Nguyễn Bá Thanh và những vụ bức tử, “giết người diệt khẩu” kinh hoàng ở Đà Nẵng (Phần 1, 2)

Thứ Tư, 07 Tháng Mười Hai 2022

Mai Hoa Kiếm

4-12-2022

Thành phố Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc trung ương từ tháng 1-1997. Kể từ đây, những cuộc quyết đấu tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm chính trị địa phương, gay gắt và kinh hoàng hơn bao giờ hết. Nguyễn Bá Thanh, một trong những hung thần khét tiếng, giờ đây đã mồ yên mả đẹp, nhưng dư âm về ông ta mãi là nỗi ám ảnh kinh hoàng…

Thủ tiêu Viện trưởng Viện Kiểm sát Phúc thẩm Tối cao 2

Nguyễn Văn Tùng sinh năm 1942, quê Nghệ An. Năm 1998, khi đang là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát xét xử hình sự, thuộc VKS Tối cao, ông được chuyển về làm Viện trưởng VKS Phúc thẩm tại Đà Nẵng (còn gọi là Viện Phúc thẩm 2) phụ trách địa bàn từ Quảng Trị đến Khánh Hoà và các tỉnh Tây Nguyên. Nhận nhiệm sở mới, ông đưa cả vợ con vào Đà Nẵng sống. Nguyễn Văn Tùng là mẫu người cộng sản liêm chính còn sót lại của thời bao cấp, là cán bộ có năng lực, điềm đạm và khiêm tốn.

Ngày 4-6-2000, tin từ Viện Phúc thẩm 2 báo về VKS Tối cao, ông Tùng mất tích, không đến nhiệm sở, không liên lạc được. Sự việc chấn động, người của Vụ Tổ chức cán bộ VKS Tối cao bay gấp vào Đà Nẵng. C16 của Bộ Công an cũng vào cuộc. Thông tin từ cơ quan và người nhà dần hé lộ, diễn biến vụ án mất tích thật đáng ngờ…

Ngày ngày 30-5-2000, ông Tùng có lịch cùng vợ ra Hà Nội bằng máy bay. Sáng hôm đó, ông trực tiếp cầm CMND để đi mua vé và không thấy trở về. Xác minh tại Vietnam Airlines, thì trong danh sách hành khách các chuyến bay đi từ Đà Nẵng đến Hà Nội từ ngày 30-5 đến 1-6-2000, không tìm thấy tên ông Nguyễn Văn Tùng. Như vậy ông Tùng không hề bay ra Hà Nội, vậy ông đi đâu?

Trong khi đó, tại Thị xã Hội An (nay là TP Hội An) cách Đà Nẵng hơn 30km, buổi chiều ngày 31-5-2022, anh Trần Văn Tuấn sinh 1973, trú tại thôn Phước Trạch, xã Cẩm An, thị xã Hội An, đi thể dục và phát hiện ra tư trang của ông Tùng tại bãi tắm biển Cửa Đại, gần khách sạn Victoria. Tư trang gồm: đôi dép, một mũ lưỡi trai, một cặp da màu đen và chiếc áo mưa. Cách đó 200 mét, trên rừng dương liễu ven biển, phát hiện xe máy của ông Tùng, hiệu Custom màu xanh, biển số 29-846 K9.

\"\"/
Ảnh: Khu vực Victoria Hotel Cửa Đại, Hội An, nơi có hiện trường giả năm 2000. Nguồn: Tác giả gửi TD
\"\"/

Vụ mất tích của một Viện trưởng VKS đã dấy lên nhiều đồn đoán và dư luận xôn xao tại Việt Nam. Người ta thêu dệt, cho rằng ông tự sát, bị thủ tiêu hoặc tạo hiện trường giả để vượt biên trốn sang nước ngoài.

Cô Nguyễn Thu Trang, con gái ông Tùng, cho biết, gia đình cô rất hạnh phúc. Bố Tùng không việc gì phải đào tẩu hoặc tự vẫn.  Ngoài ra, trong quan hệ xã hội, công việc cũng không thấy bố Tùng than vãn gì về việc căng thẳng và ông cũng chưa từng gây thù, chuốc oán với ai.

Vụ án ông Nguyễn Văn Tùng, Viện trưởng VKS Phúc thẩm 2 mất tích được khởi tố điều tra. Có điều, cơ quan thụ lý là Công an tỉnh Quảng Nam, chứ không phải Công an Đà Nẵng, trong khi mọi diễn biến trước ngày ông Tùng mất tích, đều xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng. Cơ quan điều tra đưa ra nhận định ban đầu, hiện trường trên bờ biển xã Cẩm An, Hội An, nơi phát hiện vật dụng của ông Nguyễn Văn Tùng, có khả năng chỉ là một cách đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Nhưng ai đã giết ông Tùng, tạo hiện trường giả đánh lừa cơ quan chức năng? Vì sao kẻ chủ mưu thủ tiêu ông Viện trưởng và xác ông Tùng hiện ở đâu?

Tất cả các câu hỏi đều đi vào ngõ cụt. Cơ quan Công an Quảng Nam im hơi lặng tiếng, không công bố bất kỳ tin tức gì. Báo chí quốc doanh cũng không có dòng nào lần theo dấu vết điều tra.

Một tháng sau, tức đầu tháng 7-2000, một xác chết được phát hiện, nổi trên vùng biển Quảng Ninh, khuôn mặt đã phân huỷ, quần áo nguyên vẹn, trong túi áo có CMND mang tên Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1942, quê Nghệ An. Thật bí ẩn, ly kỳ, khi mà người chết trôi ngược gần 1000 km, từ biển Hội An, Quảng Nam ra đến biển Quảng Ninh và quần áo còn nguyên trên người.

Không tìm ra hung thủ, Cơ quan điều tra CA Quảng Nam vĩnh viễn đóng lại hồ sơ vụ ông Nguyễn Văn Tùng mất tích bí ẩn.

Trong khi đó, dư luận ở Đà Nẵng và Quảng Nam, kể cả trong và ngoài ngành công an, lại rò rỉ nhiều thông tin đáng sợ đến ghê người.

Trước khi ông Tùng đi lấy vé máy bay, ông nhận được cuộc gọi hẹn gặp gấp. Đầu dây bên kia chắc chắn là người có thế lực, có thể liên quan hoạt động nội chính, tư pháp. Do đó, khi lên xe máy, ông Tùng đem theo cả cặp da đựng hồ sơ quan trọng. Tin nội bộ cho biết, ông Tùng có đầy đủ tài liệu vụ án Cầu Sông Hàn và Phạm Minh Thông đang gây xôn xao cả nước.

Vào ngày 29-3-2000, Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng bắt khẩn cấp Phạm Minh Thông, sinh năm 1938, quê Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam. Lúc đó, Thông là giám đốc Công ty hợp doanh Xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong các bản cung, Thông khai đã đưa hối lộ cho Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiều lần, số tiền xấp xỉ 4-5 tỷ đồng, theo yêu cầu chia phần trăm từ Nguyễn Bá Thanh.

Viện Phúc thẩm 2 nhận được các báo cáo từ VKS TP Đà Nẵng. Ông Tùng được cho là sẽ đi Hà Nội, xin lệnh bắt Nguyễn Bá Thanh, nhưng đã muộn…

\"\"/
Ông Nguyễn Bá Thanh (phải) tặng hoa cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc CA TP Đà Nẵng. Ảnh: PLTP
\"\"/
Ông Phạm Minh Thông, bị cáo vụ án Cầu sông Hàn. Nguồn: AS&CS

Những người theo dõi sự kiện này có chung nhận định rằng, sát thủ đã giết ông Tùng buổi sáng, xe máy cùng tư trang ông Tùng được chuyển đến Hội An vào tối 30-5-2000 để dựng hiện trường giả, trong đó chiếc cặp da trống rỗng. Xác ông Tùng được các thủ phạm nguỵ trang thành hàng hoá, gởi kho ướp đông. Gần một tháng sau, chúng lại đưa lên xe thùng chuyên chở hàng thuỷ sản đông lạnh, vận chuyển ra Quảng Ninh và ném xuống biển.

Vụ án ông Nguyễn Văn Tùng mất tích bế tắc, không lâu sau đó, đại tá Trần Văn Thanh, nhân vật đối đầu trong “Chuyện song Thanh tại Đà Nẵng” bị mất chức giám đốc Sở Công an và bị điều về Bộ Công an. Sau cái chết của ông Tùng, lo sợ đến lượt mình, ông Trần Văn Thanh nhanh chóng bán nhà tại Đà Nẵng, đưa cả vợ con ra Hà Nội…

Ông Nguyễn Quốc Dũng, tức Dũng “lửa”, Viện trưởng VKS Đà Nẵng, anh ruột ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng nghỉ hưu sớm.

Đã hơn hai mươi năm trôi qua, các cơ quan nội chính của nhà nước cộng sản cố xoá đi tài liệu về vụ án. Tuy vậy, cái chết của ông Nguyễn Văn Tùng đến nay vẫn còn tranh cãi âm ỉ, nhức nhối trong hàng ngũ cán bộ CA và cả VKS Tối cao.

Vì sao một Viện trưởng VKS đầy quyền lực, bị giết hại giữa thanh thiên bạch nhật, mà cả hệ thống chính trị của đảng phải bó tay, hung thủ thì vẫn nhởn nhơ, thách thức pháp luật?

Đập chết “Anh hùng Lực lượng Vũ trang”

Đỗ Văn Quả, sinh năm 1948, quê làng Ô Gia Nam, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tuy sống miền quê thanh bình, nhưng tuổi thơ của Quả cực kỳ dữ dội. Đỗ Văn Quả bị xúi giục, lôi kéo đi làm giao liên cho Việt Cộng từ năm 15 tuổi. Lớn hơn một chút, được huấn luyện thành sát thủ, Quả tham gia đội vũ trang An ninh Quảng Đà và lập nhiều công trạng.

“Chiến công” lớn nhất của Quả phải kể đến là, ông ta đã giết rất nhiều đồng hương xứ Quảng, kể cả những người là bà con họ hàng, chỉ vì họ bị Việt Cộng tình nghi có cộng tác, làm việc hoặc có thân nhân dính dáng đến chế độ VNCH. Phần thưởng mà Quả nhận được là danh hiệu “Anh hùng LLVT” mà chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng vào năm 1976. Sau này, Đỗ Văn Quả mang lon trung tá, Trưởng công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Thời bao cấp, khoảng năm 1988-1989 có Đặng Thanh Bình, sinh năm 1963, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp II, Đại Nghĩa – Đại Lộc – Quảng Nam, câu kết với Nguyễn Bá Thanh, lúc này là Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn 3, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, buôn lậu hàng chục tấn thóc giống của nhà nước. Đỗ Văn Quả trực tiếp chỉ đạo điều tra, phá án, nhưng rốt cuộc tội phạm vẫn lọt lưới, cao chạy xa bay, bởi tội phạm được bảo kê, thậm chí nhiều kẻ có thế lực trong tổ chức đảng không muốn làm to vụ này.

Chẳng những không bị pháp luật sờ gáy, bộ đôi Bá Thanh – Thanh Bình càng ngày càng “chui sâu, leo cao”. Năm 2007, khi đã là Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư thành uỷ Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh đưa Đặng Thanh Bình lên ghế Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác Hạ tầng KCN Đà Nẵng. Cùng năm ấy, “cuộc chiến song Thanh” đã đến đỉnh điểm, tướng Trần Văn Thanh, Chánh thanh tra Bộ công an bị khởi tố điều tra, đình chỉ công tác.

Có thông tin cho hay, trung tá Đỗ Văn Quả tuyên bố muốn “lật lại hồ sơ vụ án” để giúp giải nguy cho tướng Trần Văn Thanh, người bạn, người đồng đội cùng chiến hào năm xưa ở Ban An ninh Quảng Đà. “Tai vách mạch rừng”, Đỗ Văn Quả, Trưởng công an huyện Đại Lộc chưa kịp làm gì thì đối phương đã ra tay trước.

Vợ ông Quả là bà Trương Thị Hạnh, sinh năm 1954, kể rằng, ông đi công tác, có kẻ mạo danh, gọi điện thoại báo tin khẩn, kêu ông Quả về nhà ngay vì vợ đang cấp cứu. Nửa đêm, đường quê nhá nhem, sát thủ giấu mặt từ bụi rậm nhảy ra, phang một nhát gỗ to vào gáy Quả. Người và xe máy ông trung tá bị bay xuống mương nước. Quả bị gãy cổ, dập não, đa chấn thương, chết không kịp trối một lời.

Những tài liệu mà trung tá Đỗ Văn Quả có, mọi bí mật mà ông biết rõ về Nguyễn Bá Thanh, đã vĩnh viễn mang theo ông xuống mồ. Rất nhiều cơ quan vào cuộc điều tra mà không có kết quả. Hoặc người ta biết, nhưng không dám làm. Vụ án khép lại, hung thủ biệt tăm.

Ai giết Đỗ Văn Quả? Cơ quan điều tra không trả lời được. Nhưng dân chúng rất nhạy, họ biết kẻ chủ mưu không ai khác ngoài “hung thần” Nguyễn Bá Thanh và đám tay sai. Tuy nhiên, vì sợ đại hoạ vào thân, dân tình tụ tập đây đó chỉ dừng lại ở mức xầm xì, bàn tán.

Có bốn sĩ quan CA biết tường tận về những gì Nguyễn Bá Thanh nhúng tay. Đó là trung tướng Lê Ngọc Nam, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng BCA, giám đốc CA Đà Nẵng; đại tá Nguyễn Đình Chính, cựu Phó giám đốc CA, Chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát Đà Nẵng. Cả Nam và Chính đều cùng tuổi, đều là con liệt sĩ, học sinh miền Nam trên đất Bắc với Nguyễn Bá Thanh, cũng là hai “hung thần” khét tiếng tàn bạo tại Đà Nẵng. Hai nhân vật còn lại cũng hiểu rõ nội tình, đó là thượng tá Vũ “nhôm”, là người đang thụ án 30 năm tù giam và đại tá Hùng “CD”, một người bạn, được phong “anh hùng LLVT” cùng đợt với ông Quả vào năm 1976.

\"\"/
Chân dung Lê Ngọc Nam và Nguyễn Đình Chính
\"\"/
Ảnh: Hùng “CD” và Vũ “nhôm”

Hùng “CD” tên thật là Nguyễn Thanh Hùng, sinh năm 1950, quê Quế Sơn, nhưng đầu quân dưới trướng Nguyễn Bá Thanh nên nhận bổng lộc đầy đủ. Hùng “CD” từng là Đội trưởng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, cấp bậc sau cùng là lon đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động CA Đà Nẵng. Ông ta nghỉ hưu năm 2011.

Sau mấy chục năm vơ vét đầy túi, Hùng “CD” đã kịp đưa hai cô con gái sang Mỹ du học, bỏ ra mấy triệu Mỹ kim để mua nhà ở Mỹ cho con bên đó. Hùng “CD” có ba vợ, có bốn cây xăng kinh doanh tại các vị trí đắc địa, cùng hàng chục căn nhà lầu đang cho thuê tại Đà Nẵng.

Vợ chồng Hùng “CD” có nhà riêng ở Ravensworth Virginia, Hoa Kỳ và đi về liên tục giữa Mỹ và Việt Nam mỗi năm vài lần.

Chúng tôi trở lại bốn nhân vật đồ đệ của Nguyễn Bá Thanh này vào một dịp khác.

(Còn nữa)

Tiếp theo phần 1

Xuất gia, đạo và đời

Sư thầy Thích Pháp Vân tên thật là Đỗ Vân, sinh năm 1972, quê ở thôn Quang Châu, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng, trong một gia đình đông con, cùng cực và đói nghèo. Đỗ Vân là con áp út, dưới Vân còn có một em gái.

Vốn hiếu thảo, học giỏi, nhưng “chọn đường tu, mong sao đủ công đức cho kiếp sau cha mẹ, anh em dòng họ bớt khổ”, như sư tâm sự của thầy.

Năm 1982, Đỗ Vân được Hoà thượng Thích Huệ Hướng (1940-1995) trù trì chùa Quán Thế Âm, dưới chân ngọn núi Kim Sơn, thu nạp đệ tử, đặt cho pháp danh Pháp Vân, cùng đồng môn: Pháp Như, Pháp Châu, Pháp Bửu, Pháp Chiếu…

Năm 1990, thể theo nguyện vọng các đồ đệ trưởng thành, Hoà thượng Thích Huệ Hướng khuyến khích đệ tử cứ tự lập tịnh thất để phát triển đạo pháp. Pháp Châu lập tịnh thất Huệ Quang tại ngọn núi Mộc Sơn (nay là chùa Huệ Quang). Pháp Bửu, Pháp Vân ở lại với thầy cho đến khi Hoà thượng lâm trọng bệnh và viên tịch vào năm Ất Hợi 1995.

\"\"/
Ảnh: Làng Quang Châu, quê của sư Pháp Vân. Nguồn: Tác giả gửi cho Tiếng Dân
\"\"/
\"\"/
Ảnh: Chùa Quán Thế Âm, nơi sư Pháp Vân tầm sư học đạo. Ảnh trên mạng

Sau đó mấy năm, khi nỗi nhớ, niềm thương sư phụ nguôi ngoai, sư Vân lên đỉnh Sơn Trà tìm nơi yên tĩnh, tịnh tâm, học đạo tu hành. Bãi Bụt, vùng đất bằng phẳng, hướng vọng về phía chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, vị trí này tương truyền có Phật Bà hiển linh, thường hiện ra trong sương mờ, là nơi sư Vân dừng chân, dựng một tịnh thất nho nhỏ. Tháng ngày trôi đi, nơi thâm sơn cùng cốc, sư làm bạn cùng chim muông, cây cỏ, cùng loài voọc chà vá chân nâu. Sư Vân sẽ bình yên gởi nốt phần đời còn lại nơi cửa Phật, nếu như không có một ngày…

Lửa thiêng gào thét

Năm 2004, sau khi đánh bại phe Trần Văn Thanh – Dũng “lửa”, thu tóm được hàng loại chức vụ, bí thư thành uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh chính thức trở thành ông trùm ở Đà Nẵng. Một mặt, Bá Thanh cho rà soát, thiết kế lại bộ máy công chức, cài cắm, đưa người của ông ta vào nắm hết công an và chính quyền.

Về tôn giáo, Bá Thanh cũng can thiệp, để đưa người tin cậy vào Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo thành phố, trong đó có thượng toạ Thích Thiện Nguyện (1946-2016), tức “thầy Nguyện”, trụ trì hai ngôi chùa Linh Ứng 1 ở Ngũ Hành Sơn và Linh Ứng 2 ở Bà Nà.

Mặc khác, Bá Thanh chỉ đạo cho ồ ạt “chỉnh trang đô thị”, thẳng tay đàn áp, cưỡng chế thu hồi đất, móc nối chia chác dự án, phân lô bán nền. Hàng ngàn đại gia, doanh nghiệp, “ông lớn” bất động sản từ TPHCM và Hà Nội đổ về Đà Nẵng để xí phần. Dân oan bị những kẻ nhân danh đảng và nhà nước cướp đất, mất nhà, kêu khóc như xé nát trời xanh.

Từ sau vụ án Phạm Minh Thông, Nguyễn Bá Thanh cảnh giác rất cao. Ông ta không trực tiếp nhận tiền chung chi, hối lộ, mà thông qua thư ký, tay chân như Phan Văn Tâm, Vũ “nhôm” và vài nhân vật tin cẩn khác. Thậm chí, doanh nhân đến nhà chơi, hầu chuyện dịp Tết, Bá Thanh cũng buộc họ cởi bỏ veston, áo khoác, để điện thoại bên ngoài, nhằm tránh bị ghi âm, ghi hình.

Để lấy được dự án, được giao đất, được bất động sản, công sản với giá bèo bọt, doanh nghiệp phải hối lộ cho Bá Thanh khoản tiền từ 8-10% giá trị lô đất, giá công sản, tùy vị trí. Tiền có được, một phần ông ta chung chi cho các “đại ca” trung ương, phần còn lại thì bỏ túi. Về sau, thấy việc lấy tiền qua các “đầu sai” dễ bị lộ, nên Bá Thanh nghĩ ngay đến việc rửa tiền qua chùa.

Bá Thanh cho phép thầy Nguyện chọn bất kỳ địa điểm nào mà thầy muốn, để xây chùa Linh Ứng 3, ông ta cũng giúp “giải phóng mặt bằng”. Thoả thuận “tội lỗi” được Bá Thanh đề nghị, tiền của thập phương cúng dường công đức xây chùa, thì thầy Nguyện lấy, còn tiền doanh nghiệp, công ty “ủng hộ xây chùa” sẽ là của Bá Thanh. Mỗi tuần, hai bên đối chiếu, chia tiền qua biên lai, sổ sách.

Thầy Nguyện muốn xây được chùa to, hoành tráng để đời, nên tất tật phải chấp nhận, nghe theo mọi yêu cầu Bá Thanh đưa ra. Bù lại, Bá Thanh hứa sẽ trích thêm chút tiền cho thầy Nguyện xây Linh Ứng 3 và đưa thầy lên đỉnh cao quyền lực trong hệ thống Phật giáo thành phố.

Chùa Linh Ứng 3, sau này có tên Linh Ứng Bãi Bụt, được thầy Nguyện chọn ngay địa điểm gần sư Vân thiền tu. Bá Thanh cấp ngay gần 20 hecta đất, lấy trùm luôn tịnh thất nhỏ bé của sư Vân. Chùa được khởi công ngày 4-7-2004 và khánh thành ngày 30-7-2010. Ròng rã suốt 6 năm, số tiền ước đoán lên đến hàng ngàn tỷ đồng hối lộ, núp dưới mác “ủng hộ xây chùa”, đã chảy vào túi Bá Thanh.

\"\"/
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Ảnh trên mạng
\"\"/
\"\"/
\"\"/
\"\"/
\"\"/
Một số hình ảnh Nguyễn Bá Thanh trong ngày khánh thành chùa Linh Ứng – Bãi Bụt. Nguồn: Báo Giác Ngộ

Về phần sư Vân, được biết, sư không hề oán trách hay tranh giành đất đai gì với thầy Nguyện. Bởi lẽ, đất của “nhà nước quản lý”, tịnh thất nép mình sau đại tam bảo cũng là kính Phật, thầy Nguyện cũng là bạn thân với cố hoà thượng Thích Huệ Hướng và cũng là người sư Vân luôn kính trọng và ngưỡng mộ, lúc rỗi sư Vân thường sang bên thầy Nguyện đàm đạo. Thầy đâu biết rằng, những tháng ngày bình yên, tĩnh lặng mà thầy đang tu tập nơi núi cao, sắp chấm dứt.

Một buổi trưa đầu tháng 8-2008, sư Vân sang thăm thầy Nguyện như thường lệ. Cửa chính không đóng, sư Vân sững người lại khi nhìn thấy ông trùm Nguyễn Bá Thanh và thầy Nguyện đang kiểm đếm tiền, lấy từ các két sắt để chia nhau. Sư Vân không tin vào mắt mình, khi thấy toàn những xấp Mỹ kim dày cộm và những cây tiền đồng Việt Nam nguyên đai, nguyên kiện còn dấu niêm phong của ngân hàng. Quan ngại lẫn kinh sợ, sư Vân xin phép cáo từ, quay lui.

Sư Vân đi rồi, Bá Thanh chau mày nói với thầy Nguyện: “Thầy tính răng (sao) thì tính, chứ phải xử nó thôi”. Một tuần sau, thầy Nguyện cùng bộ phận hậu cần, quản viện bên chùa Linh Ứng 3, hô hoán, bị kẻ trộm lẻn vào lấy đi số tiền 50 triệu đồng. Rất nhanh, công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra. Giám đốc CA Phan Xuân Sang, cùng các phó giám đốc như Thái Công Sỹ, Lâm Cao Luynh, Nguyễn Đình Chính đều thay nhau chỉ đạo rốt ráo. Người ta tìm thấy bọc tiền đúng 50 triệu được giấu trong chậu hoa trong khuôn viên tịnh thất của sư Vân.

Cơ quan điều tra liên tục triệu tập sư Vân để lấy cung, nhưng sư có biết gì đâu để khai báo. Không một ai đứng ra biện bạch, giải oan, ngược lại mọi con mắt hồ đồ đều ném cái nhìn đầy nghi kỵ về phía sư Vân. Cuối cùng, sư Vân cũng nhận được đề nghị lựa chọn từ điều tra viên. Một là sư Vân phải vĩnh viễn rời khỏi tịnh thất, ra đi thật xa; hai là sư sẽ bị khởi tố, tội danh “trộm cắp tài sản”.

Đớn đau cả về nhục thể lẫn tinh thần, nước mắt nhà sư uất nghẹn như hoà trong mây ngàn, gió núi…

Biết trước sau gì Bá Thanh cũng sẽ mượn bàn tay công an côn đồ hoặc

xã hội đen giết mình, nên sư Vân đã ghi âm toàn bộ sự thật câu chuyện, cùng đôi lời trăng trối vào điện thoại di động, rồi chuyển về cho gia đình.

Để giữ sự sáng trong, đạo hạnh suốt 25 năm của bậc chân tu nương nhờ cửa Phật, sư Vân đành phải hoá thân.

Lúc 9h sáng, ngày 15-8-2008, tức ngày 15-7 năm Mậu Tý, khi bình minh chưa tan hết những giọt sương mai, sư Vân rời tịnh thất, xuống khúc quanh cung đường dẫn lên chùa Linh Ứng 3, rồi tưới xăng châm lửa tự thiêu. Ngọn lửa bao trùm xác thân vị sư thầy vô tội, khói đen cuộn lên như dấu hỏi to ngáng giữa lưng trời.

Dân chài vùng Thọ Quang gần đó cho biết, công an phong toả tất cả các ngã đường lên xuống chùa. Không có ai dập lửa cho đến khi có tiếng sét đùng đùng nổ giữa trời quang. Có lẽ trời Phật cũng khóc thương cho thân phận cô đơn, oan khốc của bậc tu hành, nên giáng mưa giông bất ngờ, làm tắt ngọn lửa sắp tàn.

Công an Đà Nẵng xoá sạch hiện trường trong buổi sáng. Thi thể sư Vân được bàn giao cho gia đình đưa về quê mai táng. Truyền thông của đảng cấm đưa bất kỳ thông tin nào, vì vậy ngày đó, kể cả người dân Đà Nẵng, cũng không nhiều người biết sự việc.

\"\"/
Khúc quanh, địa điểm nơi sư Vân tự thiêu. Nguồn: Tác giả gửi tới Tiếng Dân

Tiếc thương bậc chân tu, khổ hạnh, nguyện duyên bạc mệnh, dân trong vùng lập một am nhỏ ngay vị trí sư tự thiêu, để nhang khói tưởng niệm. Người ta cho rằng, lửa thiêng gào thét đưa sư Vân hoá thân về cõi Phật tại Bãi Bụt năm ấy, như hồi chuông mong mỏi thức tỉnh lương tri những kẻ tham lam, gian ác, vô minh.

Mấy năm sau đó, luật pháp chưa đụng đến, nhưng luật trời đã ra tay. Những “đại quan” cai trị sở tại, từng dính líu đến oan án sư Vân, cũng lần lượt quy hồn địa phủ khi còn đương chức, nắm quyền sinh sát trong tay.

Thiếu tướng Phan Xuân Sang, giám đốc CA Đà Nẵng, bị ung thư gan, chết hồi tháng 1-2011, hưởng dương 59 tuổi.

Các cấp phó của Phan Xuân Sang cũng chịu chung số phận:

– Đại tá Lâm Cao Luynh, bị ung thư não, chết tháng 8-2015, hưởng dương 55 tuổi.

– Đại tá Thái Công Sỹ, bị ung thư vòm họng, nằm trên giường bệnh suốt 8 năm rồi đứt bóng vào tháng 9-2016, ở tuổi 61.

Riêng Nguyễn Bá Thanh được cho là bị đầu độc phóng xạ (ARS). Sau ba lần hoá trị không thành công, người co quắp, đen sì như bị hỏa thiêu rồi chết trong trong đau đớn hồi tháng 2-2015, khi gần tới tuổi 62.

Riêng cá nhân thầy Nguyện, đang khoẻ mạnh bỗng dưng phát bệnh, bệnh viện Đà Nẵng không chữa trị được. Dù đưa vào bệnh viện Việt-Pháp rồi bệnh viện 115 TPHCM, nhưng các bác sĩ hàng đầu vẫn bó tay.

Tháng 9-2016, hòa thượng Thích Thiện Nguyện, chức vụ Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Đà Nẵng; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng; đại biểu HĐND TP khoá VII, VIII; Trụ trì chùa Linh Ứng 1,2,3 Đà Nẵng, trút hơi thở cuối cùng.

***

Dưới bàn tay của Nguyễn Bá Thanh, còn rất nhiều vụ án kinh người, mà trong khuôn khổ bài này không thể kể hết.

Vụ huy động cả ngàn công an Đà Nẵng đàn áp đẫm máu Giáo xứ Cồn Dầu vào ngày 4-5-2010, bắt nhiều người, đánh dập não đến chết giáo dân Nguyễn Thành Năm vào ngày 3-7- 2010, sau đó loan tin rằng ông Năm “bị đột quỵ” mà nhiều người đã biết.

Hay vụ kỹ sư Phạm Thanh Sơn, đến trụ sở UBND TP để khiếu kiện về việc cưỡng chế thu hồi đất, bị công an bảo vệ tại đây đánh chết, quẳng ra đường Bạch Đằng tưới xăng đốt xác phi tang, rồi rêu rao đó là vụ tai nạn giao thông lúc 12h30 trưa ngày 17-2-2011. Sau, truyền thông của đảng lại đưa tin, kỹ sư Sơn “bị bệnh tâm thần nên tự thiêu”.

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm vụ oan án, dân bị cướp đất, bị đánh chết nếu khiếu kiện kéo dài.

Hai năm sau ngày Bá Thanh chết, Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng chỉ đạo làm hồ sơ, đề nghị nhà nước truy phong cho ông ta danh hiệu “Anh hùng lao động” và đề nghị được lấy tên đặt cho một con đường.

Dư luận xã hội mỉa mai, kẻ sẵn sàng thủ tiêu đối thủ chính trị, bức tử cả người xuất gia tu hành, nấu cao hổ và nghiện món thịt chó như Bá Thanh, lại được xưng thánh và truy phong anh hùng, thì Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt ở Sài Gòn, phải được gọi là “đại thánh” và phong tặng “đại anh hùng”.

Còn dân nghèo bị cưỡng chế cướp đất, khi họ lên tiếng bảo vệ tài sản của mình thì bị quy chụp “phản động”, bị đánh đập dã man đến chết, là chuyện không hề hiếm tại xứ “thiên đường XHCN” dưới chế độ cộng sản.

Điều kỳ lạ là, dù cướp cạn của dân, bán hết tài nguyên lẫn công sản Đà Nẵng để rồi mở vài tuyến phố, xây dăm ba cây cầu, “hung thần” Nguyễn Bá Thanh lại được đồng đảng tôn vinh như thánh. Chừng đó thôi đủ để thấy chế độc độc tài tàn bạo khát máu, nhưng luôn dùng đủ ngón nghề, thủ đoạn xảo trá, mị dân, lừa đảo, bịp bợm, gây ra muôn vàn tội ác cho dân. Nhưng tất cả bọn chúng đều không thoát khỏi lưới trời!

Bài Liên Quan

Leave a Comment