Chỉ vài tiếng trước giờ khai mạc triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022 vào ngày 9/12/2022, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu hủy bỏ sự kiện cho dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Các bức ảnh đoạt giải đã được treo tại phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm một ngày trước đó.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 13/12, ông Andrew Davies, giám đốc truyền thông của World Press Photo Foundation cho hay giới chức Hà Nội rút giấy phép vì cho rằng triển lãm vi phạm điều 5.3 và 5.5 của Nghị định 72/2016/NĐ-CP về Nhiếp ảnh.
Theo hai điều luật này này thì các tác phẩm triển lãm \”không được kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hằn giữa các dân tộc, giữa nhân dân các nước; không tuyên truyền phản động\”, và \”không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự công cộng; không tuyên truyền bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội xâm hại sức khỏe con người, hủy hoại môi trường sinh thái và các hành vi vi phạm pháp luật khác\”.
Nhưng ông Davies nói rằng ban tổ chức triển lãm không được giới chức cho biết những bức ảnh và câu chuyện nào đã vi phạm.
\”Chúng tôi chỉ có thể đoán,” ông Davies nói với BBC.
\’Đoán\’ lý do kiểm duyệt
Đây lẽ ra đã lần thứ năm sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam.
\’Đoán\’ lý do bị kiểm duyệt, ông Davies nói: “Năm nay, chúng tôi tổ chức mô hình cuộc thi mới, với các giám khảo từ các khu vực nhằm lựa chọn ra những bức ảnh mang tính đại diện toàn cầu hơn. Có thể một số bức ảnh và câu chuyện trong số này mang lại cảm giác thân thuộc với cả công chúng và chính quyền”.
“Có thể số tác phẩm về các cuộc biểu tình và bất ổn trong năm nay nhiều hơn so với triển lãm năm 2021.\”
Năm ngoái, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu các nhà tổ chức triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2021 phải loại bỏ một bức ảnh về biểu tình vào phút chót.
Bức ảnh này sau đó đã được trưng bày trong khuôn viên Đại sứ Hà Lan tại Hà Nội.
Trong thông cáo báo chí của tổ chức Tổ chức Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo Foundation) có trụ sở tại Hà Lan, giám đốc điều hành Joumana El Zein Khoury phát biểu: “Thật đáng thất vọng khi sau bốn năm cho phép tổ chức triển lãm thường niên của chúng tôi tại Hà Nội, chính quyền lại quyết định chặn sự kiện vào ngày khai mạc năm nay.”
“Mắt thấy những câu chuyện quan trọng từ khắp nơi trên thế giới giúp chúng ta hiểu nhau hơn. Thật đáng xấu hổ khi một số nhà chức trách ở Việt Nam không nhìn thấy lợi ích đó”, bà Khoury phê phán.
Phóng viên của BBC đã gọi đến UBND quận Hoàn Kiếm nhiều lần để hỏi thêm thông tin, nhưng cho đến nay vẫn chưa liên hệ được.
Truyền thông Việt Nam không đưa tin về sự kiện này.
Kiểm duyệt giờ chót
Nhiều sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài thời gian gần đây đã bị chính quyền Việt Nam yêu cầu hủy vào phút chót.
Tháng trước, liveshow Chế Linh phút chót bị hủy do không được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch cấp phép khiến hàng ngàn khán giả đi xem tại nhà hát Hòa Bình, TP. HCM ngỡ ngàng vì phải xếp hàng đổi lại tiền vé.
Trước đó không lâu, một số đêm nhạc nằm trong chuỗi chương trình chia tay khán giả của Khánh Ly dự định diễn ra tại nhiều tỉnh thành cũng bị yêu cầu hủy vào đúng ngày diễn, khi vé đã bán hết, với nhiều lý do, trong đó có \’cắt điện để kiểm tra an toàn\’.
Gần bốn năm trước, đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng cũng bị hủy trước khi mở màn vừa đúng hai giờ vì \”lý do đặc biệt\” được cho là có \”quốc tang\”.
\’Ưu tiên hàng đầu là cam kết tự do báo chí\’
Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, đơn vị tổ chức của sự kiện cho đến nay vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể từ chính quyền Việt Nam về việc triển lãm có được tiếp tục diễn ra hay không.
“Chúng tôi đang trao đổi với một số nhà chức trách về khả năng trưng bày toàn bộ triển lãm năm nay trong không gian của đại sứ quán”, Tổ chức Ảnh báo chí thế giới ra thông cáo.
Tổ chức này cũng chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top 10 cuối bảng về Chỉ số tự do báo chí thế giới 2022, với vị trí 174/180 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam cũng là nơi giam giữ các nhà báo lớn thứ ba trên thế giới.
Trong khi đó, ông Davies nói với BBC News Tiếng Việt: “Ủng hộ quyền tự do báo chí và đánh giá cao chất lượng báo chí và nhiếp ảnh tài liệu là cốt lõi trong sứ mệnh của chúng tôi.”
“Chúng tôi luôn hân hạnh được mang những câu chuyện quan trọng từ khắp nơi trên thế giới đến với người dân Việt Nam. Và chúng tôi hy vọng sẽ mang triển lãm thường niên của chúng tôi trở lại Việt Nam trong những năm tới”.
Ảnh báo chí thế giới là cuộc thi hàng đầu thế giới dành cho các nhiếp ảnh gia báo chí chuyên nghiệp, phóng viên ảnh và nhiếp ảnh gia tài liệu.
Kể từ năm 1955, cuộc thi Ảnh báo chí thế giới hằng năm đã trao giải cho nhiều bức ảnh báo chí có ý nghĩa nhất thế giới.
Nhiếp ảnh gia Nick Ut đã giành giải Ảnh báo chí thế giới của năm với bức ảnh Em bé Napalm Phan Thị Kim Phúc vào năm 1973.
Trước đó, vào năm 1968, nhiếp ảnh gia Eddie Adams đoạt giải nhất với bức ảnh về vụ sát hại Nguyễn Văn Lem ở Sài Gòn.
Triển lãm năm nay bao gồm những tác phẩm từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanmar và Indonesia. Không có tác phẩm nào của Việt Nam đạt giải trong năm nay.
Những tác phẩm chiến thắng đã được lựa chọn bởi một hội đồng giám khảo độc lập sau khi xem xét hơn 64.820 bức ảnh được chụp bởi 4.066 nhiếp ảnh gia từ 130 quốc gia.
Xem thêm: Một số tác phẩm đoạt giải trong triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022