LHQ, các nhóm nhân quyền: Việt Nam hồi hương người tị nạn Rohingya là ‘phi nhân đạo’

13/12/2022

VOA Tiếng Việt

\"\"

Ảnh minh họa tàu vượt biên người Rohingya đến Indonesia (Courtesy: Pemkab Aceh Utara) Photo: CourtesyChia sẻ

Cơ quan giám sát người tị nạn của Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền gọi hành động của chính phủ Việt Nam khi trao trả hơn 150 người tị nạn Rohingya về cho chính quyền quân quản Myanmar là vi phạm nguyên tắc của LHQ và là hành động “phi nhân đạo”.

Hôm 13/12, một quan chức của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) ở Thái Lan cho VOA biết qua email.

“OHCHR chủ trương phản đối việc đưa người Rohingya trở lại Myanmar vì họ có thể phải đối mặt với việc bị truy tố bởi các tòa án quân sự bí mật không độc lập cũng như không thể đảm bảo tôn trọng quyền được xét xử công bằng”, ông Daniele Rumolo, Quan chức Nhân quyền của OHCHR, nêu ra quan điểm.

OHCHR chủ trương phản đối việc đưa người Rohingya trở lại Myanmar vì họ có thể phải đối mặt với việc bị truy tố bởi các tòa án quân sự bí mật không độc lập cũng như không thể đảm bảo tôn trọng quyền được xét xử công bằng.

Từ Đức, ông Nay San Lwin, đồng sáng lập Liên minh Rohingya Tự do (Free Rohingya Coalition – FRC), nêu nhận định với VOA ngay sau khi truyền thông Việt Nam loan tin rằng một tàu dịch vụ dầu khí của công ty Haduco đã cứu và bàn giao 154 người trên một con tàu sắp chìm ở Vịnh Thái Lan cho nhà chức trách quân sự Myanmar hôm 8/12.

“Con thuyền chở gần 160 người Rohingya đã lênh đênh trên lãnh thổ Thái Lan trong nhiều ngày. Chúng tôi đã vận động để giải cứu họ nhưng chắc chắn là hải quân Thái Lan ở gần con thuyền đó nhưng họ không cứu, thậm chí họ không cho thức ăn trong khi những người trên thuyền đang chết đói”.

“Cuối cùng, chúng tôi được biết rằng tàu của công ty Haduco đã cứu họ. Tuy chúng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ này, song chúng tôi rất quan ngại về số phận của 154 nạn nhân người Rohingya. Việc trao trả họ cho chế độ khét tiếng là vô nhân đạo”.

Chúng tôi rất quan ngại về số phận của 154 nạn nhân người Rohingya. Việc trao trả họ cho chế độ khét tiếng là vô nhân đạo.

Ông Nay San Lwin, đồng sáng lập Liên minh Rohingya Tự do.

FRC là một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà hoạt động vì người Rohingya và bạn bè của người Rohingya, những người có chung mối quan tâm về nạn diệt chủng đang diễn ra ở Myanmar và nhu cầu của những người Rohingya sống sót đóng vai trò tích cực trong tìm kiếm một tương lai khả thi cho nhóm của họ.

Ông Lwin cho biết thêm: “Thế giới biết rằng chính chế độ đó đã phạm tội diệt chủng quốc tế nghiêm trọng đối với người Rohingya. Cuộc diệt chủng đó vẫn đang tiếp diễn”.

Từ Hoa Kỳ, bà Wai Wai Nu, Giám đốc Mạng lưới Hòa bình của Phụ nữ (Women’s Peace Network- WPN) – một tổ chức thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa người Rohingya và người Rakhine ở miền tây Myanmar, nêu nhận định với VOA:

“Công ty [Hudaco] và chính quyền Việt Nam hoàn toàn vô trách nhiệm khi trao những người tị nạn này cho quân đội [Myanmar], quân đội này chính là tổ chức đã thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Rohingya và gây nên tình trạng này ở Myanmar, đó chính là lý do khiến những người tị nạn ra đi, đó là lý do hàng đầu tại sao những người này phải rời bỏ quê hương”.

“Và việc làm đó – giao nộp người tị nạn về lại cho thủ phạm – là hoàn toàn vô trách nhiệm và thật đáng thất vọng!”.

Ông Lwin cho rằng 154 người Rohingya này nên được cho tạm trú và nên bàn giao họ cho cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc.

Ông nói:

“Đó sẽ là cách tốt nhất để cứu mạng họ, nhưng bây giờ họ đang ở trong tay của những kẻ giết người. Chúng tôi không biết liệu rồi chính quyền quân sự sẽ bỏ tù hay giết họ nữa”.

Bà Nu cho rằng chính phủ Việt Nam nên giải cứu những người này và cung cấp các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ ngay lập tức cho họ, đồng thời Việt Nam nên làm việc cùng với Cao uỷ Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) và các tổ chức, quốc gia khác của Liên Hiệp Quốc để tái định cư hoặc để đảm bảo các hình thức bảo vệ khác, nhờ đó, họ có thể tiếp tục sống an toàn và họ không phải quay trở lại Myanmar.

Bà Nu bày tỏ sự thất vọng vì chính quyền Việt Nam đã giao nộp những người tị nạn này cho chính quyền quân quản Myanmar:

Chính quyền Việt Nam trao những người tị nạn này cho thủ phạm là không thể chấp nhận được. Thật là sốc, thật là thất vọng!

Bà Wai Wai Nu, Giám đốc Mạng lưới Hòa bình của Phụ nữ.

“Thật xấu xa khi họ trao những người tị nạn này cho quân đội, những kẻ gây ra tội ác diệt chủng chống lại họ”.

“Thật sốc khi họ làm điều này giữa bạo lực và tàn ác ở Myanmar và những người này đang chạy trốn bạo lực, tàn bạo và diệt chủng ở Myanamr và chính quyền Việt Nam trao những người tị nạn này cho thủ phạm là không thể chấp nhận được. Thật là sốc, thật là thất vọng!”

Các nhóm nhân quyền cho rằng việc chính quyền Việt Nam đưa những người tị nạn trở về Myanmar đã vi phạm nguyên tắc “không từ chối” hay còn gọi là “non-refoulment” của công ước LHQ về người tị nạn mà Việt Nam là một quốc gia thành viên đã ký kết.

Bà Nu nói:

“Đây cũng là hành vi vi phạm các nguyên tắc “không từ chối”, mà không quốc gia, không chính phủ nào hoặc không một ai nên chấp nhận một hành động như vậy và các chính phủ ASEAN nên có trách nhiệm hơn, bảo vệ người tị nạn và đề cao trách nhiệm bảo vệ người tị nạn, người xin tị nạn và các thuyền nhân”.

VOA cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết ý kiến về các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.

Điều 33 Công ước Tị nạn 1951 của LHQ quy định rằng không một quốc gia nào tham gia Công ước được trục xuất hoặc bắt người tị nạn hồi hương bằng bất kỳ hình thức nào đến biên giới thuộc những lãnh thổ nơi mà cuộc sống hay sự tự do của người ấy bị đe doạ vì các lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay vì lý do là thành viên của các nhóm xã hội nhất định, hay bởi quan điểm chính trị của họ.

Giới chính trị gia, giới vận động và truyền thông quốc tế đồng thanh lên án hành động này của Hà Nội.

Ông Abdul Basit, cựu đại sứ Pakistan, viết trên Twitter hôm 12/12, đăng kèm đoạn video các thuyền nhân: “Đây là những người Hồi giáo Rohingya đang bị Việt Nam trục xuất trở lại Myanmar và chúng ta ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra với họ. Lương tâm thế giới đang ở đâu?”.

Trang Mary Scully có trụ sở ở Texas, Hoa Kỳ, hôm 13/12 nêu nhận định trên Facebook và Twitter: “Dĩ nhiên là tàu Việt Nam trao trả những người Rohingya đang chạy trốn trở lại vào tay của chính quyền sát nhân. Bởi vì tàu này cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động khai thác mỏ dầu khí của Myanmar là một vận may tài chính đối với chính phủ Việt Nam & họ sẽ không đánh mất đi cái lợi đó chỉ vì quyền của 154 người tị nạn tuyệt vọng đang chạy trốn khỏi chế độ diệt chủng”.

Trang này cho rằng cần phải xem xét yếu tố sinh lợi của các quốc gia có tham gia vào các dự án khai thác mỏ dầu và khí đốt tự nhiên ngoài khơi của Myanmar.

Đài truyền hình VTC của Việt Nam hôm 8/12 cho biết con tàu của công ty Cổ phần Hàng hải Dầu khí Hải Dương (HADUCO) đang trên hành trình kéo giàn khoan dầu khí từ Singapore đến Myanmar thì phát hiện ra con tàu chở đoàn người bị nạn này và sau đó phía Việt Nam đã bàn giao 154 người này cho Hải quân Myanmar.

Quân đội Myanmar từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc về sự tàn bạo lan rộng, theo Reuters. Quân đội Myanmar cho biết các binh sĩ của họ đang thực hiện “một chiến dịch hợp pháp” chống lại quân nổi dậy, những người mà quân đội nước này nói đã tấn công vào các đồn cảnh sát.

Chính phủ Việt Nam duy trì mối quan hệ mật thiết với chính quyền quân quản Myanmar, nơi các công ty của quân đội hai nước thiết lập các cơ sở kinh doanh tại đất nước có diễn biến chính trị phức tạp từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.

Theo số liệu của LHQ, hơn 70 ngàn người đã chạy khỏi Myanmar và hơn 1 triệu người phải tản cư kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra. Con số này chưa kể hơn 1 triệu người Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh.

Như VOA đã loan tin, hôm 7/12, tàu Hai Duong 29 và Hai Duong 38 của Haduco đã “cứu” 154 người Rohingya gặp nạn tại khu vực biển Andaman, ngoài khơi Myanmar, và trao trả cho Hải quân Myanmar, làm dấy lên quan ngại về số phận của những người tị nạn này.

Mỗi năm, nhiều người Rohingya – thành viên của một nhóm thiểu số Hồi giáo – đánh đổi mạng sống khi vượt biên trên những con tàu ọp ẹp để thoát khỏi bạo lực ở Myanmar và tình trạng nghèo khổ trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Nhiều người cố gắng vượt biển đến Malaysia và Indonesia, theo Reuters.

Reuters dẫn lời bà Chris Lewa, Giám đốc nhóm nhân quyền Arakan Project, thuật lại lời thân nhân đi trên con tàu này cho biết con tàu rời Bangladesh vào cuối tháng 11 và bắt đầu bị rò rỉ khi nó ở ngoài khơi bờ biển Ranong, miền nam Thái Lan.

“(Họ) gần như cạn kiệt thức ăn và nước uống trên thuyền”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng những người đàn ông đang cố gắng tát nước ra khỏi tàu một cách tuyệt vọng.

Bà cho biết những người trên tàu nói rằng họ đã nhìn thấy một chiếc thuyền hải quân Thái Lan nhưng điều đó không giúp được gì.

Ông Siyeed Alam, một nhà hoạt động người Rohingya ở Thái Lan, người cho Reuters biết ông đã nói chuyện với thân nhân của những người trên tàu, nói rằng một số thuyền nhân đã chết.

\"Cao
Cao ủy LHQ về Người Tị nạn Volker Turk phát biểu tại Geneva, ngày 2/11/2022.

Hôm 26/10, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk kêu gọi tạm dừng bất kỳ hành vi cưỡng bức nào đưa người tị nạn và người di cư trở lại Myanmar, do cuộc khủng hoảng nhân quyền nghiêm trọng ở nước này.

“Với mức độ bạo lực và bất ổn gia tăng, cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế Myanmar và các hệ thống bảo trợ xã hội, đơn giản đây không phải là lúc để đưa bất kỳ ai trở lại Myanmar”, ông Türk nói. “Đây là trường hợp đặc biệt đối với bất kỳ ai có mối quan tâm đặc biệt về việc bảo vệ, chẳng hạn như các nhà hoạt động chính trị hoặc quân nhân đào ngũ, những người có nguy cơ nghiêm trọng khi trở về”.

Với mức độ bạo lực và bất ổn gia tăng, cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế Myanmar và các hệ thống bảo trợ xã hội, đơn giản đây không phải là lúc để đưa bất kỳ ai trở lại Myanmar.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk.

Theo luật quốc tế, các nguyên tắc “không từ chối” là các quy định cấm đưa người trở lại một quốc gia nơi họ thực sự có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng khi trở về, bao gồm ngược đãi, tra tấn, hoặc các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác.

Chính quyền Việt Nam trước đây cũng đã trục xuất người tị nạn và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Hồi tháng trước, Việt Nam cũng đã trao trả hơn 300 người tị nạn Sri Lanka về nước cho dù họ kêu nài được cấp quy chế tị nạn.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngày 8/11 đã “cứu” được 303 người bị nghi là di cư bất hợp pháp từ Sri Lanka, trong đó có nhiều trẻ em, đang gặp nguy hiểm, trôi dạt trên vùng biển của Việt Nam, ngoài khơi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khi tàu của họ bị hỏng máy.

Hơn 300 người Sri Lanka tị nạn này cầu xin Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đừng trả họ về Sri Lanka và thay vào đó hãy tái định cư họ ở một nước thứ ba, với tư cách là người tị nạn.

Theo trang BBC Tamil, trước bối cảnh những người tị nạn nói rằng họ không thể quay lại Sri Lanka, chính quyền Việt Nam lại cố gắng trục xuất họ trở lại Sri Lanka và những người tị nạn đồng hương của họ cho biết họ thậm chí muốn tự tử trước quyết định hồi hương của Hà Nội.

Bài Liên Quan

Leave a Comment