Vụ Qatargate : Khí đốt giúp Qatar nâng vị thế với Liên Hiệp Châu Âu

Đăng ngày: 20/12/2022

\"\"
\"\"
Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Samikh Al Marri (P) hội đàm với cựu phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu Eva Kaili ở Doha, Qatar, ngày 31/10/2022. VIA REUTERS – TWITTER/MINISTRY OF LABOUR – STA

Anh Vũ

Những ngày qua, nghi án tham nhũng Qatargate đã làm rúng động chính trường Liên Âu. Nghị Viện Châu Âu buộc phải thông qua các biện pháp trừng phạt Qatar. Điều bất ngờ là vương quốc Vùng Vịnh nhỏ bé này đã đáp lại bằng những lời đe dọa trả đũa Liên Hiệp Châu Âu. Doha giờ dường như đã có thể nói chuyện với Bruxelles trên thế mạnh, vì họ nắm trong tay nguồn khí đốt quý giá mà cả Liên Âu đang bị lệ thuộc.

Liên Hiệp Châu Âu trong nỗ lực đoạn tuyệt với nguồn khí đốt Nga buộc phải tìm nguồn cung mới từ khắp nơi, trong đó vương quốc nhỏ bé Qatar rất dồi dào khí đốt thiên nhiên đang được EU đặc biệt nhắm tới. Trong bối cảnh như vậy, nghi án bê bối tham nhũng tại Nghị Viện Châu Âu bất ngờ bung ra. Vụ việc được báo chí đặt tên là Qatargate, liên quan đến việc bà phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Eva Kaili có thể đã nhận hối lộ để bảo vệ những lợi ích của Qatar.

Hôm thứ Năm vừa qua, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua các biện pháp trừng phạt, tạm cấm các đại diện lợi ích của vương quốc vùng Vịnh tiếp cận Nghị Viện Châu Âu trong khi điều tra nghi án. Quyết định có vẻ như rất hợp lý này lại vấp phải những phản ứng mạnh mẽ và có phần kẻ cả của Doha.  Qatar ngay lập tức cảnh báo Liên Hiệp Châu Âu rằng quyết định trên của Nghị Viện Châu Âu sẽ gây « hệ quả tiêu cực đối với hợp tác khu vực và thế giới trong lĩnh vực an ninh, cũng như đối với các cuộc thảo luận đang tiến hành về an ninh năng lượng toàn cầu », trong thông cáo  ra ngày 18/12 vừa qua.

Giới quan sát đều hiểu đó là một lời đe dọa bóng gió của Qatar, trong khi mà Liên Hiệp Châu Âu ngày càng phụ thuộc hơn bao giờ hết vào quốc gia vùng vịnh nhỏ bé nhằm thay thế nhu cầu khí đốt Nga hàng năm lên tới 167 tỷ mét khối.

Theo số liệu của ICIS (Independent Commodity Intelligent Services), cơ quan theo dõi về thị trường dầu khí, từ đầu cuộc chiến tranh ở Ukraina, nhập khẩu khí hóa lỏng của các nước Liên Hiệp Châu Âu đã tăng 58%, trong đó  Đức, Ý, Hà Lan, Slovakia và Pháp là những nước chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời các nước này đang nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở để có thể tiếp nhận được nhiều hơn khí hóa lỏng, chủ yếu sẽ đến từ Qatar vì thuận tiện trong chuyên chở, giá thành thấp hơn nhiều so với nguồn khí hóa lỏng mua của Mỹ.

Chuyên gia Sami Ramdani, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp ( IRIS), « phần khí đốt các nước Châu Âu nhập của Qatar đang tăng rất nhanh. Qatar là một trong nhưng tác nhân duy nhất mà Liên Âu có thể tận dụng để thay thế nguồn cung ứng Nga và sẽ còn là nguồn không thể thiếu trong nhiều năm tới. »

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, rồi bộ trưởng Kinh tế Đức đã lần lượt đến Doha, với mục đích tìm nguồn cung ứng khí đốt ổn định, lâu dài.

Cuối tháng 11 vừa qua, Qatar đã ký với Đức một hợp đồng kéo dài 15 năm để mỗi năm nhận được hai triệu tấn khí hóa lỏng. Số lượng chưa phải là lớn, nhưng đây là hợp đồng khí đốt dài hạn đầu tiên một nước Châu Âu ký với Qatar. Trong hoàn cảnh như vậy, Châu Âu khó mà có thể đẩy xa hơn vụ Qatargate để tránh dẫn đến đổ vỡ quan hệ với vương quốc vùng Vịnh.

Doha giờ đây ý thức được mình có phạm vi hành động rộng hơn nhiều để gây áp lực với các nước châu Âu, bất chấp các tố cáo tham nhũng, vi phạm nhân quyền, hay ngược đãi người lao động nhập cư trên các công trường chuẩn bị Cúp bóng đá thế giới vừa qua.

Ngay sau khi bung ra vụ « Qatargate », bộ trưởng Kinh Tế Đức đã thông báo Berlin sẽ không từ bỏ các hợp đồng nhập khẩu khí đốt từ Qatar. Nhiều nước thành viên khác của Liên Âu chắc hẳn cũng có lập trường tương tự. Từ khi nổ ra cuộc chiến tranh tại Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc năng lượng vào Nga, nhưng lại rơi vào sự lệ thuộc mới.

Để ra khỏi cái vòng luẩn quẩn như vậy, có lẽ chỉ có giải pháp khả thi là đoạn tuyệt với năng lượng hóa thạch. Nhưng đó chỉ là một dự án của tương lai mà châu Âu đang theo đuổi.

Bài Liên Quan

Leave a Comment