Đăng ngày: 16/12/2022
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/12/2022, tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ Nga lập kế hoạch phát triển kinh tế bốn vùng chiếm từ Ukraina : Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, để đến năm 2030, những vùng này đạt mức độ phát triển như các địa phương khác của Nga. Ông Putin tiếp tục luận điệu Nga là nạn nhân « cuộc tấn công bằng những biện pháp trừng phạt chưa từng có » của phương Tây « nhằm mục đích nghiền nát nền kinh tế của chúng ta ».
Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin khẳng định : « Cuộc tấn công đó đã thất bại và người dân chúng ta đã thể hiện đoàn kết ». Kể từ khi phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt », ông Putin không ngừng dựa vào tinh thần dân tộc của người Nga để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraina. Một chiến thắng chớp nhoáng sẽ củng cố quyền lực gần như tuyệt đối của ông, như những nhà lãnh đạo độc tài vẫn làm trước đây, theo nhận định của ông Stanislav Shalunov trong bài viết « Vladimir Putin’s failing invasion is fueling the rise of Russia’s far right » (Cuộc xâm lược thất bại của Vladimir Putin đẩy cực hữu của Nga lên cao) đăng trên web Atlantic Council ngày 14/12/2022.
Thất bại quân sự sẽ làm giảm uy quyền trong nước của ông Putin
Tác giả bài viết cũng nhắc lại những bi kịch vì thất bại đối với những nhà lãnh đạo chuyên quyền trước đó : Khrushchev sau khủng hoảng tên lửa Cuba, hay tập đoàn quân sự Achentina sau vụ tấn công quần đảo Falkland (Malvinas theo tiếng Tây Ban Nha). Ông Putin đã thắng nhiều ván bài trong sự nghiệp chính trị. Có thể do quá tự tin, ông muốn tung chiến dịch chớp nhoáng để buộc Ukraina khuất phục và dằn mặt phương Tây.
Tuy nhiên, chiến dịch dự kiến vài ngày đã kéo dài đến nay 10 tháng. Ông Putin ở thế « đâm lao phải theo lao » vì không thể nuốt lời hứa hùng hồn trước chiến dịch và càng không thể gián tiếp xác nhận thất bại trên chiến trường, trong khi người dân được tuyên truyền từ hàng chục năm nay về tính ưu việt của vũ khí Nga, về độ tinh nhuệ của quân đội Nga. Những thất bại trên chiến trường của Nga mà Matxcơva hô biến thành « những cử chỉ thiện chí » đã không thuyết phục được phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Lực lượng này không có thủ lĩnh nhưng hiện trở thành phe đối lập duy nhất, ngày càng nguy hiểm cho tổng thống Putin.
Chính một số blogger theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã chỉ trích sự yếu kém của tướng lĩnh quân đội Nga trên chiến trường và góp phần làm nhiều chỉ huy mất chức. Những lời chế giễu của họ đi ngược hoàn toàn với chiến dịch tuyên truyền của Matxcơva, thậm chí gay gắt đến mức điện Kremlin phải yêu cầu họ « chú ý ». Từ bóng tối (hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội), những người tự nhận là « thông tín viên chiến trường » này trở thành khách mời trong nhiều chương trình lớn của truyền hình Nhà nước. Đa số họ đề cao tinh thần dân tộc Nga, miệt thị người Ukraina. Họ không che giấu quan điểm ủng hộ chiến tranh, ủng hộ Putin, thậm chí yêu cầu tổng động viên đàn ông trong độ tuổi chiến đấu.
Hãng tin Pháp AFP ngày 09/12 nhận định điện Kremlin và phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang bắt tay nhau trong « hôn nhân vụ lợi ». Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga đang tranh thủ thỏa thuận ngầm của điện Kremlin để áp đặt quan điểm của họ trên chính trường bị nghiền nát vì những năm trấn áp. « Tinh thần yêu nước là mốt mới ở Nga », theo Roman Antonovski, chuyên gia makerting 42 tuổi và là một blogger « yêu nước » khá nổi tiếng ở Nga. Trước đây bị gạt sang bên lề, bị trấn áp vì bị coi là đối lập ở Nga, chiến tranh ở Ukraina đã đưa họ lên vị thế một trong những lực lượng chính trị năng động nhất, tự do nhất đất nước. Vụ ám sát con gái của nhà tư tưởng cực đoan Nga Alexandre Duguine cho thấy phần nào ảnh hưởng của lực lượng này.
« Hôn nhân vụ lợi »
Nhà xã hội học Lev Goudkov, giám đốc trung tâm nghiên cứu độc lập Levada, giải thích với AFP : « Điện Kremlin dựa vào những người theo dân tộc chủ nghĩa để quảng bá chiến dịch tấn công ở Ukraina ». Trong bối cảnh xung đột, tinh thần này được chia sẻ đông đảo, thêm vào đó là chiến dịch kích động của truyền thông Nhà nước về sự thù nghịch của phương Tây càng giúp cổ xúy cho những thông điệp của phong trào cực đoan.
Đài phát thanh Rossia dành chương trình bình luận hàng tuần cho blogger Antonovski bảo vệ lập trường « Đế quốc Nga, bức tường thành cuối cùng bảo vệ những giá trị truyền thống ». Nhân vật này mỉa mai : « Cảm ơn phong trào bài Nga của phương Tây đã gắn bó chúng ta ». Theo kết quả thăm dò của viện Levada, gần 78% người Nga nghĩ rằng đất nước họ « bị đầy rẫy kẻ thù bao vây ».
Một số thanh niên Nga khẳng định với AFP : « Chủ nghĩa dân tộc không hẳn là cực hữu » mà đơn giản là « hình thức cao hơn của tinh thần yêu nước ». Rất nhiều trí thức trẻ Nga bị cuốn vào những nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, bởi vì « khi tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra, họ bắt đầu nghiên cứu lịch sử đất nước ». Một nghiên cứu sinh tại Matxcơva tự hào nói : « Châu Âu tưởng rằng những biện pháp trừng phạt của họ sẽ thúc đẩy chúng tôi lật đổ Putin, nhưng những biện pháp đó lại cho kết quả ngược lại : tinh thần yêu nước ở Nga bùng nổ ».
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ thắng thế ở Nga ?
Ông Goudkov của viện Levada cho rằng nếu hiện giờ điện Kremlin đang sử dụng làn sóng chủ nghĩa dân tộc để phục vụ cho các mục đích của họ, thì sự lan rộng của một phong trào chính trị mạnh mẽ và có tổ chức như vậy có thể sẽ là một mối đe dọa chính trị trong dài hạn. Theo AFP, một khi hòa bình với Kiev được ký kết, mối quan hệ vụ lợi đó cũng sẽ kết thúc.
Giờ đây tổng thống Nga không thể lùi trong cuộc chiến Ukraina. Quân đội Nga hiện đang được quân của lãnh đạo Cộng Hòa Gruzia và của Wagner hỗ trợ trên chiến trường. Cả hai lực lượng này muốn đánh đến cùng. Yevgeny Prigozhin, chủ nhân của Wagner, không còn che giấu danh tính, xuất hiện năng nổ trên chiến trường để khẳng định tính thiện chiến, hiệu quả của lực lượng bán quân sự này, trái ngược với sự yếu kém của quân đội chính quy Nga. Họ trở thành lực lượng dân tộc chủ nghĩa vô cùng cực đoan và đây có thể là một mối đe dọa cho tổng thống Putin, kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang liên bang Nga.
Ông Stanislav Shalunov, trên trang Atlantic Council, nhận định : « Vượt qua những bó buộc của cỗ máy tuyên truyền của điện Kremlin là một lợi thế lớn trong cuộc đấu giành uy tín trong công luận Nga. Điều đó sẽ biến cực hữu Nga thành một đối thủ đáng gờm trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ với chế độ Putin ».
Hiện rất khó đoán được liệu một nước Nga hậu Putin có sẽ do lực lượng dân tộc cực đoan điều hành hay không. Tuy nhiên, ông Shalunov thấy « ít lạc quan ». Thế lực của ông Putin hiện chưa bị suy yếu mạnh để nói đến việc chế độ sụp đổ tức thì, nhưng rõ ràng ông đã yếu thế hơn nhiều so với một năm trước đây.