Vụ Ngân hàng SCB, có ai nghĩ tới các nạn nhân?

2 giờ trước

Nguyễn Lễ

Gửi BBC News Tiếng Việt từ Washington DC, Hoa Kỳ

\"Ngân

Vụ trái phiếu SCB vẫn đang gây ra phẫn uất trong người dân ở Việt Nam. Nếu tôi nói ‘trái phiếu SCB’ mà bạn bảo nghe có gì đó sai sai thì tôi xin khẳng định: Đúng là tôi nói về trái phiếu SCB.

Không phải mình tôi nói đâu. Thử hỏi những người đã mua trái phiếu ở SCB, có ai gọi ‘trái phiếu An Đông’ không? Có ai đến công ty An Đông đòi tiền không? Và họ cũng không lầm đâu.

Đơn giản là vì vào cái ngày họ đi ‘mua trái phiếu’, họ không đi đến công ty An Đông, mà họ cũng không biết có Công ty đầu tư An Đông gì đó. Họ cũng không tìm đến Công ty Chứng khoán Tân Việt, bởi nhiều người trong số họ có biết chứng khoán, trái phiếu là gì đâu?

Họ tìm đến SCB. Họ đến ngân hàng là để gửi tiết kiệm. Họ không tìm đến ngân hàng để mua trái phiếu. Làm sao họ biết ngân hàng có bán trái phiếu mà mua?

Họ đến SCB gửi tiết kiệm, nhưng ra về lại là mua trái phiếu. Họ mua trái phiếu ở trong nhà SCB, mua từ người SCB, đưa tiền cho SCB và được SCB giới thiệu trái phiếu như là một gói sản phẩm của SCB có tên ‘tiết kiệm linh hoạt’. Từ đầu đến cuối họ chỉ biết SCB chứ có biết An Đông gì đâu?

Vậy mà đùng một cái xảy ra chuyện thì SCB bán cái qua An Đông, còn bản thân SCB phủi tay, nói họ chỉ là môi giới bán giùm. Có chuyện gì thì quý vị cứ kiếm An Đông mà hỏi.

Đầu tư trở thành nạn nhân

Câu chuyện tôi muốn nói là về ‘các nạn nhân đáng thương’ dù chắc nhiều người không đồng ý.

Họ là nhà đầu tư. Họ có bạc tỷ mua trái phiếu thì họ giàu có chứ nghèo khổ gì?Họ hám lợi tham lời thì họ chịu. Hơn nữa, khi lời thì họ hưởng, giờ ‘sụp hầm’ thì chịu chứ kêu ai?

Hãy nhìn những người dân khắp cả nước xuống đường, trương biểu ngữ đòi tiền, kêu cứu hay đến các chi nhánh SCB ăn dầm nằm dề, ròng rã từ tuần này sang tuần khác. Họ còn công ăn chuyện làm phải lo, còn gia đình, còn người thân phải chăm sócnữa. Điều gì khiến họ phải khổ sở như vậy?

Nếu quả thực họ là nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu thì họ có uất ức vậy không? Nếu là nhà đầu tư thì họ biết lỗ lã là chuyện bình thường, đầu tư sai thì họ chịu. Đằng này, họ không biết gì về trái phiếu bỗng dưng thành nạn nhân trái phiếu. Họ là nhà đầu tư từ trên trời rơi xuống.

Đúng là họ có tiền để mua trái phiếu thì họ không nghèo. Nhưng họ cũng không giàu. Bao nhiêu người giàu đem tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn để ăn lời vài phần trăm? Nếu họ giàu sụ thì họ có so đo thêm 1% lãi suất không?

Đó là đồng tiền họ cực khổ làm ra, họ dành dụm, chắt bóp nên họ muốn gửi tiết kiệm ở ngân hàng cho an toàn, và đương nhiên khi gửi thì chọn chỗ có lời nhỉnh hơn, dù chỉ 1%, mà gửi vào để mong thêm được đồng nào hay đồng nấy để cuộc sống thoải mái hơn một chút. Nói họ tham cũng không thỏa đáng. Tham chi chỉ thêm có 1% tiền lời? Nói công bằng, họ là nạn nhân của sự lừa đảo chứ không phải thủ phạm của lòng tham.

Tôi nghe gia đình bạn bè từ Sài Gòn kể về cảnh những người bỏ tiền vào An Đông-SCB giờ đây bao nhiêu tiền bạc, của cải bỗng chốc mất hết khi Tết nhất gần kề.

Tôi có nghe nhiều hoàn cảnh của các nạn nhân. Đó có thể là số tiền họ dành dụm dành cho những lúc ngặt. Giờ rủi trong nhà có người bệnh nặng hoặc có việc cần kíp thì lấy tiền đâu trang trải?

Đó là chưa kể gia đình lục đục, bất hòa, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em chì chiết, cắn đắng nhau hay thậm chí từ mặt nhau vì đó là số tiền sống còn của gia đình “bay hơi” nên nhà lâm vào cảnh lao đao khốn đốn.

Hậu quả to lớn vì niềm tin tan vỡ

Nhìn rộng ra, vụ trái phiếu SCB đổ bể vào lúc tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đang manh nha những mầm mống khủng hoảng, nếu không xử lý thỏa đáng thì nó sẽ bồi thêm một cú vào nền kinh tế đang ốm yếu và thổi bùng ngọn lửa bất ổn xã hội.

Nhà máy thiếu đơn hàng, công nhân thất nghiệp tràn lan, bất động sản kiệt quệ vì kẹt vốn, nợ trái phiếu của các doanh nghiệp dồn cục. Nếu cộng thêm nguồn vốn huy động trong dân bế tắcthì kinh tế Việt Nam sốc toàn tập.

Ngân hàng là định chế được xây dựng trên lòng tin. Nếu lòng tin không còn thì ngân hàng sập.

Một người làm sai, cả hệ thống bị vạ lây. Giờ nghe đến trái phiếu doanh nghiệp ai mà không sợ. Không chỉ trái phiếu mà tiền bạc trong nhà người dân cũng cân nhắc có nên đưa vào ngân hàng hay không.

Tác hại không chỉ về kinh tế. Nạn nhân chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu, thành phần xã hội nền tảng. Lâu nay họ vẫn sống yên lành, chí thú làm ăn, tích cóp tiền của bỗng đùng một cái họ thấy mình là nạn nhân của xã hội. Mà đâu phải họ bị lừa bởi kẻ xấu nào đấy. Họ bị lừa đảo bởi một định chế thuộc sự quản lý của Nhà nước. Như vậy họ còn tin vào xã hội nữa không?

Nạn nhân SCB không phải là các nhà đầu tư chuyện nghiệp như trong vụ Tân Hoàng Minh, không co cụm một chỗ như trong vụThủ Thiêm, không tập trung vào một ngành nghề như vụ xả thải Formosa, họ trải khắp cả nước, khắp các ngành nghề, các tầng lớp xã hội. Hơn 40.000 người cộng thêm gia đình, người phụ thuộc của họ thì con số nạn nhân thực sự sẽ lên đến bao nhiêu?

Vai trò Nhà nước ở đâu?

Có lập luận rằng đây là chuyện giữa SCB và người dân, có liên quan gì mà lôi Nhà nước vào? Vụ SCB hẳn cơ quan quản lý không thể không biết. Nếu không biết thì quản lý kiểu gì? Còn đã biết nó sai thì sao không chặn ngay từ đầu mà để cho bung bét ra thế này?

Trong một buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ giữa tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói ‘cần xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế để quản lý chặt chẽ hơn’ trái phiếu doanh nghiệp. Có thể hiểu quản lý Nhà nước này có lỗ hổng, và có người đã lợi dụng lỗ hổng đó. Đành rằng Nhà nước không thể ba đầu sáu tay và có những việc đến chừng xảy ra mới biết mà sửa. Nhưng người dân có tội tình gì mà phải gánh chịu hậu quả của lỗ hổng đó vốn không phải lỗi của họ?

Tại sao một doanh nghiệp như An Đông lại được phát hành trái phiếu ra công chúng? Tại sao SCB chào bán trái phiếu rác? Tại sao SCB bán trái phiếu cho những người không biết gì về trái phiếu? Và SCB tự tin là họ không làm gì sai pháp luật. Có thể hiểu là một thời gian dài thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thả lỏng cốt là để các doanh nghiệp huy động vốn trong dân, và mới đây, khi thị trường gặp khó, Bộ Tài chính lại đề xuất hoãn áp dụng các quy định về điều kiện nhà đầu tư hay đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp.

Phải chi Nghị định 65 siết chặt các điều kiện mua bán trái phiếu và quy định chặt chẽ trách nhiệm của nhà phân phối trái phiếu được ban hành sớm hơn thì đâu có mấy chục ngàn người trở thành nạn nhân trái phiếu SCB như vậy.

Trong phiên họp chính phủ hồi cuối tháng 11, ông Chính khẳng định rằng “trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chính phủ sẽ đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan”.

Hy vọng ông Chính nói được làm được vì đó cũng chính là điều mà các nạn nhân trái phiếu SCB mong mỏi nhất hiện nay.

Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn ca ngợi tính ưu việt của chế độ là biết lo cho dân nghèo. Nhưng một xã hội sẽ ưu việt hơn nếu không chỉ cứ bỏ tiền lo cho dân nghèo mà còn phải bảo vệ được đồng tiền mồ hôi nước mắt do người dân lao độnglàm ra, để họ yên tâm làm ăn sinh sống.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo hiện sống ở Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment