02/12/2022
Nhật Bản dự kiến dành ra từ 40 nghìn đến 43 nghìn tỷ yên (tương đương 295 tỷ – 318 tỷ đô la Mỹ) cho chi tiêu quốc phòng trong 5 năm bắt đầu từ tài khóa tiếp theo, bắt đầu vào tháng 4/2023, ba nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với Reuters hôm 2/12.
Như vậy sẽ có sự nhảy vọt so với ngân sách 27,5 nghìn tỷ yên trong kế hoạch quốc phòng 5 năm hiện tại, làm dấy lên lo ngại rằng một trong những gói nợ nặng nhất trong các nước công nghiệp phát triển sẽ trở nên trầm trọng thêm, gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm của Nhật Bản.
Ngân sách mới đánh dấu sự thỏa hiệp giữa các bộ quốc phòng và tài chính, ba nguồn tin cho biết. Cho đến gần đây, Bộ Quốc phòng muốn có 48 nghìn tỷ yên, trong khi Bộ Tài chính đưa ra nhiều phương án tập trung vào khoảng 35 nghìn tỷ yên.
Thủ tướng Fumio Kishida hôm 28/11 đã yêu cầu các bộ trưởng chủ chốt phác thảo kế hoạch nâng chi tiêu quốc phòng lên mức tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm, từ mức 1% hiện tại, khi Tokyo đối mặt với một chính quyền Bắc Kinh ngày càng hống hách.
Các bộ trưởng chủ chốt – Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada – dự kiến sẽ gặp lại Thủ tướng Kishida trong tháng này để khắc phục những bất đồng về kế hoạch chi tiêu. Bộ Tài chính từ chối bình luận với Reuters.
Về mặt không chính thức, giới chức quốc phòng đã đưa ra ý tưởng chi tiêu quốc phòng trong phạm vi trên 40 nghìn tỷ yên trong vòng 5 năm, trong khi các quan chức tài chính muốn chi tiêu theo kế hoạch 5 năm hiện tại.
“Việc chi tiêu khoảng 40 nghìn tỷ yên không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ có đảm bảo được lấy tiền từ đâu ra hay không và liệu chúng ta có thể để dòng tiền chảy vào ngành quốc phòng trong nước và các ngành công nghiệp liên quan để hỗ trợ nền kinh tế hay không”, ông Takuya Hoshino, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết.
“Nếu chúng ta bỏ tiền để mua vũ khí và các mặt hàng quân sự khác từ nước ngoài, điều đó sẽ khiến dòng tiền bị chảy máu và đồng yen mất giá”.
Trước sự phản đối của nhiều nghị sỹ về việc tăng thuế, vốn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế đang manh nha, Nhật Bản dự kiến sẽ trì hoãn bất kỳ việc tăng thuế nào trong ít nhất một năm, các nguồn tin nói với Reuters.
Điều đó sẽ khiến Nhật có ít lựa chọn hơn để đảm bảo được nguồn tiền cho chi tiêu quân sự.
Ba nguồn tin chính phủ từ chối tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề cho biết Nhật Bản có thể tập trung vào các biện pháp như cắt giảm chi tiêu, phát hành trái phiếu nhiều hơn, khoản dôi dư từ dự trữ ngoại hối đặc biệt và số tiền còn lại từ ngân sách trợ giúp các công ty nhà nước đối phó với COVID.