LH CHÂU ÂU: Lệnh cấm vận dầu hỏa của Nga bắt đầu có hiệu lực

Đăng ngày: 05/12/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Tàu chở dầu neo ở cảng Nakhodka, Nga, ngày 04/01/2022. REUTERS – TATIANA MEEL

Thanh Hà

Kể từ 0 giờ ngày 05/12/2022, Liên Hiệp Châu Âu ngừng nhập khẩu dầu hỏa Nga bằng đường biển. Cùng lúc, Bruxelles bắt đầu áp dụng biện pháp vừa được thông qua cuối tuần này, áp giá trần 60 đô la một thùng dầu của Nga bán cho các quốc gia khác trên thế giới. Thu nhập của Nga bị ảnh hưởng, nhưng trước mắt thị trường dầu hỏa thế giới không rơi vào khủng hoảng.

Tháng 5/2022, Liên Âu đã đồng ý về biện pháp ngừng nhập khẩu dầu hỏa của Nga, trừng phạt Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina. Sau nhiều tranh cãi trong nội bộ khối này, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Bruxelles thẩm định, lệnh trừng phạt này nhắm vào 40 % khối lượng dầu của Nga xuất khẩu sang châu Âu. Cho đến trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu là khách hàng lớn nhất mua dầu hỏa của Nga.

Giới quan sát coi đây là một biện pháp « mạnh », bởi 2/3 dầu hỏa Liên Âu mua vào của Nga được chuyên chở quan đường biển và 1/3 còn lại là được chuyển vào châu Âu qua các đường ống dẫn dầu. Những khách hàng của Nga mua dầu qua ngả đường bộ, như Hungary, Slovakia hay Cộng Hòa Séc không bị ảnh hưởng. Những quốc gia này « cần có thêm thời gian để tổ chức lại » mạng lưới cung cấp năng lượng.

Thêm vào đó, biện pháp trừng phạt Bruxelles ban hành trước mắt chỉ liên quan đến các khoản dầu thô của Nga bán cho Liên Âu. Lệnh cấm vận không liên quan đến khối lượng dầu lọc của Nga xuất khẩu sang châu Âu. Do vậy trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về dầu khí Francis Perrin, viện nghiên cứu Policy Center for the New South tại Rabat (Maroc), loại trừ khả năng thị trường dầu hỏa thế giới bị chao đảo vì quyết định trừng phạt Liên Âu ban hanh :

« Tôi không nghĩ là thị trường dầu hỏa thế giới lâm vào thế bất ổn. Đương nhiên là việc Liên Âu ban hành lệnh cấm vận sẽ tác động trên thị trường và ảnh hưởng đến giá dầu. Nhưng từ đầu năm đến nay, đã có những chuyển biến trên thị trường dầu hỏa thế giới : dầu của Nga chủ yếu dành để xuất khẩu sang châu Á -Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc thì Liên Hiệp Châu Âu đã bớt lệ thuộc vào Nga mà chủ yếu nhập khẩu năng lượng của Mỹ, của Trung Đông và Châu Phi ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment