Đăng ngày: 14/12/2022
Ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu và Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á – ASEAN họp thượng đỉnh tại Bruxelles, đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hội Đồng Châu Âu đánh giá đây là dịp tái khẳng định sự gắn bó của Liên Âu và các nước thành viên đối với thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược giữa hai khối.
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, đồng chủ trì và tập trung vào 5 chủ đề lớn : những dự án đã thực hiện và kế hoạch tương lai trong hợp tác đối tác chiến lược EU-ASEAN, trao đổi thương mại, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, những thách thức trên thế giới và kế hoạch hành động của hai bên cho giai đoạn 2023-2027.
Theo trang web của Hội Đồng Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN trở thành đối tác chiến lược từ năm 2020. Hai bên ưu tiên những lĩnh vực hợp tác như kết nối, chuyển đổi năng lượng sạch, trao đổi thương mại, chuyển đổi số. Về thương mại, ASEAN là đối tác lớn thứ ba của Liên Hiệp Châu Âu, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Còn Liên Hiệp châu Âu là nhà đầu trực tiếp nước ngoài thứ hai tại ASEAN trong năm 2021.
Liên quan đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bruxelles nhấn mạnh đến chiến lược được công bố năm 2021 là tập trung góp phần cho ổn đinh, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững ở trong vùng, trong đó ASEAN giữ “vai trò trung tâm”. Hai bên tiếp tục ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền quốc gia, mọi thách thức phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Trả lời RFI ngày 14/12, nhà nghiên cứu Sophie Boisseau-Durocher đánh giá cuộc họp thượng đỉnh lần này cũng nhằm mục đích kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng lớn, cũng như chính sách bành trướng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương :
“Châu Âu từng là một đối tác quan trọng trong sự phát triển của ASEAN. Liên Hiệp Châu Âu là tác nhân quốc tế đầu tiên công nhận ASEAN với tư cách là một hiệp hội cấp vùng vào năm 1972 và đã ký một thỏa thuận hợp tác vào năm 1981. Nhưng châu Âu cũng muốn tham gia nhiều hơn trong tương lai, trong bối cảnh phức tạp giữa một bên là sự can thiệp mạnh mẽ của Trung Quốc vào chuyện nội bộ Đông Nam Á và bên kia là những hệ quả rõ ràng từ sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở trong vùng và cuối cùng là những thách thức của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà châu Âu có cả một kế hoạch rất rõ ràng.
Vì thế, những điểm đồng nhất về chính trị, kinh tế, ngoại giao giữa Đông Nam Á và Liên Hiệp Châu Âu có lẽ được khai thác để giúp ASEAN thoát khỏi sự kìm kẹp Mỹ-Trung ngày càng đè nặng đối với hiệp hội”.
Hội Đồng Châu Âu cho biết hai bên sẽ ra thông cáo chung. Theo Reuters, Liên Hiệp Châu Âu tìm cách đưa những lời lẽ cứng rắn về Nga tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên này. Ngược lại, báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết là vấn đề Đài Loan và nguyên tắc “một nước Trung Hoa duy nhất” dường như bị loại khỏi dự thảo tuyên bố chung.