December 20, 2022
Ý kiến nói ông Nguyễn Hữu Cầu là một công dân dám sống với cuộc đời công chính và lẽ phải.
Ông Nguyễn Hữu Cầu (1947-2022) đã sống trọn một cuộc đời công chính.
Ông Nguyễn Hữu Cầu còn được những người quen biết, đặt cho ông biệt danh là “người tù thế kỷ”, bởi hai lần tù dài. Lần thứ nhất là đi học tập cải tạo sau 1975 – dài 5 năm, và lần thứ hai chuyển từ tử hình xuống chung thân. Sau đó do áp lực trong và ngoài nước, ông được trả tự do với sức khỏe suy kiệt, mắt lòa và nhiều bệnh tật khác. Tổng cộng ông chịu 37 năm tù.
Lần tù thứ nhì, là do ông vô tình biết được việc quan chức ở Kiên Giang lúc đó cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, là người vượt biên bị bắt lại. Bé gái này gặp ông đi ngang tổ quỷ, đã vẫy, gọi ông nhờ cứu giúp.
Tháng 8/1981, ông làm đơn thư tố cáo đích danh Viện trưởng Viện Kiểm sát Kiên Giang là Nguyễn Thế Đồng cùng nhiều quan chức khác phạm tội, với các chữ ký sẵn sàng làm chứng của các đảng viên, người dân trong vùng vì đã quá tức giận trước những điều thối nát kéo dài.
Thư của ông gửi cho báo Nhân Dân, nhưng một tháng sau lại quay về Kiên Giang và đến bàn làm việc của Đồng. Năm 1983, trong một vụ án chính trị, đột nhiên ông Cầu bị đưa tên vào vì cho là đã tham gia viết các nội dung chống chế độ.
Ông Cầu bị kêu án tử hình.
Khi ra tòa, phiên xử 5 ngày với nhiều bị cáo, bao gồm cả các chức sắc tôn giáo, tất cả đều phủ nhận không liên quan đến ông Cầu, thậm chí không biết ông Cầu là ai. Do không xác định được tội nên án tử hình được chuyển thành chung thân.
Ông Nguyễn Hữu Cầu chỉ là một công dân bình thường ở miền Nam Việt Nam, nhưng ông không từ chối giúp đỡ người hoạn nạn, dù đó là người không quen biết, và chấp nhận những khốn khó xảy ra với đời mình vì hành động công chính của mình.
Năm 2014, trong một lần trò chuyện với ông, và hỏi rằng ông có bao giờ hối tiếc về những điều mình đã làm khiến cho cuộc đời của ông chỉ là tù tội thôi? Ông nói mình “không kịp nghĩ hay tính toán gì, mà chỉ biết sống với lẽ phải”, bởi ông “được giáo dục như vậy”.
Từ biệt ông Nguyễn Hữu Cầu, một công dân dám sống cuộc đời công chính và lẽ phải. Ông đi thanh thản.
Tuấn Khanh