Trải lòng của người đã tố giác ZTE và thách thức Bắc Kinh

\"Trải

Cựu Tổng cố vấn của ZTE, ông Ashley Yablon, tác giả của cuốn sách \”Đứng lên chống lại Trung Quốc: Một người tố giác đã mạo hiểm mọi thứ vì đất nước của mình như thế nào\”, tại Dallas, Texas, Mỹ, vào ngày 19/11/2022. (Ảnh: Jack Wang/The Epoch Times)

Trải lòng của người đã tố giác ZTE và thách thức Bắc Kinh

 Bình luậnBảo Nguyên • 20/12/22

Với tham vọng mù quáng về nghề nghiệp, một luật sư đã dấn thân mình làm việc cho ZTE, bất chấp những lo ngại về văn hóa và đạo đức. Cuối cùng, khi thời điểm đến, ông đã chọn trung thành với đất nước của mình và đứng lên tố giác việc làm sai trái tại ZTE. Việc làm đó đã khiến ông phải mạo hiểm mọi thứ, từ sự nghiệp, tài chính đến thậm chí cả tính mạng. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình đã vượt qua sự thử thách.

Là một luật sư trẻ đầy tham vọng, ông Ashley Yablon không mong muốn gì hơn là trở thành Tổng Cố vấn [chức vụ cao nhất về tư vấn luật của một công ty] cho một tập đoàn lớn, vì vậy khi được công ty viễn thông Trung Quốc ZTE trao cơ hội có được “công việc mơ ước”, ông Yablon đã nắm lấy nó mà không thắc mắc gì thêm.

Tuy nhiên, khi cuối cùng ông ấy nhận ra rằng công việc mơ ước của mình phải trả giá bằng thứ mà ông không sẵn sàng đánh đổi – lòng trung thành với đất nước của mình – giấc mơ nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng.

“Tôi không nghĩ mình sẽ có lúc cảm thấy an toàn”, ông Yablon cho biết. Ông đã xuất bản cuốn sách “Standing Up to China: How a Whistleblower Risked Everything for His Country” (Đứng lên chống lại Trung Quốc: Một người tố giác đã mạo hiểm mọi thứ vì đất nước của mình như thế nào) sau khi tố giác các kế hoạch lách luật xuất khẩu Mỹ từ ZTE.

Trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình “American Thought Leaders” của Epoch TV được phát sóng vào ngày 15/12, ông Yablon đã kể lại câu chuyện về việc ông đã thách thức công ty Trung Quốc và lớn hơn nữa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như thế nào.

Tham vọng mù quáng

Ông Yablon bắt đầu làm việc tại ZTE vào tháng 10/2011, sau nhiều năm \”hoàn thiện các kỹ năng của mình” tại nhiều công ty luật khác nhau và tiến dần lên nấc thang của công ty.

“Tại một công ty luật, bạn đang thực hành một loại luật, nhưng bạn có nhiều khách hàng\”, ông lưu ý. “Là một Tổng Cố vấn, bạn có một khách hàng, nhưng bạn đang thực hành nhiều loại luật. Và điều đó khiến tôi hứng thú – hỗ trợ kinh doanh nhiều hơn so với khi làm việc tại một công ty luật và chỉ lập hóa đơn cho công việc kinh doanh”.

Trước khi đảm nhận vai trò Tổng Cố vấn tại ZTE, ông Yablon đã làm việc tại McAfee, một công ty phần mềm chống virus máy tính và sau đó là Huawei, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ, \’Thật là một cơ hội không thể tin được. Đây là một công ty quốc tế trị giá hàng tỷ USD, và tôi là Trợ lý Tổng Cố vấn\’”, ông ấy giải thích. “Vì vậy, tôi không biết mình sẽ có nhiệm vụ gì ở Huawei, nhưng đã nhanh chóng biết được sự khác biệt giữa văn hóa Mỹ và văn hóa phương Đông, hay cụ thể là văn hóa Trung Quốc”.

Ông Yablon nói thêm, một trong những điểm khác biệt đó là người Trung Quốc dường như nhìn nhận khái niệm đạo đức qua một lăng kính khác.

Nhớ lại một trường hợp tại Huawei khi một trong những đồng nghiệp quốc tịch Trung Quốc của ông ấy, một luật sư khác, khăng khăng rằng việc tuân thủ luật pháp “chỉ mang tính tham khảo”, ông ấy giải thích: “Chúng ta [ám chỉ người phương Tây] có la bàn đạo đức, hoặc chúng ta tin rằng có những thứ là trái đạo đức. Họ không nhìn nhận theo cách đó. Và không phải họ là những người vô đạo đức, mà là họ không nhìn nhận công việc kinh doanh hay những quyết định như thế theo cách giống như cách chúng ta làm ở phương Tây”.

Nhìn lại, ông Yablon nói rằng sự cố đó lẽ ra phải là một tín hiệu cảnh báo về những gì ông ấy đang dấn thân vào, nhưng ông ấy đã bị mù quáng bởi những mục tiêu nghề nghiệp của chính mình.

“Điều đó khiến tôi đặt câu hỏi\”, ông ấy lưu ý, \”nhưng nó không khiến tôi dừng sự tự tin thái quá hay mong muốn tiến lên trở thành Tổng Cố vấn của mình\”.Logo của ZTE trong ngày khai mạc MWC (Mobile World Congress – Đại hội Thế giới Di động) tại Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 28/02/2022. (Ảnh: PAU BARRENA/AFP qua Getty Images)

Sự cố với ZTE

Tuy nhiên, tại ZTE, ông Yablon không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng công ty đang bị Hạ viện Mỹ điều tra như một mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia của Mỹ, và khi hợp đồng giữa công ty với Iran bị rò rỉ, rủi ro của công việc trở nên rõ ràng hơn.

“Một bài báo được đăng trên tờ báo Reuters, nơi họ có một bản sao hợp đồng giữa ZTE và đất nước Iran, và ZTE đang bán công nghệ gián điệp trị giá hàng trăm triệu USD [cho Iran]”, ông nhớ lại. “Vấn đề là họ đang sử dụng các bộ phận thiết bị của Mỹ để làm điều đó”.

Theo như điều ông Yablon phát hiện ra, ZTE đang sử dụng các công ty vỏ bọc để mua các bộ phận linh kiện của Mỹ, chuyển chúng trở lại Trung Quốc và từ đó bán chúng cho Iran.

Do lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với Iran, việc xuất khẩu bất kỳ hàng hóa nào sang quốc gia đó đều bị cấm theo luật của Mỹ.

Sau khi hợp đồng của ZTE với Iran bị rò rỉ, ông Yablon cho biết ông chỉ được phép có 15 phút để xem xét những gì trong tài liệu và đánh giá bất kỳ thiệt hại tiềm ẩn nào mà nó có thể gây ra.

“Tôi đã xem một phần của hợp đồng có tiêu đề \’Làm thế nào chúng ta sẽ lách luật xuất khẩu của Mỹ\’, và nó liệt kê tất cả các công ty vỏ bọc, nó mô tả những gì mỗi công ty sẽ làm, và tôi gần như ngã ngửa khỏi ghế khi nhìn thấy nó”, ông nhớ lại. “Và tôi biết rằng tôi cần phải làm gì đó”.

Mạo hiểm mọi thứ

Ông Yablon khuyên công ty chủ quản của mình nên tuân thủ theo những yêu cầu của cuộc điều tra từ chính phủ Mỹ, nhưng sau đó ông phát hiện ra rằng công ty đã quyết định đi theo một hướng hành động khác.

“Họ muốn nói dối”, ông nói. “Và họ muốn tôi trở thành vật tế thần để cho họ có thể nói rằng họ không làm gì bất hợp pháp. Đó là khi tôi trở thành người được gọi là người tố giác và phải đến gặp FBI và giải thích chuyện gì đang xảy ra”.

Ông Yablon đã cung cấp cho FBI một bản khai dài 32 trang vạch trần kế hoạch lách luật xuất khẩu của Mỹ để bán hàng cho các quốc gia bị cấm vận. Tài liệu đó sau đó đã bị rò rỉ cho báo chí, tiết lộ việc ôn Yablon là người tố giác và khiến tính mạng của ông và vợ ông gặp nguy hiểm nghiêm trọng, vì theo ông Yablon, ZTE thực ra được điều hành bởi ĐCSTQ.

“Vợ tôi và tôi đang ngồi trước máy tính, chỉ nhấn nút làm mới [trang website] và đợi bài báo đó xuất hiện vì tôi biết cuộc sống của mình sau đó sẽ không bao giờ như cũ nữa”, ông nhớ lại. “Và chắc chắn, đó là những gì đã xảy ra. Vào khoảnh khắc đó, chúng tôi đã đứng bật lên. Vợ tôi nói với tôi, ‘Chúng ta có 30 phút để ra khỏi ngôi nhà này, nếu không chúng ta sẽ bị giết’. Và đó là điều chúng tôi đã tin”.

Và mặc dù họ có thể lẩn trốn trong một thời gian ngắn, ông Yablon sau đó buộc phải quay lại làm việc tại ZTE. Vào ngày đầu tiên trở lại làm việc, ông ấy quay lại văn phòng và thấy cửa được dán băng cảnh sát và một thông điệp duy nhất được viết trên bảng trắng của ông ấy: “CHẾT ĐI!!!”

Mô tả về việc ông và vợ bị người Trung Quốc theo dõi, ông Yablon nói thêm rằng ông ấy cũng nhận được vài lời đe dọa giết từ công ty chủ quản của mình.

“Họ nói, từ ZTE, \’Chúng tôi, ZTE, sẽ giết bạn. Chúng tôi sẽ giết gia đình bạn. Chúng tôi sẽ giết con cái của bạn. Chúng tôi sẽ giết con cái của con bạn\’\”, ông ấy nói.

Vào năm 2017, ZTE và chính phủ Mỹ đã đạt được một thỏa thuận trong đó công ty viễn thông này đã nhận tội âm mưu vi phạm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế khi vận chuyển bất hợp pháp các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ đến Iran, cũng như cản trở hoạt động thực thi công lý và đưa ra một tuyên bố sai sự thật quan trọng.

Tổng cộng, công ty đã trả khoảng 1,2 tỷ USD tiền phạt.

Ngoài ra, vào ngày 25/11, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã thông qua các quy tắc mới cấm nhập khẩu hoặc bán các thiết bị liên lạc của Trung Quốc được coi là gây rủi ro an ninh quốc gia, bao gồm cả thiết bị của ZTE và Huawei.Logo bên ngoài gian hàng Huawei trong ngày đầu tiên của Đại hội Thế giới Di động GSMA ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 28/02/2022. (Ảnh: David Ramos/Getty Images)

Trong khi đó, đối với ông Yablon, việc bị loại ra khỏi cuộc chơi với tư cách là người tố giác cũng đã làm thay đổi con đường nghề nghiệp của ông. Trong hơn hai năm, ông phải vật lộn để tìm một công việc khác, cuối cùng tìm được một công việc với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp cũ từ ZTE. Bây giờ, ông ấy cung cấp hướng dẫn pháp lý cho các công ty để hỗ trợ hoạt động tuân thủ [luật lệ].

Về những bài học mà ông ấy đã học được, ông ấy lưu ý: “Rõ ràng, tham vọng là tuyệt vời và đó là thứ thúc đẩy tất cả chúng ta. Nhưng khi không được kiểm soát, nó có thể là thảm họa. Vì vậy, tôi nghĩ, vấn đề đầu tiên là, hãy cẩn thận với những gì bạn mơ ước vì bạn có thể sẽ đạt được nó. Và vấn đề thứ hai, tôi nghĩ, là bạn sẽ đi bao xa để làm điều đúng đắn?”

Nói thêm rằng ông ấy cảm thấy mình đã “vượt qua bài kiểm tra”, ông Yablon nói: “Tôi không chỉ mạo hiểm công việc của mình mà còn mạo hiểm sự nghiệp của mình. Tôi đã mạo hiểm mọi thứ về tài chính của mình. Nhưng quan trọng nhất, tôi đã mạo hiểm mạng sống của chính mình”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment