RFA
2022.12.23
Hai máy xúc đang tham gia xây dựng ở đảo Ba Bình vào tháng 3 năm 2016
Hành động xây và mở rộng đảo nhân tạo hiện nay của Trung Quốc ở Trường Sa là vô cùng nguy hại cho chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông cũng như trật tự quốc tế trên biển, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm 20/12, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trên các thực thể theo tên gọi của Việt Nam là Đá Ba Đầu, An Nhơn, Tri Lễ và Đá Én Đất ở quần đảo Trường Sa vốn đang tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Đài Loan.
Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA), thạc sỹ Hoàng Việt cho biết thông tin trên của Bloomberg rất đáng tin cậy:
“Thông tin mà Bloomberg đưa ra cách đây mấy ngày đã được nhiều hãng tin đưa lại, từ Thời báo Nhật Bản (The Japan Times) tới phía Philipines. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã đưa ra tuyên bố phản đối chính thức.
Bloomberg đưa tin kèm hình ảnh vệ tinh cho nên thông tin này rất là xác thực.”
Ông nhắc lại năm 2020, Trung Quốc đưa hàng trăm tàu cá đến neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu, với mục đích tạo ra một thủ thuật pháp lý nhằm khẳng định \”chủ quyền\” ở đây.
Ông cho rằng việc Trung Quốc bồi lấp bốn thực thể lúc chìm lúc nổi không có người ở thành các thực thể nổi trên mặt nước là hành động nguy hại cho Việt Nam và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hôm thứ tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi báo cáo của Bloomberg, cho đây là \”tin giả,\” trong khi phía Philippines nói rằng họ đã yêu cầu các cơ quan chính phủ điều tra báo cáo.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington D.C, cơ quan theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Biển Đông, vẫn chưa báo cáo về bất kỳ hoạt động mới nào của Trung Quốc.
Giám đốc AMTI ông Greg Poling nói với RFA ban tiếng Anh rằng: “Trung Quốc đã không chiếm đóng một thực thể mới kể từ tháng 12 năm 1994 và không xây dựng bất cứ thứ gì mà họ chưa chiếm giữ.\”
Ông Poling cho biết “hình ảnh thương mại không thể chứng thực” những tuyên bố được đưa ra trong báo cáo của Bloomberg.
“Tất cả những gì tôi có thể nói chắc chắn là các bãi cát ở bốn thực thể đó đã thay đổi theo thời gian nhưng nhìn chung có cùng kích thước. Nếu có bằng chứng về việc xây dựng thì nó phải rất tinh vi và không được nhìn thấy trong hình ảnh vệ tinh thương mại,” ông nói với RFA.
Tuy nhiên, chuyên gia đến từ TPHCM – thạc sỹ Hoàng Việt cho rằng cùng với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây từ nhiều năm trước, Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo mới này để đe doạ Việt Nam, và cả Philippines.
“Ảnh hưởng thứ nhất là liên quan đến các cấu trúc mà Việt Nam và Philippines đang chiếm giữ hiện nay. Bởi vì các đảo mà Trung Quốc đang xây rất gần với các thực thể đó và uy hiếp. Đảo đá Ba Đầu nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông mà Việt Nam đang quản lý.
Thứ hai, việc này sẽ phá huỷ trật tự biển quốc tế vốn dựa trên Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) vốn có vai trò quan trọng trong quản trị biển và đại dương.”
Ông nói Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các quốc gia ASEAN muốn giữ nguyên trạng nhưng Trung Quốc tích cực bồi lấp đảo nhân tạo để tạo ra sự đã rồi để nắm thế thượng phong trong khu vực.
“Điều thứ ba là việc này thay đổi nguyên trạng (ở Biển Đông) theo hướng có lợi cho Trung Quốc., ảnh hưởng đến quyền lợi của các quốc gia ở Đông Nam Á trên biển Đông.”
Ông cũng dự đoán Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục có những hành động hung hăng để khẳng định chủ quyền phi pháp của mình ở Trường Sa và Biển Đông trong thời gian tới.
Cho tới nay, Hà Nội chưa có phản ứng gì về thông tin mà Bloomberg đưa ra đầu tuần. Phóng viên có gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã phát triển một số đảo nhân tạo ở Biển Đông đang tranh chấp và quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số đó với sân bay, radar và nhà chứa máy bay, nhưng tiết lộ mới này có thể là “trường hợp đầu tiên được biết đến của một quốc gia làm như vậy trên lãnh thổ mà họ không đã chiếm giữ,” Bloomberg đưa tin.
Các quan chức, những người yêu cầu giấu tên để họ có thể thảo luận về thông tin nhạy cảm, nói với hãng tin rằng “một số bãi cát và các cấu tạo khác trong khu vực đã mở rộng quy mô hơn mười lần trong những năm gần đây.”
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Trung Quốc đã phát triển ít nhất bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông với tổng diện tích 1.295 ha kể từ năm 2013, Việt Nam cũng phát triển nhưng chưa đến 20% của số này.
Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết vào tháng ba năm nay rằng ba trong số đó – Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Chữ Thập – dường như được quân sự hóa hoàn toàn và được trang bị hệ thống tên lửa cũng như máy bay chiến đấu.