê Út tại thượng đỉnh G20 diễn ra trong tháng 11 ở Indonesia ». Ông xác nhận việc hòa giải không nằm trong chương trình nghị sự giữa hai nước.
Tuyên bố trên của Nhà Trắng được đưa ra ngay sau khi OPEC quyết định cho giảm sản lượng khai thác dầu hai triệu thùng mỗi ngày, nhằm duy trì mức giá cao trên thị trường, bất chấp những đề nghị của tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp với hoàng thái tử Ben Salman hồi giữa tháng 7/2022 tại Ả Rập Xê Út. Theo đó, Hoa Kỳ mong muốn Ả Rập Xê Út tăng sản lượng dầu nhằm bình ổn giá cả trên thị trường thế giới, vốn tăng vọt mạnh do việc Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina, khiến lạm phát tăng cao, nhất là tại Mỹ, vào thời điểm Joe Biden đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2022. Trong nỗi tức giận này, chủ nhân Nhà Trắng còn thông báo sẽ xem xét lại mối quan hệ với Ả Rập Xê Út.
Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên hai nước bất hòa. Trên báo Pháp Les Echos, Steven Ekovich, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế, trường đại học Mỹ tại Paris, nhắc lại : « Liên minh giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út là cũ xưa, và có lợi cho cả hai bên. Người ta đã có quá nhiều ảo ảnh về cuộc gặp nổi tiếng ngày 14/02/1945 trên chiếc tuần dương hạm \”USS Quincy\” giữa quốc vương Abdelaziz Ibn Saoud, và tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, khi trên đường trở về từ hội nghị Yalta, nhưng ý nghĩa ẩn dụ vẫn còn rất mạnh mẽ ».
« Hiệp ước Quincy », kết nối hai nước bằng một loạt các bảo đảm an ninh và quân sự cho Ả Rập Xê Út, chính thức có hiệu lực từ những năm 1950, đổi lại Hoa Kỳ được dễ dàng tiếp cận nguồn dầu khí dồi dào của vương quốc Ả Rập. Kể từ đó, phương Tây, đi đầu là Mỹ, xem mối liên minh này với Ả Rập Xê Út như là một trong số các cột trụ cho chính sách Trung Đông của mình, cả trên bình diện kinh tế lẫn chính trị : Bình ổn giá dầu trên thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Ngăn chặn đà mở rộng ảnh hưởng của Iran, Hợp đồng bán vũ khí trên phương diện quốc phòng.
Quả thật, trong suốt nửa cuối thế kỷ XX, Riyad được xem như là một « đồng minh tốt » của Washington trong khu vực, từ cuộc chiến chống chủ nghĩa bành trướng Xô Viết trong những năm 1960-1970, Afghanistan trong những năm 1980 và cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Trong cuộc xung đột Israel – Palestine, Ả Rập Xê Út đóng một vai trò dung hòa trong thế giới Ả Rập.
Riyad và chính sách ngoại giao hai mặt
Nhìn chung, phương Tây đánh giá mối quan hệ với Riyad là tích cực. Ả Rập Xê Út trong suốt những thập niên đó đã cố gắng đưa ra hình ảnh một đồng minh trung thành và dung hòa, một đối tác không thể thiếu tại một khu vực có nhiều biến động. Cả cú sốc dầu hỏa do chính Ả Rập Xê Út gây ra năm 1973, cũng như những bất đồng sâu sắc nhất về hồ sơ Israel – Palestine đều không ảnh hưởng đến mối quan hệ này.
Nhưng liệu Ả Rập Xê Út có thật sự là một đồng minh tốt ? Cuộc tấn công khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ ngày 11/09/2001 gây chấn động thế giới đã cho thấy một gương mặt khác của Riyad. Trong vụ việc này, 15 trong số 19 thủ phạm tấn công tự sát, là người Ả Rập Xê Út. Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út cũng rạn nứt từ đó. Và sau này, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu trên lãnh thổ châu Âu như tại Pháp, Bỉ… trong những năm sau nửa thập kỷ 2010, đã làm dấy lên mối nghi ngờ về quan hệ chặt chẽ giữa Riyad với các phong trào Hồi giáo cực đoan.
Pierre Conesa, tác giả tập sách « Dr Saoud et Mr Djihad, la diplomatie religieuse de l\’Arabie saoudite », nói về chính sách ngoại giao tôn giáo, trong một chương trình phỏng vấn truyền hình trên kênh France 24 hồi năm 2016, từng lưu ý rằng, nếu muốn hiểu rõ Ả Rập Xê Út, thì tuyệt đối phải biết rõ chính sách hai mặt mà vương quốc này kiến tạo ngay từ ngày đầu lập quốc.
« Khi Vương quốc được cấu trúc như một quốc gia, điều đó dựa trên tính chính đáng kép, lẽ đương nhiên là tính chính đáng triều đại với dòng tộc Saoud, nhưng trên hết là tính chính đáng tôn giáo, có được nhờ sự hậu thuẫn mà nhà thần học Abdelwahab đã trao cho bộ tộc Saoud (thế kỷ XVIII), khi họ chinh phục lãnh thổ.
Điều bị hiểu sai ở đây chính là, các lợi ích của cả hai điều đó hoàn toàn gắn chặt với nhau, nghĩa là, mỗi khi dòng tộc Saoud cần đến phương Tây để cứu lấy vương triều, đặc biệt là trong những năm gần đây, thì mỗi lần như thế, họ lại phải có những biện minh với hàng giáo sĩ. Đổi lại, những người này, mỗi lần như vậy, lại có thêm chút quyền lực trong việc kiểm soát xã hội, ngoại giao tôn giáo.
Thế nên, trên thực tế, nền ngoại giao của Ả Rập Xê Út là mang tính hai mặt : Một chính sách ngoại giao chính trị và thứ đến là ngoại giao tôn giáo, có một sứ mệnh và được thể hiện rõ trong các phát ngôn chính trị nhằm phổ biến trào lưu Hồi giáo chính thống Wahhabism, mà Wahhabisme cũng chính là Salafism. »
Hồi giáo Wahhabite – « đứa con lai » giữa Mỹ và Liên Xô
Điều này phương Tây biết rõ, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ vì những lợi ích kinh tế và chiến lược trong khu vực. Phương Tây cho rằng đề cập đến việc vương quốc Hồi giáo hệ phái Wahhabit không có cùng các giá trị với phương Tây là không cần thiết, và cũng chẳng màng đặt câu hỏi về vai trò mờ ám của Ả Rập Xê Út trước đà phát triển mạnh Hồi giáo cực đoan bằng cách cho phép truyền bá hệ tư tưởng Hồi giáo hà khắc của mình.
Trong một ghi chú của Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp tại Syria, cố vấn địa chính trị cho Viện Montaigne, được báo L’Orient-Le-Jour trích dẫn, « từ các vụ tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi giáo, tại châu Âu phát triển một mối ngờ vực rằng hệ tư tưởng Wahhabit là một phần trong đà đi lên mạnh mẽ của thánh chiến Hồi giáo. »
Về điểm này, ông Pierre Conesa, cũng trong chương trình phỏng vấn năm 2016, dành cho France 24, mô tả một cách chi tiết rằng trong suốt những thập niên đó, Ả Rập Xê Út đã có một chiến lược gây ảnh hưởng thật sự và phương Tây đã sai lầm khi đánh giá thấp tham vọng này của Ả Rập Xê Út, vốn không chỉ đơn giản là nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran.
« Điều gây ấn tượng cho tôi là sự thông minh của hệ thống. Nghĩa là, hệ thống ngoại giao tôn giáo của Ả Rập Xê Út là một dạng hỗn hợp, đó là một \”đứa con lai\” giữa hệ thống kiểu Mỹ và Liên Xô. Hệ thống của Mỹ bởi vì, họ có hẳn một chính sách quốc gia. Chế độ có thiên triều là phải truyền bá rộng rãi phiên bản Hồi giáo Wahhabite, hầu như khắp nơi trên khắp địa cầu. Rồi bên cạnh đó, còn có các quỹ với những nguồn tài chính dồi dào từ các đại gia tộc, cũng có kiểu hoạt động giống như các tổ chức phi chính phủ, trao tặng học bổng cho các trường đại học. Tóm lại, họ có cả một hệ thống nhiều tầng lớp tương tự như là ở Hoa Kỳ.
Và cùng lúc, chúng ta có hệ thống kiểu Xô Viết bởi vì quý vị có cùng hệ tư tưởng toàn trị, hệ phái Wahhabit cũng chính là chủ nghĩa toàn trị mà tôn giáo là nền tảng cơ bản. Điển hình là hệ thống đại học Medine, giống như mô hình đại học Lumumba tuyệt vời mà quý vị biết đến ở Matxcơva, nơi để đào tạo các quan chức, khách mời, những người có học bổng, hay được trả công… rồi sau đó những người này được gởi trở về nước của chính họ để phổ biến phiên bản này của đạo Hồi. Ở đây, chúng ta có một hệ thống uyển chuyển, rất độc đáo, nhưng chưa bao giờ được nghiên cứu như vậy. »
Phương Tây và sự giả dối
Cũng theo ông Pierre Conesa, sự linh hoạt uyển chuyển này được Ả Rập Xê Út áp dụng một cách rất kín đáo nhưng rất hiệu quả. Tùy theo bản chất của từng quốc gia, khu vực, mà Riyad có một đối sách riêng biệt. Ông đơn cử vài trường hợp :
« Chẳng hạn như tại Ấn Độ, quốc gia đông cộng đồng Hồi giáo hệ pháp Shia thứ hai trên thế giới. Ấn Độ có một chính sách chống người Hồi giáo Shia rất hiệu quả và đây cũng là một trục chính quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ả Rập Xê Út chính là làm thế nào chống người theo hệ phái Shia trên khắp thế giới.
Rồi Riyad còn thực hiện một chính sách tại các nền dân chủ lớn mà Liên minh Hồi giáo Thế giới là một cánh tay vũ trang. Ả Rập Xê Út có một chiến lược rất khác biệt tại các nước theo chủ nghĩa cộng đồng như tại Vương quốc Anh, Bỉ v.v… Yêu cầu của Liên minh này là người Hồi giáo cũng phải những quyền tương tự như bao cộng đồng khác, do vậy, họ đòi phải có trường dạy kinh Coran và tòa án Hồi giáo.
Đó là những gì đã diễn ra ở Canada và người ta bất ngờ phát hiện ra rằng những tòa án Hồi giáo này có thể đưa ra những phán quyết trái với luật pháp Canada. Còn tại những quốc gia như Pháp chẳng hạn, mà sự thế tục là nguyên tắc thì những lời lên án bị xem như là bài Hồi giáo. Điều này cho phép phổ biến tư tưởng Hồi giáo hệ phái Salafi gần như khắp nơi ».
Chỉ có điều, như nhận xét cay đắng của ông Pierre Conesa, nhờ vào thế mạnh « dầu hỏa – đô la » mà Ả Rập Xê Út giờ có thể vươn chiếc vòi « Hồi giáo cực đoan » đến nhiều vùng lãnh thổ mà châu Âu khó thể tiệt trừ. Không như mong đợi từ giới chính trị gia phương Tây, cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan chưa bao giờ kết thúc, ngược lại, phiên bản Hồi giáo mà Ả Rập Xê Út đang lan truyền là một hệ tư tưởng « kỳ thị sắc tộc nhất, bài Do Thái nhất, bài đồng tính nhất, bài phụ nữ nhất, và bè phái nhất » của đạo Hồi, theo như lời giải thích từ một nhà thần học với tác giả tập sách « Dr Saoud et Mr Djihad, la diplomatie religieuse de l\’Arabie saoudite ».