2 tháng 12 2022, 16:50 +07
Cập nhật 6 giờ trước
Viện International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) đã công bố báo cáo về Tình trạng Dân chủ Toàn cầu năm 2022 vào hôm 30/11.
Tiến sĩ Kevin Casas-Zamora, Tổng Thư ký của International IDEA cho biết tương lai của nền dân chủ để đảm bảo một tương lai bền vững \”không được định sẵn mà phải tìm kiếm\”.
\”Ở nhiều nơi, [tương lai đó] đang được tìm kiếm theo những cách khó khăn nhất. Có những người, hiện nay, đang đòi hỏi quyền lợi và tự do mà một nền dân chủ hứa hẹn, trong khi chịu rủi ro cá nhân vô cùng lớn.\”
Đánh giá về tình hình dân chủ châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo của International IDEA nêu \”không thấy dấu hiệu thay đổi nào\” đối với sự thay đổi chủ nghĩa chuyên chế ở Việt Nam.
Thịnh vượng kinh tế thay cho quyền dân chủ?
Bản báo cáo của IDEA cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, thì Campuchia, Lào và Việt Nam \”vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế mà không thấy dấu hiệu thay đổi nào\”.
Trong các nhóm nước, thì IDEA xếp Việt Nam nằm ở nhóm nước theo chế độ chuyên chế (authoritarian regime).
Nội dung báo cáo 2022 có liên quan đến Việt Nam như sau:
\”Việt Nam, giống Trung Quốc và Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính danh trước quần chúng.\”
\”Ở Trung Quốc và Việt Nam, người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro.\”
Theo IDEA, thì nền dân chủ đang suy giảm tại châu Á-Thái Bình Dương.
Chỉ có 54% số người trong khu vực này sống trong nền dân chủ, và gần 85% số người sống trong một [nền dân chủ] yếu và đi thụt lùi. Thậm chí các nền dân chủ ở tầm cao hay tầm trung như Úc, Nhật, và Đài Loan cũng bị xói mòn.
Trước thời điểm Internation IDEA công bố báo cáo, nhận định về vấn đề dân chủ tại Việt Nam, Kian Vesteinsson, nhà nghiên cứu cấp cao từ tổ chức Freedom House nói với BBC:
\”Bức tranh về tự do biểu đạt và tự do báo chí tại Việt Nam là ảm đạm. Trong năm qua, chính phủ Việt Nam đã xóa thông tin trên mạng với tốc độ đáng báo động, bỏ tù nhà báo và blogger trong thời gian lâu. Vấn đề kiểm duyệt chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.\”
\”Các quy định về thực thi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào tháng 10 vừa qua. Các quy định này đã cung cấp các con đường để chính phủ ngăn chặn và gỡ bỏ thông tin trên mạng, khiến người dân Việt Nam vốn ngày càng phải chịu việc kiểm duyệt vốn tìm cách hạn chế một nền báo chí độc lập và những tiếng nói bất đồng\”, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson bổ sung.
Truyền thông độc lập và xã hội dân sự
Beh Lih Yi, Điều phối viên Chương trình châu Á từ Committee to Protect Journalists (CPJ) thì cho rằng Việt Nam có thể cải thiện vấn đề tự do báo chí nếu có ý chí chính trị thực hiện chuyện này.
\”Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện hồ sơ tự do báo chí trong ngắn hạn nếu có ý chí làm điều này. Việt Nam đang là một nền kinh tế trỗi dậy tại châu Á và hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, điều này có nghĩa hồ sơ về nhân quyền, bao gồm việc đối xử với các nhà báo sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.\”
\”Tuy nhiên Việt Nam lại là một trong năm quốc gia có số lượng nhà báo bị tù giam nhiều nhất trên thế giới, theo thống kê thường niên của CPJ. Một bước đi để tăng cường sức ảnh hưởng quốc tế và niềm tin kinh doanh là ngay lập tức trả tự do cho những nhà báo đã bị giam cầm một cách độc đoán, gồm nhà báo Phạm Đoan Trang. Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng về vấn đề này\”, cô Beh Lih Yi nói với BBC News Tiếng Việt.
Theo IDEA thì nền dân chủ toàn cầu đang bị đe dọa từ các thách thức như tính hợp pháp trong các kết quả bầu cử, giới hạn tự do trên mạng và các quyền, nạn tham nhũng rất khó kiểm soát và sự trỗi dậy của các đảng phái cực hữu.
Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự.
\”Một điều quan trọng là các chính phủ dân chủ trên thế giới phải tăng cường cuộc chiến cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam. Một lộ trình chính là hỗ trợ nền truyền thông độc lập tại Việt Nam và xã hội dân sự thông qua tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Ví dụ, các chính phủ có thể cung cấp công nghệ giúp người dân Việt Nam thoát khỏi việc kiểm duyệt và giúp họ an toàn không bị theo dõi.\”
\”Các nhà làm luật nên cần ủng hộ việc thả tự do vô điều kiện nhiều người đã bị tù giam không công bằng vì biểu đạt trên mạng tại Việt Nam, như Nguyễn Hóa và Phạm Đoan Trang.\”
\’Xói mòn\’ và \’thụt lùi\’
Báo cáo của International IDEA cho thấy một nửa số lượng nền dân chủ trên toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm, nền tự do dân sự và pháp quyền ngày càng tệ đi. Trong khi các chính phủ độc tài thì trở nên ngày càng áp bức.
Một số nhân tố đã dẫn đến điều này, như cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, lạm phát phi mã, một cuộc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra, biến đối khí hậu, đại dịch Covid đã mang đến những thách thức đáng kể.
\”Thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ chi phí sống cho đến rủi ro đối đầu vũ khí hạt nhân, và cuộc khủng hoảng khí hậu tăng tốc,\” IDEA nêu trong báo cáo, dựa theo số liệu thu thập từ năm 1975.
\”Song song đó, chúng tôi chứng kiến nền dân chủ toàn cầu suy giảm. Đây là một sự pha trộn độc hại\”, theo IDEA.
IDEA đã thực hiện bảng chỉ số Tình trạng Dân chủ Toàn cầu (Global State of Democracy Indices) dựa trên hơn 100 biến số.
Và báo cáo cũng cho thấy số lượng các quốc gia \”đi thụt lùi\”, những nước bị xói mòn dân chủ nghiêm trọng chưa từng cao như vậy trước đây, bao gồm Ba Lan, Hungary và Mỹ, cùng các vấn đề khi phân cực chính trị, thể chế có lỗi và các nền tự do dân sự bị đe dọa.
Trong 5 năm qua, gần một nữa các nền dân chủ tại châu Âu cũng bị xói mòn, theo IDEA. Tuy nhiên các giá trị và định chế dân chủ đang ngày càng trở thành một sức nặng mang tính nền tảng chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga, đặc biệt tại Ukraine, cũng như hầu hết các quốc gia khác trong khu vực.
\”Cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine đã làm rung chuyển châu Âu, khiến khu vực này phải suy nghĩ lại về sự cân nhắc và đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng tiềm tàng,\” IDEA nêu.
Và một thông tin tích cực, thì châu Phi vẫn trụ vững trước sự bất ổn. Các quốc gia như Gambia, Niger và Zambia thì có thấy chất lượng dân chủ có cải thiện.
International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) là một tổ chức liên chính phủ, đặt tại Stockholm (Thụy Điển) với vai trò hỗ trợ nền dân chủ bền vững trên toàn cầu. International IDEA tuyên bố chịu hoàn toàn trách nhiệm cho các nội dung được công bố trong báo cáo thường niên về Tình trạng Dân chủ Toàn cầu Global State of Democracy 2022.