Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam: Tin Lành, Cao Đài, Thiền Am

15 tháng 12 2022

Hải Di Nguyễn

BBC News Tiếng Việt

\"Ông
Chụp lại hình ảnh,Ông Lê Tùng Vân cùng một số thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ

Như BBC News Tiếng Việt đã đưa tin, ngày 2/12, Mỹ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List) về vấn đề tự do tôn giáo, cùng với Algeria, Cộng hòa Trung Phi, và Comoros.

Đây là mức độ nghiêm trọng thứ hai sau ‘Danh sách Quan ngại Đặc biệt’ (Countries of Particular Concern).

BBC News Tiếng Việt gần đây cũng có trò chuyện về quyết định này với ba người từ ba tôn giáo khác nhau ở Việt Nam: mục sư Nguyễn Mạnh Hùng của đạo Tin Lành, chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai của đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926, và bà Tanya Nguyễn-Đỗ, đại diện cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (thường biết đến với tên gọi trước đây là Tịnh Thất Bồng Lai).

Việc Việt Nam bị đưa vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, hiện cư ngụ ở Sài Gòn, nói với BBC Việt ngữ ngày 7/12.

“Là một chức sắc Tin lành, tôi rất vui mừng khi nghe tin và hy vọng lần này Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo sẽ kèm theo các chế tài cứng rắn hơn để nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện về quyền tự do tôn giáo của công dân.”

Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai, hiện ở Vĩnh Long, nói ngày 14/12 “tiếng nói của các nạn nhân ở nhiều diễn đàn quốc tế đã góp phần không nhỏ cho quyết định này của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, điển hình như mới đây tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế ở thủ đô Hoa Kỳ hồi cuối tháng Sáu vừa qua”.

“Tiếp đó là Hội nghị Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á lần tám tại Bali, Indonesia vào đầu tháng 11 và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo đã trình bày vấn nạn đàn áp tôn giáo cho các giới chức liên quan đến tự do tôn giáo quốc tế.”

Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới Khoản 1, Điều 6 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo về “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.”

Mục sư nói “Cụm từ “quyền tự do” được hiểu là quyền đương nhiên, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào, không phải đăng ký, không phải xin phép.

\”Tuy nhiên khi áp dụng luật vào cuộc sống, nhà cầm quyền Việt Nam không vận dụng luật, mà vận dụng các văn bản dưới luật suy diễn theo ý chí của họ, buộc các tổ chức tôn giáo phải xin phép, chỉ được hoạt động trong khuôn khổ họ cho phép và chịu sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, là cánh tay nối dài của đảng cộng sản.”

Bà Nguyễn Xuân Mai nói: “Vấn đề chính về tôn giáo ở Việt Nam là chính phủ Việt Nam chỉ công nhận những tôn giáo nào đăng ký sinh hoạt tôn giáo, tức là cấp pháp nhân cho tôn giáo đó. Còn những tôn giáo không đăng ký sinh hoạt tôn giáo thì không được tự do sinh hoạt tôn giáo của mình.\”

“Ví dụ như Cao Đài 1926, mỗi lần chúng tôi đi thờ phượng cúng bái Đức Thượng Đế hoặc hành lễ cầu siêu đều bị chính quyền địa phương kết hợp với Cao Đài 1997 sách nhiễu, đàn áp và đánh đập, ngăn cản không cho hành lễ.”

Cao Đài Chơn Truyền 1926

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Nguyễn Xuân Mai và các tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 làm lễ

Theo bà Nguyễn Xuân Mai, “Đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 là do Đức Thượng Đế khai mở tại miền đông Việt Nam, tức tại Tây Ninh, Việt Nam. Để phổ độ chúng sanh vào thời kỳ thứ 3 nên gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với thông điệp là “Công Bình và Bát Ái”.

“Nhưng hiện nay, chính quyền Việt Nam đã dựng lên một đạo Cao Đài giả, tức là Cao Đài 1997 đang dùng quyền lực chiếm giữ cơ ngơi của đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 là Tòa Thánh Tây Ninh và 300 thánh thất các địa phương tại ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam và đã được nhà nước công nhận là một chi phái Cao Đài.”

Bà cho biết: “Từ năm 1978 đến nay, đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 không được nhà nước công nhận vì không được đăng ký sinh hoạt tự do tôn giáo và tín đồ Cao Đài mỗi khi đi hành lễ đều bị chính quyền và công an địa phương phối hợp cùng chi phái 1997 ngăn cản, sách nhiễu, đàn áp, không cho thờ cúng.\”

“Điển hình như tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 mỗi lần sinh hoạt tôn giáo đều bị ngăn cản và đánh đập và Chức việc Bàn trị sự địa phương lúc nào cũng bị công an địa phương đến nhà hằng ngày để sách nhiễu, không cho lao động sinh hoạt tôn giáo.\”

“Thứ hai là ở Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, công an liên tục gửi thư mời, hù dọa và bắt ép tín đồ phải theo chi phái 1997, không cho tự do thờ cúng tại tư gia.”

Thiền Am (hay Tịnh Thất Bồng Lai)

Trả lời BBC Việt ngữ ngày 11/12, bà Tanya Nguyễn-Đỗ, hiện sống tại Florida, Hoa Kỳ nói mình dạy tiếng Anh và giúp Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ dịch một số đoạn phim ngắn sang tiếng Anh.

Tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á (The Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, viết tắt SEAFORB) tại Bali, bà là người đại diện cho Thiền Am, thường được biết đến với tên gọi trước đây là Tịnh Thất Bồng Lai.

Bà trích lời một luật sư giấu tên của Thiền Am: “Thiền Am thờ Phật, nhưng họ không nhận là Phật giáo theo nghĩa là thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ thực hành theo giáo lý và triết lý của Đạo Phật theo cách riêng của họ, nhưng chưa có tên gọi riêng.”

Bà Tanya Nguyễn-Đỗ cũng nói: “Quê hương của cụ Lê Tùng Vân là Tân Châu-An Giang, cũng là trái tim của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một trong những phái của nhân gian Phật Giáo.”

Ông Lê Tùng Vân từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương.

Quan trọng hơn, Thiền Am là một gia đình tu tại gia, không tự xưng là chùa, và ông Lê Tùng Vân dùng danh xưng “Thầy ông nội”.

Theo bà, chỉ vì Thiền Am từ chối gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, họ bị truyền thông tấn công và cáo buộc loạn luân dù điều đó chưa được chứng minh, và ông Lê Tùng Vân bị án tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bà nói thêm “Tôi cũng rất lo lắng về tâm lý đường dài của mười trẻ em vô tội”.

Hội thánh Chuồng Bò

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, hiện quản nhiệm Hội thánh Tin Lành ở Bình Tân, nói: “Vào thập niên 90 thế kỷ trước, Mục sư Dương Kim Khải lập ra hội thánh Tin lành độc lập nhóm tại gia có khoảng 100 tín đồ tại phường 26, quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Sau đó được Giáo hội Mennonite hỗ trợ mở 5 lớp học tình thương từ lớp 1 đến lớp 5 cho khoảng 100 trẻ em nghèo khó không có điều kiện đến trường nhà nước học.\”

“Việc làm này không được nhà nước chấp nhận nên điểm nhóm bị cưỡng chế giải tỏa mà không bồi thường hỗ trợ, không bố trí tái định cư. Từ đó hội thánh không có nơi để nhóm lại thờ phượng Chúa.”

Tuy nhiên, mục sư giải thích, hội thánh không thuộc Giáo hội Mennonite.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tạ ơn Chúa đã cảm động một người ngoại đạo có chuồng nuôi bò sữa ở phường 28, quận Bình Thạnh bán đàn bò, cho hội thánh mượn cái chuồng bò để làm nơi nhóm lại thờ Phượng Chúa. Từ đó, hội thánh có tên gọi là Hội thánh Chuồng Bò.”

Theo lời kể của mục sư, mỗi Chủ nhật “hội thánh thờ phượng Chúa bên trong thì bên ngoài có gần chục an ninh mặc thường phục canh gác và theo dõi” và bị chính quyền sở tại gây áp lực, không thể tiếp tục mượn chuồng bò.

Hội thánh tiếp tục bị khó khăn khi thuê nhà ở nhiều nơi khác, sau đó chuyển đến một địa chỉ ở Bình Tân thì “chủ nhà là một tín đồ của hội thánh họ mới để cho chúng tôi thờ phượng Chúa, nhưng hàng tuần vẫn có an ninh theo dõi bên ngoài.”

Báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021 về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đoạn:

“Một số nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt người đại diện các nhóm không yêu cầu hoặc không nhận được sự công nhận hoặc chứng nhận đăng ký chính thức, đã báo cáo nhiều hình thức sách nhiễu khác nhau từ nhà nước, bao gồm hành hung, giam giữ, truy tố, giám sát, và từ chối hoặc không phản hồi với yêu cầu đăng ký hoặc các quyền khác.

\”Một số tổ chức xã hội dân sự cho biết đã có những đàn áp nghiêm trọng với thành viên các nhóm chưa đăng ký, đặc biệt ở Tây Nguyên. Các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo cho biết chính quyền địa phương phê duyệt các đơn đăng ký dựa theo quan điểm chính trị nhiều hơn giáo lý tôn giáo.”

Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là thiếu khách quan.

\”Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.\”

Bài Liên Quan

Leave a Comment