Đăng ngày: 04/12/2022
Ngày 03/12/2022, tư lệnh Hải Quân Ấn Độ, đô đốc R. Hari Kumar, cho biết Trung Quốc điều rất nhiều chiến hạm và tầu khảo cứu đến vùng Ấn Độ Dương từ năm 2008. Chính quyền New Delhi phải « theo dõi sát sao hoạt động của những tầu này vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương ».
Phát biểu tại buổi họp báo trước ngày thành lập Hải Quân Ấn Độ, đô đốc Kumar cho biết hải quân Trung Quốc viện cớ « chống hải tặc » để thường xuyên điều rất nhiều tầu xâm nhập Ấn Độ Dương từ năm 2008. New Delhi buộc phải nâng cao cảnh giác để những hoạt động đó không gây tổn hại lợi ích của Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh « hải quân Trung Quốc có lập trường quyết đoán ở Biển Đông và đang thách thức sự thống trị của Ấn Độ trong khu vực », theo đô đốc Kumar.
Bắc Kinh luôn khẳng định tầu ngầm Trung Quốc chỉ được điều đến khu vực trong khuôn khổ các chiến dịch chống hải tặc. Tuy nhiên, đối với New Delhi, đây là một mối đe dọa rõ ràng ở Ấn Độ Dương, cho nên Hải quân Ấn Độ « phải đánh giá thường xuyên mối đe dọa từ tầu ngầm » Trung Quốc.
Tháng 07/2022, Hải quân Ấn Độ được bàn giao tầu sân bay INS Vikran. Đây là tầu sân bay đầu tiên được sản xuất ở trong nước theo thiết kế của bộ Quốc Phòng Ấn Độ. « Một sự kiện mang tính bước ngoặt » được đô đốc Kumar đánh giá sẽ giúp « Hải quân Ấn Độ tự chủ từ nay đến năm 2047 ».
Trang The Telegraphe của Ấn Độ nhắc lại là quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn căng thẳng do xung đột ở Ladakh, thuộc bang Jammu và Kashmir, từ tháng 05/2020. Trung Quốc bị cáo buộc chiếm gần 1.000 km2 lãnh thổ mà Ấn Độ đòi chủ quyền.