Manila bày tỏ quan ngại khi tàu thuyền Trung Quốc “bu đến” vùng đặc quyền kinh tế

2022.12.15

\"Manila bàyPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (bên trái) thăm cộng đồng ngư dân ở làng Tagburos trên đảo Palawan – tiền đồn của Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông. Ảnh chụp ngày 22/11/2022.

Jason Gutierrez/BenarNews

Philippines, hôm thứ Tư, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc tàu cá Trung Quốc đang tập trung trong vùng Biển Đông thuộc đặc quyền kinh tế  của nước này.

Khoảng 20 tàu cá Trung Quốc được hỗ trợ bởi tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc đã được phát hiện và theo dõi vào tuần trước ở đảo đá Khúc Giác (Iroquois Reef) và bãi cạn Sa-bin (Sabina Shoal). Một nguồn tin quân sự cho Benar News biết: Các tàu cá này được phát hiện ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Manila.

Bộ Quốc phòng Philippines (DND) cho biết các lực lượng an ninh “tiếp tục tiến hành tuần tra hàng hải và trên không thường lệ” trong vùng Biển phía Tây Philippines – tên Manila thường dùng để gọi các vùng lãnh thổ của mình trong khu vực Biển Đông.

“Bộ Quốc phòng Philippines hết sức lo ngại trước báo cáo về việc tàu Trung Quốc tập trung ở đảo đá Khúc Giác và bãi cạn Sa-bin trong vùng Biển phía Tây Philippines” – ông Jose Faustino Jr., Thứ trưởng cấp cao phụ trách Bộ Quốc phòng phát biểu trong một tuyên bố.

“Chỉ thị của Tổng thống đối với Bộ rất rõ ràng – chúng tôi sẽ không từ bỏ một cen-ti-mét vuông lãnh thổ nào của Philippines” – ông khẳng định.  

“Thông tin thu thập được trong các cuộc tuần tra này được gửi đến các cơ quan có liên quan để có hành động thích hợp” – ông nói tiếp.

Bộ Quốc phòng Philippines đã ra tuyên bố này ngay sau khi Bộ chỉ huy phía Tây đặt tại tỉnh Palawan báo cáo đã phát hiện tàu thuyền Trung Quốc tập trung gần những khu vực nói trên.

 “Chúng [tàu thuyền Trung Quốc] vẫn ở đó trong lần tuần tra cuối cùng của chúng tôi vào tuần trước” – một nguồn tin quân sự yêu cầu giấu tên vì không được quyền phát ngôn với báo chí cho BenarNews biết.

“Chúng tôi đã báo cáo tất cả các chi tiết với Lực lượng Đặc trách Quốc gia về Biển phía Tây Philippines để có những hành động thích hợp”.

Lực lượng Đặc trách Quốc gia về Biển phía Tây Philippines, tên viết tắt là NTF-WPS, có các thành viên là quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao của Philippines.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không có phản hồi ngay đối với yêu cầu bình luận của BenarNews trong ngày thứ Tư.

Vụ việc này diễn ra ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. – chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông để gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tháng 9 vừa qua, ông Marcos đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York để thảo luận về vần đề địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan.

Mặc dù Indonesia không coi mình là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố quyền lịch sử đối với các khu vực đường thủy chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6 năm nay, ông Marcos đã nhiều lần tuyên bố rằng: Chính phủ của ông sẽ bảo vệ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016, tuyên bố Manila thắng và vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc đối với khu vực biển này. Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết này.

 “Một trật tự dựa trên luật lệ”

Thứ trưởng Quốc phòng Faustino cho biết: Chủ trương của Chính phủ Philippines là sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhưng các hành động “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi cũng như phá hoại hòa bình và ổn định khu vực là không thể chấp nhận được”.

“Philippines tiếp tục cam kết duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Biển phía Tây Philippines và rộng hơn là khu vực Biển Đông. Chúng tôi đồng thời bảo lưu quyền đối phó với bất cứ tình huống huống nào vi phạm và đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi” – ông Faustino nói.

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng họ sẽ chờ có được những báo cáo chính thức trước khi đưa ra bình luận về vụ việc vừa xảy ra.

“Các hành động ngoại giao sẽ dựa trên những báo cáo này” – văn phòng Bộ này cho biết.

Tháng trước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm đảo Palawan và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đã từng có mặt tại nơi này  – hòn đảo được xem là tiền đồn của Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Nước Mỹ có “lợi ích sâu sắc trong tương lai” của khu vực và sẵn sàng hỗ trợ Philippines để đương đầu với “sự dọa nạt và cưỡng ép trong khu vực Biển Đông” – bà Harris nói.

Chuyến thăm Philippines trong 3 ngày của bà Harris được xem là một nỗ lực của Chính quyền Biden trong việc tái lập mối quan hệ và liên minh lâu dài của Mỹ với Philippines – mối quan hệ đã nguội lạnh dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte – người tiền nhiệm của ông Marcos.

Bài Liên Quan

Leave a Comment