Mỹ, Nga tranh nhau bán vũ khí cho Việt Nam tại triển lãm đầu tiên ở Hà Nội

08/12/2022


\"Tên
Tên lửa phòng không S125-2TM do Nga sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 8/12/2022.

Hôm 8/12, các công ty quốc phòng của Hoa Kỳ và Nga trưng bày vũ khí và quảng cáo các mẫu máy bay tại triển lãm quốc phòng quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam, khi hai cường quốc tranh giành ảnh hưởng và mua bán vũ khí ở quốc gia Đông Nam Á có địa thế chiến lược giáp với Trung Quốc, theo Reuters.

Sự kiện đang diễn ra tại căn cứ không quân Hà Nội thu hút 174 nhà triển lãm đến từ 30 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia sản xuất vũ khí lớn, ngoại trừ Trung Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nói với giới truyền thông bên lề sự kiện rằng Triển lãm quốc phòng này “đại diện cho một giai đoạn mới trong nỗ lực toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa của Việt Nam và Hoa Kỳ muốn tham gia vào đó”.

Ông Knapper cho biết Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam – chủ yếu giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí kết thúc vào năm 2016 – và sẵn sàng thảo luận về các nhu cầu quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là về năng lực hàng hải.

Việt Nam và Trung Quốc vướng vào tranh chấp lãnh thổ kéo dài đối với các quần đảo và thăm dò năng lượng ở Biển Đông, với những lo ngại một ngày nào đó có thể dẫn đến đối đầu.

Trung Quốc được mời tham gia triển lãm vũ khí này nhưng đã từ chối lời mời, vẫn theo Reuters.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại sự kiện này nói rằng Hà Nội hiện hướng tới mục tiêu đa dạng hóa nguồn vũ khí “vì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc”.

Mục tiêu đa dạng hóa này của Việt Nam được nhiều người xem là một phương châm để giảm sự phụ thuộc vào Nga về vũ khí, mặc dù các nhà phân tích nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra sẽ diễn ra dần dần.

\"Tên
Tên lửa của Nga R17-E trưng bày tại Hà Nội, ngày 8/12/2022.

Cơ quan thương mại vũ khí của Nga Rosoboronexport có mặt tại triển lãm này với một gian hàng lớn trưng bày máy bay không người lái, xe bọc thép, máy bay trực thăng, máy bay và vũ khí hạng nhẹ của Nga.

Ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Rosoboronexport, cho biết trong một tuyên bố rằng cơ quan này “sẵn sàng thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng” với Việt Nam.

Nga cho đến nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, đáp ứng 80% nhu cầu của Hà Nội, nhưng sức hấp dẫn của nước này đã giảm trong thời gian gần đây, trong khi cuộc chiến Ukraine có thể hạn chế xuất khẩu quốc phòng đến Việt Nam và các biện pháp trừng phạt ngăn cản những người mua tiềm năng.

Trong số các công ty trưng bày sản phẩm của họ có Colt thuộc sở hữu của Séc, công ty có vũ khí hạng nhẹ được binh lính Mỹ sử dụng nhiều nhất trong Chiến tranh Việt Nam.

“Những cựu thù có thể trở thành bạn hữu”, bà Jens Heider, giám đốc bán hàng quốc tế của Colt, nói với Reuters.

Triển lãm cũng là cơ hội để các công ty quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên bán vũ khí của mình cho các khách hàng quốc tế tiềm năng.

Viettel, một công ty viễn thông thuộc sở hữu của quân đội, đồng thời là công ty quốc phòng lớn nhất của Việt Nam, trưng bày các hệ thống radar, máy bay không người lái và giám sát mới, những vũ khí mà các quan chức của họ cho biết đã thu hút các đại diện đến từ Mông Cổ, Campuchia và Belarus tại triển lãm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment