Đăng ngày: 20/12/2022
Mùa World Cup đã chính thức khép lại, Pháp để lọt chiếc cúp vô địch thế giới vào tay đội tuyển Achentina, nhiều báo số ra hôm nay dành hồ sơ lớn đánh giá về chặng đường tranh giải World Cup của đội tuyển Pháp cũng như tương lai của đội tuyển Áo Lam với Chiếc Giày Vàng Mbappé.
Theo Le Monde, dù thất bại trước đội của Messi, nhưng chức Á quân đã loại bỏ « lời nguyền » từ năm 2010 : đội giữ Cúp vô địch của mùa trước sẽ sớm rời khỏi vòng chung kết ở mùa tiếp theo. Thực tế cho thấy như vậy là Pháp đã 2 lần vô địch và 2 lần Á quân. Le Monde dành một bài riêng để nói về huấn luyện viên Didier Deschamps, được ví như một làn gió mới khơi dậy sức mạnh của đội tuyển Pháp. Không chỉ có chiến thuật, mà ông còn biết cách giao tiếp với giới chính trị cũng như các nhà tài trợ và giới truyền thông. Một huấn luyện viên biết đặt lợi ích tập thể lên trên hết và biết kết nối mọi người.
Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération chỉ trích hành động của tổng thống Macron xuống sân cỏ, động viên Kylian Mbappé khi trận đấu vừa kết thúc. Với câu hỏi, liệu thể thao có phải là chính trị không ? Libération chất vấn quyền lực mềm của thể thao trong các sự kiện quốc tế, qua các mùa World Cup cũng như Thế vận hội. Macron hành động như vậy có thể do ông là một fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, hoặc ông tự thấy mình giống như « người cha dân tộc », cần phải đến vỗ về những người con của mình.
Đi vào sân cỏ, vào khu vực nghỉ của các cầu thủ, Macron đã vượt qua hàng rào giữa thể thao và chính trị. Libération kết luận rằng đây chẳng khác nào hành động \”ký sinh\” vào một khoảnh khắc quan trọng của thể thao. Theo tờ báo, tổng thống Macron đã làm hỏng mất hình ảnh thuộc về tất cả mọi người. Hình ảnh ghi lại nỗi thất vọng sau thất bại ấy có thể là bất cứ thứ gì, nhưng không thể nào là chính trị.
Le Figaro thì cho rằng không thể trách Macron không chú ý đến hình ảnh của ông, bởi trong chính trị không có thông điệp nào được truyền đi mà không có dàn dựng. Theo nhật báo thiên hữu, trước thất bại của đội tuyển Pháp, ai lại không muốn động viên, an ủi siêu sao Mbappé vẻ mặt thất thần, nhưng chỉ có tổng thống có quyền làm điều này. Một người đứng đầu chính phủ, còn người kia đứng đầu danh sách những người được dân Pháp yêu mến. Dường như Macron muốn thể hiện ông là người có thể hàn gắn những vết thương.
Hình ảnh các tuyển thủ áo lam một lần nữa xuất hiện trên trang nhất Le Figaro hôm nay. Đội bóng đã trở về từ Qatar vào tối qua và đến quảng trường Concorde ở Paris gặp gỡ những người hâm mộ. Dù thất bại trước Achentina nhưng ngôi Á quân, cũng như Chiếc Giày Vàng của Mbappé vẽ ra một tương lai đầy hứa hẹn cho đội tuyển áo lam. Các cầu thủ sẽ trở lại sân cỏ vào tháng Ba năm sau, chuẩn bị cho vòng loại Cúp vô địch châu Âu 2024 và Thế Vận Hội Paris 2024.
Tuy nhiên, đội hình tương lai sẽ gồm những ai ? Liệu các cầu thủ như Lloris, hay Giroud sẽ vẫn đứng chung với thế hệ của Mbappé ? Chiều hôm qua, cầu thủ vừa đoạt giải Quả bóng vàng Karim Benzema, một trong những cầu thủ của thế hệ cũ, đã thông báo rời khỏi đội tuyển quốc gia.
Achentina: Niềm vui khôn tả
Trong cùng hồ sơ, Le Figaro và Le Monde đều dành bài riêng để nói về niềm vui khôn tả của hàng triệu người Achentina với lần thứ ba đoạt Cúp bóng đá thế giới. Tại một đất nước mà lạm phát lên đến 100 %, 1/3 dân số sống trong nghèo đói, với chức vô địch này, người dân Achentina, vốn coi bóng đá như một tôn giáo, có thể tạm quên đi những vấn đề của đất nước, để mừng một chiến thắng tập thể.
Còn tại Doha, tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên cũng là lúc mà các cơ sở dịch vụ tiếp đón, nhà hàng, quán ăn bắt đầu « nghỉ ngơi », quay trở lại quỹ đạo bình thường, đóng cửa sớm hơn, từ 22 giờ thay vì 2 giờ sáng. Qatar sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu khí, và thậm chí còn nhiều hơn nữa. Sau sự kiện được cho là đã được tổ chức thành công, bất chấp các lời kêu gọi tẩy chay, tiểu vương quốc Ả Rập có thể nhắm đến việc tổ chức các giải đấu lớn khác trong tương lai. Đầu tiên là giải Cúp bóng đá châu Á (AFC) năm 2024. Qatar cũng đã giành quyền tổ chức Á Vận Hội 2030 và đã ghi tên vào danh sách ứng viên đăng cai Thế Vận Hội 2036.
Trên thực tế, do bị áp lực từ các tổ chức nhân quyền, chính phủ Qatar đã chỉnh sửa các luật nhằm cải thiện điều kiện lao động của người nhập cư. Để tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh, Qatar cũng đã giảm nhẹ đôi chút lập trường gay gắt đối với cộng đồng LGBT cũng như đối với việc tiêu thụ chất có cồn. Nhưng liệu những thay đổi này có dài lâu ?
Thỏa thuận hòa bình với thiên nhiên
Hầu hết cáo báo số ra hôm nay đều quan tâm đến thỏa thuận « mang tính lịch sử » để bảo vệ thiên nhiên, được đại diện của 196 quốc gia thông qua tại Diễn đàn đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc COP 15, Montréal, Canada. Thỏa thuận với tên gọi Côn Minh-Montréal, gồm 23 mục tiêu, trong đó mục tiêu có ý nghĩa lớn nhất đó là các nước cam kết bảo vệ 30 % diện tích Trái đất từ nay đến năm 2030. Thêm vào đó là việc huy động 30 tỷ đô la mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo bảo vệ đa dạng sinh học.
Libération đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta vừa ký một hiệp ước hòa bình với thiên nhiên ? Liệu thỏa thuận với tên gọi Côn Minh-Montréal có ngăn chặn việc phá hủy môi trường? Sau 4 năm đàm phán căng thẳng, thỏa thuận được ký mà không có sự tham gia của các lãnh đạo các nước, trong bối cảnh thế giới dửng dưng, một ngày sau trận chung kết World Cup.
Thỏa thuận đề cập đến những báo cáo chỉ ra nguy cơ tuyệt chủng của hơn 1 triệu loài động thực vật trong những thập kỷ tới với một tốc độ kỷ lục. Thỏa thuận cũng chỉ ra rằng con người là loài duy nhất phải chịu trách nhiệm cho cuộc tàn sát thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận Côn Minh-Montréal cũng đã đưa ra mục tiêu giảm một nửa nguy cơ toàn cầu về thuốc trừ sâu và các hóa chất nguy hiểm. Đại diện tại Pháp của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trả lời Les Echos, cho biết đây là lần đầu tiên vấn đề về thuốc trừ sâu được nêu ra : « Mục tiêu này giúp thoát khỏi phụ thuộc vào loại hóa chất này ».
Libération trích dẫn nhận định của một số tổ chức phi chính phủ về môi trường cho rằng chỉ bảo vệ 30 % diện tích của Trái đất là chưa đủ. Điều quan trọng phải tính đến là làm thế nào với 70 % diện tích còn lại?
Le Monde băn khoăn về việc liệu các cam kết có sẽ được tuân thủ hay không, trong khi Le Figaro thì đề cập đến vấn đề tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của một số nước, đặc biệt là Canada. Từ Vancouver đến Toronto, nhiều tòa nhà vẫn chưng điện sáng suốt đêm. Người dân tại một số khu vực bị ung thư hoặc phơi nhiễm với chất hóa học độc hại (asen) do chất thải của các nhà máy khai thác nhiên liệu hóa thạch. Nhật báo thiên hữu lo ngại rằng ít có cơ may Canada tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận COP 15.