Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết sau 74 năm yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Myanmar

22/12/2022


\"Kỳ
Kỳ họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 22/12/2022 bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về Myanmar.

Hôm 21/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về Myanmar sau 74 năm yêu cầu chấm dứt bạo lực và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, theo Reuters.

Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội tiếm quyền từ tay chính phủ dân cử của bà Suu Kyi vào ngày 1/2/2021, giam giữ bà và các quan chức khác, đồng thời đáp trả các cuộc biểu tình và bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ bằng vũ lực sát thương.

Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward phát biểu sau cuộc bỏ phiếu về nghị quyết do Anh soạn thảo: “Hôm nay chúng ta đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới quân đội rằng họ chớ nghi ngờ – chúng ta hy vọng nghị quyết này sẽ được thực thi đầy đủ”.

“Chúng ta cũng gửi một thông điệp rõ ràng tới người dân Myanmar rằng chúng ta tìm kiếm sự tiến bộ phù hợp với các quyền của họ, mong muốn và lợi ích của họ,” bà Woodward nói với hội đồng có 15 quốc gia thành viên.

Từ lâu đã có sự chia rẽ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, với việc Trung Quốc và Nga tranh cãi về hành động mạnh mẽ này. Cả hai nước này đều bỏ phiếu trắng hôm 22/12, cùng với Ấn Độ. Trong khi đó, 12 thành viên còn lại bỏ phiếu thuận.

“Trung Quốc vẫn có những lo ngại”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) nói với hội đồng sau cuộc bỏ phiếu. “Không có giải pháp nhanh chóng cho vấn đề… Cuối cùng thì vấn đề có thể được giải quyết đúng đắn hay không, về cơ bản và duy nhất, phụ thuộc vào chính Myanmar”.

Ông cho biết Trung Quốc muốn Hội đồng Bảo an thông qua một tuyên bố chính thức về Myanmar, chứ không phải một nghị quyết.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết Moscow không coi tình hình ở Myanmar là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và do đó tin rằng Hội đồng Bảo an LHQ không nên giải quyết vấn đề này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hoan nghênh việc thông qua nghị quyết này. “Đây là một bước quan trọng của Hội đồng Bảo an nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng và chấm dứt sự đàn áp leo thang và bạo lực của chế độ quân sự Myanmar đối với dân thường”, ông Blinken nói trong một tuyên bố.

Bài Liên Quan

Leave a Comment