Tác giả: Ishaan Tharoor
Cù Tuấn, dịch
Một năm trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một nhà lãnh đạo có phần không được ưa chuộng ở Kiev, bị những người chỉ trích coi ông là một diễn viên hài. Giờ đây, sau cuộc xâm lược vào tháng Hai của Nga, vị tổng thống thời chiến này đã trở thành một biểu tượng toàn cầu, một anh hùng dân tộc Ukraine, người tổ chức hội nghị truyền hình nhiều nhất thế giới, và là nhân vật ít gây ngạc nhiên nhất trong những năm gần đây khi nhận được danh hiệu “Nhân vật của năm” của tạp chí Time.
Sự ngưỡng mộ tầm quốc tế dành cho Zelensky cuối cùng không chỉ về bản thân người này. Chủ nghĩa khắc kỷ và lòng dũng cảm của Zelensky dường như thể hiện tinh thần của một quốc gia đã chống lại cuộc tấn công dữ dội của Nga trong gần 10 tháng với cái giá phải trả ghê gớm về nhân mạng và tài nguyên.
Ukraine hiện đang phải chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt, vì Nga đã thực hiện các cuộc tấn công tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có ít nhất 2 triệu và nhiều nhất là 10 triệu người Ukraine đang sống không có điện, chìm trong bóng tối lạnh giá bao trùm. Như các phóng viên đồng nghiệp đã đưa tin, ngay cả khi đó, nhiều người Ukraine vẫn không để những tai ương do Điện Kremlin gây ra làm tâm trạng của họ trở nên u ám.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Zelensky và các đồng minh của ông đã khẳng định cuộc chiến của Ukraine không chỉ đơn giản là bảo vệ lãnh thổ của họ, mà là một cuộc đấu tranh giữa các nền văn minh, cuộc đấu tranh giữa những khát vọng tự do và nền dân chủ non trẻ của Ukraine chống lại chế độ độc tài và chuyên chế mà nước Nga của Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng vai trò đại diện.
“Chúng tôi đang đối phó với một quốc gia hùng mạnh không muốn để Ukraine thoát ly ra khỏi vòng ảnh hưởng”, Zelensky nói với Simon Shuster của báo Time, ám chỉ rằng Điện Kremlin không thể chấp nhận một Ukraine ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của Nga. “Họ coi nền dân chủ và tự do của Ukraine là vấn đề sống còn của chính họ”.
Zelensky lặp lại những gì ông và nhiều người Ukraine khác đã nói trong nhiều tháng, rằng họ đang chiến đấu thay mặt cho các nền dân chủ khác dễ bị Nga tấn công: “Nếu Nga nuốt chửng Ukraine chúng tôi, mặt trời sẽ trở nên tăm tối hơn trên bầu trời quốc gia của bạn”.
Hôm 13/12, hàng chục quốc gia tại một hội nghị quốc tế ở Paris đã tập hợp xung quanh Ukraine. Họ cam kết viện trợ bổ sung hơn 1 tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine trong thời gian tới, bao gồm cả việc giúp tăng cường mạng lưới năng lượng bị tàn phá và các khía cạnh khác của cơ sở hạ tầng dân sự.
“Hơn 440 triệu USD trong tổng số viện trợ đã cam kết dự kiến sẽ được chuyển đến mạng lưới điện của Ukraine. Các quan chức Pháp cho biết số tiền cuối cùng có thể sẽ còn tăng lên”, các phóng viên đưa tin. “Trong một bài phát biểu qua video trước đó vào ngày 13/12, Zelensky kêu gọi cộng đồng quốc tế ưu tiên duy trì nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine, kêu gọi viện trợ ít nhất 850 triệu đô la cho lĩnh vực này”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi “sự dũng cảm và quyết tâm” của Ukraine, đồng thời nói rằng, thành công của hội nghị ở thủ đô nước Pháp là “bằng chứng hữu hình cho thấy Ukraine không đơn độc”.
Kyiv vẫn kiên quyết rằng họ cần nhiều vũ khí và khí tài hơn để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và giành lại nhiều lãnh thổ đã mất. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với các phóng viên: “Xét đến quy mô của cuộc chiến và việc Nga không sẵn sàng chấp nhận thực tế và rút khỏi Ukraine, chúng tôi sẽ phải chiến đấu trong suốt mùa đông”. Ông nói thêm rằng, các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là dấu hiệu cho thấy, thất bại quân sự rộng lớn hơn của nước này.
Kuleba nói: “Sự tấn công man rợ như vậy là phản ứng của Nga đối với việc thua trận trên chiến trường. Họ đã phải chịu một số thất bại nhục nhã”.
Ukraine cũng đã nhận được một lượng lớn vũ khí và viện trợ quân sự của phương Tây. Vào thứ Ba 13/12, các đồng nghiệp của tôi đã đưa tin rằng chính quyền Biden đang chuẩn bị gửi hệ thống tên lửa Patriot – công nghệ phòng không tinh vi nhất của họ – tới Ukraine.
Sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv đang được duy trì, bất chấp những lo ngại về sự mệt mỏi vì chiến tranh của nhiều quốc gia vốn ngày càng sâu sắc do tác động kinh tế rộng lớn hơn của chiến tranh và các lệnh trừng phạt năng lượng đối với nền kinh tế Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết trong một bài bình luận gần đây cho tạp chí Foreign Affairs: “Trong số nhiều tính toán sai lầm mà Putin đã mắc phải, đó là việc đánh cược rằng cuộc xâm lược Ukraine sẽ làm căng thẳng quan hệ giữa các đối thủ của ông ta. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra: EU và NATO đang mạnh hơn bao giờ hết”.
Cách xa Ukraine hàng ngàn dặm, các lãnh đạo của một quốc gia khác phải đối mặt với một nước láng giềng theo chủ nghĩa phục thù, đang tập trung theo dõi. Cuộc chiến ở Ukraine đã gây tiếng vang ở đảo quốc Đài Loan, quốc gia liên tục nằm trong bóng tối của Trung Quốc và là đối tượng của hàng loạt hành động khiêu khích ngày càng leo thang từ đại lục. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, cũng có lập trường không khác với lập trường của Putin về Ukraine, coi Đài Loan là một quốc gia bất hợp pháp mà buộc phải quay trở lại thành một phần của Trung Quốc.
Đối với Đài Loan, việc Ukraine dám thách thức Nga là một nguồn cảm hứng và là khuôn mẫu cho sự tồn tại của chính họ. Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Thái Minh Yên nói với tôi bên lề một hội nghị an ninh quốc tế lớn ở Halifax, Canada: “Ukraine đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc bảo vệ lãnh thổ của họ, và rõ ràng là người Ukraine có một xã hội dân sự rất kiên cường, giúp chống lại Nga xâm lược“. Ông nói thêm rằng, việc chứng kiến cuộc chiến đấu của Ukraine đã truyền cảm hứng cho Đài Loan thực hiện những cải cách quân sự dài hạn quy mô lớn, bao gồm cả việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với công dân của nước này.
Trong khi một cuộc xâm lược trên biển của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ trông rất khác so với các chiến dịch trên bộ của Nga ở Ukraine, các quan chức Đài Loan đã nắm bắt thời điểm này để kích động sự ủng hộ của quốc tế cho chính nghĩa của họ và gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thách thức mà Đài Loan sẽ phải đối mặt.
“Chúng ta đang phải đối mặt với chiến tranh không khói súng hàng ngày”, ông Thái nói, chỉ ra chiến thuật “chiến tranh hỗn hợp” của Trung Quốc, khi nước này sử dụng các hình thức đe dọa quân sự leo thang thông qua các cuộc tập trận hải quân và các cuộc xâm nhập trên không, cũng như các cuộc tấn công mạng và các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến.
“Nếu chúng tôi không giữ vững lập trường vào thời điểm này”, ông Thái nói, “Trung Quốc sẽ lấn dần như tằm ăn rỗi, từng bước một, để tạo ra một trạng thái bình thường mới, và từng bước, tiếp tục thay đổi hiện trạng cho đến khi chủ quyền của Đài Loan sẽ trở nên mong manh“.
Thái Minh Yên nói, kinh nghiệm về cuộc xâm lược Ukraine của Nga “cho thấy các quốc gia độc tài không ngần ngại xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia khác, sửa đổi biên giới quốc gia và thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Ông nói thêm rằng, đối với Đài Loan, bài học là hãy chuẩn bị ngay bây giờ cho một cuộc xâm lược, không chờ đến khi quá muộn.