HOÀNG HẢI THỦY – NHÀ VĂN YÊU ÔNG TẠ, YÊU SÀI GÒN ĐẾN TẬN CÙNG ĐÃ RA ĐI

\"\"

Nguồn: Fb Cù Mai Công

Chiều 7-12-2020, Hoàng Hải Triều, bạn thân cùng lớp 4, 5 trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân) với tôi buông một tiếng: \”Bố tôi đã không còn nữa\”.

Bố của Triều là nhà văn, nhà thơ Hoàng Hải Thủy với một loạt tác phẩm lừng lẫy miền Nam trước 1975: Vũ nữ Sài Gòn, Tây đực Tây cái, Chiếc hôn tử biệt, Bạn và vợ, Đỉnh gió hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Điệp viên 007 (phóng tác) … Trong đó, tác phẩm phóng tác Jane Eyre của Charlotte Bronte lấy tên người con gái của ông mà ông vô cùng yêu thương: Kiều Giang …

Cách đây hơn nửa tháng, ngày 20-11-2020, chị Kiều Giang bảo tôi: \”Cù Mai Công, cảm ơn em về những hồi ức về gia đình chị. Chị mong sẽ được đọc thêm nhiều bài độc đáo của em về đất Ông Tạ. Bố chị cũng rất ngạc nhiên và thích thú được biết về những chi tiết về vùng đất này\”.

Triều là con út của nhà văn; từ hồi lớp 4, lớp 5 đã vẽ rất đẹp và đặc biệt kỳ lạ là vẽ từ chân nhân vật lên. Triều dạy tôi vẽ và dẫn tôi về nhà chơi, một căn nhà trệt, nho nhỏ trong cư xá Tự Do. Trong nhà rất nhiều sách. Tôi thích nhất là những bộ truyện tranh Tây du ký của họa sĩ Hồng Kông vẽ rất đẹp. Ông bảo Triều cho tôi mượn: \”Bạn bè thích thì lấy cho bạn mượn xem đi\”.

Ông quê Hà Đông nên còn ký bút danh Công Tử Hà Đông, một bút danh thật sự nói đúng về ông: một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã.

Thế nhưng, nhà văn hào hoa ấy lại yêu thương vợ con đến tận cùng. Hơn 60 năm bên nhau, ông chưa hề có phút giây nào vơi tình yêu dành cho vợ mình: Đỗ Thị Thủy. Bút danh Hoàng Hải Thủy của ông có tên Thủy là vậy.

Hai vợ chồng cùng ba con: Hoàng Hải Nguyên, Hoàng Kiều Giang, Hoàng Hải Triều hẳn đã có những ngày tháng êm đềm, đẹp đẽ ở Ông Tạ. Khi đã định cư nước ngoài, Ông Tạ vẫn luôn là một cái gì đó ám ảnh ông.

Ông viết: \”Ngày mới đến Hoa Kỳ tôi nói: “Tôi mang Sài gòn trong trái tim tôi …” Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài Gòn!

Sự thật không như tôi nói, không như tôi tưởng.

(…) Dù tôi có yêu thương Sài Gòn đến chừng nào đi nữa – là Công Tử Hà Đông bên hông Hà Nội, Bắc kỳ chính cống Bà Lang Trọc nhưng tôi yêu Sài Gòn hơn tôi yêu Hà Nội. Dù tôi có sống với Sài Gòn lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Sài Gòn tôi vẫn nhớ thương Sài Gòn. Nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng.

Đêm cuối năm, mưa rơi suốt đêm trên Rừng Phong.

Canh khuya trằn trọc nằm nghe tiếng mưa đập vào khung kính cửa sổ, tưởng như đang nằm nghe mưa rơi trên mái ngói xanh rêu trong căn nhà nhỏ ở cư xá Tự Do, ngã ba Ông Tạ – Sài Gòn\”.

Năm 1977, ông viết \”Áo vàng hoa\” về vợ mình, ông ghi rõ cuối bài thơ: \”Tháng 7, 1977

Nhà 259/29 A Phạm Hồng Thái,

Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn\”.

(Trích) Em yêu dấu, Em ơi, đừng ngại

Mặc cho đời tháng lại, ngày qua

Trong xương thịt ta còn giữ mãi

Những cái gì riêng của đôi ta.

Khi Em nằm xuống, khi tàn lửa

Trong hào quang của những tiên nga

Khi xe hạc vàng nhung tới cửa

Đón Em về xa cõi trời xa

Anh sẽ mở hồn Anh lấy áo

Mặc cho Em chiếc áo vàng hoa.

Bà đã đi một ngày cuối tháng 12-2018. Hai năm sau, ông đã gặp lại bà bên kia thế giới, cũng tháng 12…

***

Nguồn: Fb VietHai Tran

VĨNH BIỆT ANH HOÀNG HẢI THỦY

** Hồng Thủy **

Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái thân thiết của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ. Một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi một tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong tập thơ đó tôi cảm nhận được tình yêu nồng thắm của anh chị.

Mở đầu tập thơ là hình ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa. Hình này chị chụp có lẽ cũng vào lúc tóc đã điểm sương, nhưng trông vẫn còn đẹp lắm. Trên tấm ảnh là giòng chữ Tặng Alice (tên chị) Washington DC cuối thu 94. Dưới ký tên Hoàng Hải Thủy rất bay bướm.

Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54

Mùa thu mây trắng xây thành

Tình em mầu ấy có xanh da trời

Hoa lòng em có về tươi

Môi em có thắm nửa đời vì anh?

Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm anh làm ngày 15 tháng 10 năm 1977 trong phòng biệt giam Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu

Yêu Hoài Ngàn Năm

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh

Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau

Từ xanh đến bạc mái đầu

Tình Ta nước biển một mầu như xưa

Yêu bao giờ, đến bao giờ

Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?

Lòng em hoa vẫn tươi hoa

Môi em thắm đến em già chưa phai

Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai

Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em

Mặt trời có lặn về đêm

Sáng mai em dậy bên thềm lại soi

Cuộc đời có khóc, có cười

Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay

Thu về trời lại xanh mây

Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu

Càng yêu, yêu lại càng nhiều

Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em.

Đọc xong bài này, tôi chắc ai cũng cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến thế nào.

Những ngày ở tù tuy buồn khổ, cơ cực, tình yêu cũng vẫn tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng

Nằm trong khám tối âm u

Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa

Bồi hồi tưởng mái nhà xưa

Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?

Thương em nhạt phấn, phai đào

Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình

Ngủ đi em, mộng bình minh

Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu

*

Nằm trong khám tối nghe mưa

Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh

Thương nhau nên ngủ không đành

Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi

Anh nghe từng tiếng lệ rơi

Biết em đang khóc nên trời đổ mưa …

Về văn nghiệp, mới 10 tuổi cậu bé Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ. Ngay năm 10 tuổi anh đã mê đọc cuốn tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh rất phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những ông Trời con vì các ông có quyền tạo ra các nhân vật trong truyện, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó.

Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952 anh tham dự cuộc thi truyện ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Chưa cần biết có được trúng giải hay không, chỉ cần truyện được chọn đăng là đã được trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi. Không ngờ truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh lại được giải nhất. Tiền thưởng là 3.000$. Ông Trần Tấn Quốc Chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba đi ăn tiệc cao lâu rồi đưa mỗi người một ngân phiếu.

Đi lãnh tấm ngân phiếu thứ nhất quá lớn trong đời ở Ngân hàng về, anh biếu ngay bố mẹ 500$, chia cho các em một phần. Tiền còn lại anh đi may cho mình bộ complet đầu tiên với giá 700$.

Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh rất hấp dẫn người đọc.

Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như: Như truyện Thần Tiên, Tìm em nơi thiên đường, Định mệnh đã an bài v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh đã lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.

Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Sà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.

Người bạn tù hỏi qua song cửa

Phải anh là Hoàng Hải Thủy

Anh viết truyện Kiều Giang?

Kiều Giang …!

Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng

Làm bố vỡ tim và hồn nức nở

Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở

Nghe tên con giữa chốn lao tù

Những đêm dài ngục tối âm u

Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ

Bố yêu con trong từng hơi thở

Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ

Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ

Con có run da thịt đêm nay?

Bố cho con trọn máu xương này.

Anh chị có 3 người con, 2 trai 1 gái. Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều còn ở Việt Nam. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh rất thân với anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt, đằng sau là cả một rừng lá vàng. Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó, nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên thật tình tứ “Virginia is for lovers”.

Thêm nữa, anh chị chọn Virginia vì ở Virginia có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ người hết lòng giúp đỡ cho những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn.

Thời gian đầu anh chị hay tham dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, chị bị ngã mấy lần, anh luôn luôn lo lắng chị sẽ bỏ anh đi trước. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị. Tôi trêu anh, tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá.

Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi lại nhớ đến một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia. Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp gỡ. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh nói: “Anh chịu khó lái xe về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.”

Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi. Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà hàng xóm

Một hôm tôi tới thăm anh chị nhằm lúc anh đi đón chị ở nhà thương vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của bà ở gần đã để sẵn ở cửa để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.

Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.

Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tầu nghĩ mát, thuê nguyên cả một cái Villa thật rộng. Anh họ của chị là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu chơi.

Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm chan chứa với nhau.

Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: “Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy họ in trên trang nhất giòng chữ thật to Hiệp Định Genève vừa ký ngày hôm qua. Hết chiến tranh và chia đôi đất nước. Ngày anh chị quyết định kết hợp lại là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.”

Nếu bài viết kết thúc ở đây thì tuyệt quá, nhưng … ở đời có lúc chữ NHƯNG đến thật bất ngờ, mang tất cả niềm đau không ai chờ đợi. Cuộc sống của anh chị đang thật êm đềm, hạnh phúc, bỗng đứt đoạn chia lìa … Những lần tôi đến thăm, trong căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng, anh chị ngồi tiếp tôi. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, ánh mắt reo vui nhìn chị nói chuyện thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng chị lại cười thật to, hai anh em tôi cũng cười góp vì chị nói chuyện rất có duyên. Chị kể đủ thứ chuyện, những ngày ở với cộng sản, anh đi tù, tụi cán bộ đến làm khó dễ chị, chị đã không sợ lại còn trả lời chúng những câu thật chua cay. Qua những mẩu chuyện chị kể, tôi rất phục chị, chị quả thật là người đàn bà can đảm, giỏi giang. Chị lo cho anh từng li từng tí, hèn gì anh cứ tâm sự với tôi anh không thể sống thiếu chị và cứ lo sợ chị sẽ ra đi trước anh. Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật, chị đã bỏ anh đi thật rồi. Chị mất ngày 27 tháng 12 năm 2018.

Chị ra đi quá bất ngờ. Ngày Lễ Noel Kiều Giang về thăm bố mẹ, chị theo Kiều Giang đi mua sắm, đi chơi, chị rất khỏe và còn đòi đi uốn tóc, sửa soạn cho đẹp để ăn Tết. Đi cả ngày Kiều Giang sợ mẹ mệt, nói mẹ đi nằm nghỉ. Chị vào phòng nằm một lát rồi lại ra phòng khách ngồi nói chuyện. Đang nói chuyện chị than mệt, ngồi ngả đầu ra phía sau, nhịp tim hơi yếu. Đưa chị vào nhà thương, BS nói nhịp tim quá yếu, BS cố gắng cứu chữa nhưng không được. Chị đã trốn anh ra đi thật nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Hôm đến viếng chị ở nhà quàn, nhìn anh ngồi trên xe lăn, khuôn mặt thất thần tôi không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay anh chia buồn, hai anh em cùng khóc. Tôi biết anh đau buồn lắm, tôi rất lo, từ nay không có chị, không biết anh sẽ ra sao.

Nhớ Tết năm ngoái đến thăm anh chị, trên đường lái xe về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thật hạnh phúc. Căn phòng khách nhỏ ấm cúng với những bông cúc đại đóa vàng tươi, chiếc bánh chưng dán chữ mầu đỏ thắm phía ngoài, chờ đợi được bóc cho bữa cơm ngày Tết. Hộp mứt sen Bảo Hiên Rồng vàng trông thật hấp dẫn. Hai mái đầu bạc kề cận ngồi nhâm nhi mứt sen bên tách trà thơm bốc khói. Tết năm nay anh một mình một bóng, ai pha trà ngồi đối ẩm với anh đây?

Anh Hoàng Hải Thủy ơi, em nói vậy thôi chứ anh đừng nghĩ mình cô đơn và buồn nhé. Em biết lúc nào hồn chị cũng quanh quẩn bên anh. Chị chỉ tạm biệt anh đi trước thôi mà, chị sẽ chờ ngày tái ngộ với anh vì làm sao chị quên được lời anh dặn dò: “Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai. Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.”

Từ ngày chị ra đi, anh sống âm thầm như một cái bóng. Lần nào tôi đến thăm, anh cũng chỉ nói một câu “anh chỉ muốn chết’. Tôi không ngờ tinh thần anh lại yếu như vậy. Hình như chị đã mang tất cả sức sống của anh đi theo chị rồi. Nhớ ngày nào, hình ảnh một anh Hoàng Hải Thuỷ tươi cười, mắt sáng long lanh, ngồi ngắm chị nói chuyện thao thao bất tuyệt với tôi một cách sung sướng, thỉnh thoảng anh mới chen vào một câu để phụ hoạ cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn của chị, hoặc chọc phá chị, để anh em tôi có cớ cười vui thoải mái. Bây giờ, trông anh buồn như một tầu lá úa.

Nhớ lần tôi đến thăm anh chị năm 2017, mang giấy mời Ra mắt Tác phẩm HOA TƯƠNG TƯ của tôi, anh cầm tờ thiệp mời trong tay nhìn tôi nói: \”Lâu rồi anh chị không đi tiệc tùng, họp mặt gì nữa. Chân chị yếu lắm không ngồi lâu được, mà anh không muốn đi một mình. Cô thông cảm nhé“.

Tôi đang định trả lời: Dạ, em hiểu, thì chị đã cao giọng ra lệnh: Anh phải đi chứ, không đi cô Thuỷ buồn. Rồi chị quay sang tôi: “Lâu lắm rồi anh không đi đâu nữa hết, anh chị ở ẩn rồi cô ơi, nhưng ra mắt sách của cô thì chắc chắn anh sẽ đi, cô yên tâm nhé”. Anh ngồi im re, hình như chị là \”phát ngôn viên\” của anh. Thấy anh không nói gì, tôi cũng không hy vọng là anh sẽ có mặt trong buổi RMS của tôi, vì thường các ông không cãi lại lời của các bà vợ, vì nể hay vì biết cãi cũng thua. Các ông mặc kệ vợ nói gì tha hồ, nhưng rồi đường ta ta cứ đi, giống như ông chồng của tôi vậy. Nhưng anh Hoàng Hải Thuỷ thì khác, “ Vợ muốn là Trời muốn”. Ngày RMS của tôi, anh xuất hiện cùng anh Đào Trường Phúc, trông anh vẫn chải chuốt, hào hoa phong nhã như thuở nào. Không những chỉ anh đến tham dự, mà chị còn làm cho tôi bao nhiêu là chả giò thật ngon và một hũ đồ chua to tổ bố để đãi khách.

Tình cảm anh chị dành cho tôi tràn đầy, ấm áp … như chiếc áo len tôi đang mặc do chính tay chị đan cho tôi. Chị rất khéo tay, cơm nước, may vá thêu thùa đều giỏi, lại là người rất tình cảm, chu đáo và yêu anh vô cùng. Chị đúng là người vợ toàn hảo, hỏi sao anh không thể nào nguôi nỗi nhớ, niềm đau?

Tin anh ra đi thật bất ngờ với mọi người, riêng tôi đã linh cảm từ những ngày đầu có dịch \”cô vít\”.

Anh sống rất khép kín, ít chịu giao tiếp với thế giới bên ngoài. Con cái ở xa hết. Người thân mà anh chấp nhận liên lạc đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống anh từ ngày chị ra đi đã rất cô đơn. Bây giờ với nạn dịch bệnh, còn ai thăm viếng? Anh lại càng cô đơn và buồn hơn nữa. Ý nghĩ “chỉ muốn chết” vẫn nằm trong tâm khảm anh từ lâu, chắc lại còn mãnh liệt hơn nhiều.

Anh ra đi, để lại đau buồn cho những người thân ở lại, nhưng với riêng anh, tôi biết là một ước muốn khôn nguôi. Anh đã đến được nơi anh hằng mong đợi, xum họp với nàng ALICE, người yêu muôn thuở của anh.

Hồng Thủy, WDC.

Bài Liên Quan

Leave a Comment