Đăng ngày: 07/12/2022
Nga có khả năng là vẫn nhập khẩu được thêm linh kiện, cấu kiện giúp cho việc sản xuất các vũ khí sử dụng tại Ukraina, bất chấp trừng phạt của phương Tây. Trên đây là nhận định của tổ chức quốc tế điều tra về việc buôn bán bất hợp pháp vũ khí (Conflict Armament Research -CAR), đưa ra trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai 05/12/2022.
Các chuyên gia của CAR, được xem là tổ chức quốc tế duy nhất hoạt động trong lĩnh vực này, đã tới Ukraina, để xem xét phần còn lại của một số tên lửa Kh-101 không đối địa – được phát hiện sau vụ quân Nga bắn khoảng 70 hỏa tiễn xuống thủ đô Kiev ngày 23/11/2022. Ít nhất một trong các tên lửa, được lắp ráp bằng các linh kiện bị cấm vận, đã được sản xuất sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt. Điều này để ngỏ khả năng Nga có thể mua được linh kiện trong bối cảnh bị cấm vận.
Trả lời RFI, ông Damien Spleeters, phụ trách cuộc điều tra của tổ chức Conflict Armament Research, nêu ra một số giả thiết, đồng thời nhấn mạnh đến việc các biện pháp trừng phạt cần được điều chỉnh để có hiệu lực hơn :
‘‘Có ba khả năng. Khả năng thứ nhất là Nga có thể tích trữ đủ trước khi tiến hành cuộc xâm lăng, khởi đầu từ tháng 2/2022. Điều này có thể khẳng định một phần khi chúng ta xem xét nhiều hệ thống vũ khí Nga sử dụng tại chiến trường Ukraina, phần lớn được sản xuất từ năm 2014 đến 2021. Khả năng thứ hai là các trừng phạt hiện nay không thích hợp để ngăn chặn các mạng lưới cung ứng gián tiếp các vật tư, cấu kiện vũ khí cho Nga. Khả năng thứ ba là nước Nga đã có thể phát triển một mạng lưới cung ứng hàng hóa riêng, để lách các trừng phạt.
Chúng tôi thấy là có thể đã có nhiều loại linh kiện, cấu kiện được Nga sử dụng để chế tạo vũ khí sử dụng cho chiến tranh tại Ukraina không được kiểm soát. Trên thực tế, khó kiểm soát chuyện này. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là xác định lộ trình di chuyển của các cấu kiện này, để biết xem làm thế nào Nga có được chúng. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng, để giúp trừng phạt thích ứng được với thực địa. Những người soạn thảo các biện pháp trừng phạt có thể sử dụng thông tin của chúng tôi, để khiến trừng phạt có hiệu lực thực sự’’.
Theo báo Moscow Times, kể từ đầu cuộc xâm lăng, Nga đã dùng hàng ngàn tên lửa hành trình tầm xa, cũng như tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, tấn công Ukraina. Hôm 23/11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố : các trừng phạt về thương mại sẽ làm chậm khả năng sản xuất vũ khí dẫn đường chính xác cao của Nga. Kết quả cuộc điều tra sơ bộ nói trên của CAR phần nào gây nghi ngờ về hiệu lực của các trừng phạt.
Tuy nhiên, Moscow Times cũng dẫn lại nhận định của nhật báo Hoa Kỳ New York Times, theo đó, nhìn chung quân đội các nước thường sử dụng các vũ khí cũ hơn trước khi dùng đến các loại vũ khí mới hơn. Việc Nga phải dùng đến các vũ khí vừa mới sản xuất có thể cho thấy vũ khí dự trữ đã cạn kiệt. Truyền thông Nga đưa tin công nhân nhiều nhà máy vũ khí được lệnh làm thêm giờ để gia tăng sản xuất.