Đăng ngày: 13/12/2022
Ngoài năng lượng, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với thế giới Ả Rập đã vươn tới công nghệ cao, trang thiết bị quân sự. Riyad sắm drone của Trung Quốc. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất muốn mua máy bay quân sự của Trung Quốc. Các nước trong vùng Vịnh kỳ vọng vào mạng 5G của Hoa Vi. Sau ba ngày họp tại Ả Rập Xê Út, ông Tập Cận Bình ra về với hàng chục tỷ đô la hợp đồng. Bán đảo Ả Rập, một mặt trận mới trong cuộc đọ sức Mỹ -Trung ?
Trong ba ngày họp tại Riyad (7-9/12/2022), lãnh đạo Trung Quốc đã có chuyến viếng thăm Ả Rập Xê Út cấp nhà nước, họp thượng đỉnh với lãnh đạo 6 quốc gia thuộc Hội Đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Ả Rập Xê Út, Oman, Koweit, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar), lãnh đạo nhiều nước Ả Rập như Ai Cập hay Irak, Liban …
Ả Rập Xê Út và Trung Quốc thông báo mối « đối tác chiến lược ». Bắc Kinh đã thu hoạch được 34 hợp đồng bao gồm từ lĩnh vực năng lượng đến hydrogen, từ các công trình xây dựng nhà ở đến các dự án phát triển công nghiệp hóa dầu và kể cả hợp đồng nhập khẩu drone do Trung Quốc chế tạo.
Trung Quốc và Ả Rập Xê Út theo thứ tự là nguồn nhập khẩu và là nhà cung cấp dầu hỏa lớn nhất thế giới. Hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đặc biệt trông cậy vào Bắc Kinh để tiến hành công cuộc cải tổ dài hơi, giảm bớt mức độ lệ thuộc của vương quốc vùng Vịnh này vào dầu lửa. Năm ngoái, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới hơn 80 tỷ đô la.
Ông Tập Cận Bình và các doanh nhân Trung Quốc tháp tùng chủ tịch nước không chỉ chú trọng vào một mình Ả Rập Xê Út. Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Đông của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI Jean Loup Samaan nêu bật trường hợp cụ thể của một quốc gia nặng ký khác trong khu vực là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (Emirates), nguồn cung cấp dầu hỏa lớn thứ ba cho Trung Quốc chỉ sau có Ả Rập Xê Út và Nga. Trong chiều ngược lại, chỉ nội hải cảng Jebel Ali tại Dubai là nơi « 60 % xuất khẩu Trung Quốc vào châu Âu hay châu Phi phải đi qua. Hơn 6.000 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động và nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc mở địa bàn hoạt độngg tại Dubai » :
Jean Loup Samaan : « Trong 5 năm gần đây trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc với Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất đã gia tăng đáng kể và càng lúc càng đa dạng. Chẳng những thế, nhìn rộng ra hơn, Trung Quốc hiện diện nhiều hơn ở vùng Vịnh. Chẳng hạn như là trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới Thể kỷ 21, hay qua trung gian của tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Công ty Trung Quốc này triển khai trang thiết bị mạng 5G cho các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc còn tham gia kể cả vào những lĩnh vực nhậy cảm nhất. Trong giai đoạn khủng hoảng Covid, tại đây, Bắc Kinh đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các bộ xét nghiệp PCR và cung cấp vaxin. Sau cùng ngay cả về an ninh, quốc phòng, Trung Quốc đã đưa được vũ khí vào khu vực này. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất mua drones của Trung Quốc. Còn Qatar và Ả Rập Xê Út thì trang bị tên lửa đạn đạo của nhà cung cấp châu Á này. Rõ ràng là giờ đây Trung Quốc đã hiện diện ở khắp mọi hoạt động kinh tế trong vùng ».
Giao thương với Trung Quốc không chỉ khoanh vùng trong lĩnh vực năng lượng như từ trước tới nay. Bắc Kinh đã trở thành một đối tác then chốt đối với không riêng gì Abou Dhabi mà cả khối 6 nước thuộc Hội Đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Nhưng hiện diện trong lĩnh vực quân sự là điểm nhậy cảm vì từ trước đến nay về an ninh, các nước trong vùng vẫn dựa vào một điểm tựa chính là Hoa Kỳ.
Jean Loup Samaan : « Câu hỏi đặt ra là những quốc gia như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, chủ yếu nhập khẩu trang trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, liệu có thể cùng lúc mua vào vũ khí của Trung Quốc hay không ? Đây chính chính là điểm gây xích mích giữa Washington và Abou Dhabi từ hai năm nay. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất muốn sắm F-35 – chiến đấu cơ đời mới nhất của Mỹ nhưng hiện tại các vòng đàm phán đã bị đóng băng. Về phía Mỹ, thái độ ngờ vực này chủ yếu do sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. Washington không muốn rằng do có trọng lượng kinh tế quá lớn, Trung Quốc có thể gây sức ép với chính quyền Abou Dhabi, qua đó có thể khiến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất phải nhượng bộ hay phải tìm những giải pháp trung dung khi cần mua trang thiết bị quân sự. Những quyết định đó có khả năng tác động đến hoạt động, đến an ninh của lĩnh Mỹ đồn trú tại quốc gia vùng Vịnh này ».
Thiết bị quân sự : Trung Quốc đã lấn sang sân chơi của Mỹ
Theo các nguồn tin báo chí có khả năng đến tháng 2 năm tới Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất chính thức thông báo ý định mua 12 máy bay quân sự của Trung Quốc. Mùa xuân vừa qua Bắc Kinh đã ký hợp đồng cung cấp drone quân sự cho Riyad. Tại Washington chính quyền Biden không hài lòng với những quyết định nói trên từ phía các « đồng minh » ở Trung Đông.
Cụ thể hơn, Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng lá bài kinh tế để gây áp lực với các đối tác trong khu vực này để đạt được một số mục tiêu quân sự mà Bắc Kinh theo đuổi.
Jean Loup Samaan : « Có hai lĩnh vực đặc biệt khiến Hoa Kỳ lo ngại. Điểm thứ nhất là sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, điều mà đến nay Abou Dhabi luôn phủ nhận. Trước mắt từ năm ngoái Abou Dhabi và Bắc Kinh tạm hoãn lại các vòng đàm phán về dự án nói trên. Tuy nhiên viễn cảnh lính thủy Trung Quốc hiện hoạt động trên lãnh thổ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cùng với lính của Mỹ, của Pháp … vẫn tồn tại. Làm sao Hoa Kỳ có thể yên tâm triển khai các chiến dịch quân sự trong lúc lính Trung Quốc hiện diện sát ngay một bên ? Ở đây đặt ra vấn đề về nguy cơ tình báo liên quan đến nhân sự của các bên. Bên cạnh đó là yếu tố kỹ thuật : Hoa Vi triển khai các trang thiết bị viễn thông cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đặc biệt là cho mạng 5G. Mỹ coi đó là một mối đe dọa đối với các hoạt động trao đổi liên lạc trong tương lai. Washington đòi Abou Dhabi phải chọn một trong hai đối tác. Hệ thống viễn thông của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất do một tập đoàn có liên quan đến chính quyền Trung Quốc quản lý là điều Hoa Kỳ không thể chấp nhận – nhất là khi mà các hoạt động trao đổi thông tin trong nội bộ của quân đội Mỹ tại đây, hay với các giới chức ở Abou Dhabi phải đi qua các trang thiết bị của Hoa Vi. Đây chính là khía cạnh thứ nhì và cũng là một thí dụ rất cụ thể giải thích vì sao Mỹ lo ngại trước sự hiện diện của Trung Quốc tại quốc gia vùng Vịnh này ».
Như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, về mặt an ninh và quân sự thì họ vẫn trông cậy vào một nước lớn – đối với vùng Vịnh, đương nhiên là Hoa Kỳ. Nhưng để phát triển kinh tế thì các bên đều tin tưởng nhiều vào đầu tư Trung Quốc, vào trao đổi mậu dịch với quốc gia đông dân nhất địa cầu. Bài toán đó từng rất suông sẻ trong quá khứ nhưng trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang lao vào một cuộc đối đầu toàn diện (kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ cao…) liệu rằng chính sách đó có còn tính thời sự nữa hay không ?
Jean Loup Samaan : « Những hạn chế của chiến lược đó bắt đầu xuất hiện như đã thấy thời gian gần đây khi mà căng thẳng Mỹ-Trung Quốc gia tăng. Trong quá khứ đôi bên từng mở rộng hợp tác cho đến gần như là cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, không có gì ngăn cản khi mà một quốc gia bắt tay với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Washington và Bắc Kinh gần như trong thế ‘chiến tranh lạnh’ thì dường như mỗi bên phải chọn phe. Dưới chính quyền Trump trước đây hay Biden hiện tại, nước Mỹ đòi các đồng minh phải chọn phe và đây không đơn thuần là một sự lựa chọn về mặt chiến lược mà bao hàm luôn cả vế kinh tế – trong đó có các chương trình liên quan đến cơ sở hạ tầng. Tôi muốn nói đến trường hợp của các dự án về hệ thống 5G. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng như Liên Âu hay Anh Quốc đều phải chọn một giải pháp, mà đây không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một quyết định mang tính ngoại giao và chiến lược. Nhìn chung thì các bên rồi sẽ phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ».
Do vậy chiến lược « đông tiến » của nhiều quốc gia trong vùng Vịnh là cách để khẳng định một vị trí độc lập hơn với Washington và tránh để phải chọn phe trong bối cảnh Mỹ- Trung đối đầu ?
Jean Loup Saman : « Điều thú vị đối với thính giả của quý đài, là cần hiểu rằng tình hình hiện tại không chỉ chứng minh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Đây còn thể hiện quyết tâm của một số quốc gia như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Ả Rập Xê Út … muốn thoát khỏi ảnh hưởng của một đối tác lâu đời như là Hoa Kỳ. Trong một thời gian dài các nước trong vùng Vịnh sống trong quỹ đạo của Washington, lệ thuộc vào Mỹ về mặt an ninh. Thật ra thì tới nay khu vực này vẫn lệ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt an ninh, nhưng các quốc gia kể trên thực sự đang tìm cách đa dạng hóa các mối bang giao để không bị cột chặt vào một mình nước Mỹ.
Abou Dhabi trước đây từng tiếp đón trọng thể ông Tập Cận Bình. Lần này đến lượt Ả Rập Xê Út. Đây là cách để chứng minh với Mỹ rằng, các nước trong vùng Vịnh có nhiều khả năng chọn lựa và có một chính sách đối ngoại riêng, không để bị dồn vào thế phải chọn phe như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các quốc gia trong vùng Vịnh không muốn bị đẩy vào thế phải chọn giữa Washington hay Bắc Kinh và chung cuộc, thì số này tìm cách để trở thành những quốc gia không liên kết ».
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Đông đang tìm thế cân bằng trong bang giao giữa một bên là với Mỹ và bên kia là với Trung Quốc, tìm thế cân bằng giữa những lợi ích về kinh tế và an ninh. Nhưng cũng có thể hiểu rằng, qua việc thắt chặt bang giao với khối các nước Ả Rập và Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, bản thân Bắc Kinh cũng đang đi tìm một thế cân bằng, tránh để lệ thuộc quá nhiều vào Iran.
Năm 2021 Trung Quốc đã ký kết với chính quyền Teheran một thỏa thuận hợp tác chiến lược trong giai đoạn 25 năm. Chuyến công du Ả Rập Xê Út của ông Tập Cận Bình lần này diễn ra vào lúc chính quyền Teheran phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ hơn ba tháng qua. Nói cách khác, không chỉ tìm cách lấn sâu vào sân chơi của Mỹ tại Trung Đông, Bắc Kinh cũng đang đi tìm một thế cân bằng giữa những « cái thùng thuốc súng trong khu vực », giữa những quốc gia thù nghịch như Iran và Ả Rập Xê Út.