- T. K. Tran
- Gửi bài từ Stuttgard, Đức
Thị trường lao động ở Việt Nam trong năm 2022 đã trải qua những biến động lớn và toàn diện, mà theo những nhà quan sát và cả những quan chức chính quyền là chưa từng thấy trong lịch sử.
Trong những tháng đầu năm 2022, phần đông những xí nghiệp \”khát\” người lao động. Các xí nghiệp phải chủ động cử người đến các địa phương để lôi kéo, thuyết phục người lao động đã về quê trở lại thành phố tiếp tục làm việc, để có thể hoàn tất những hợp đồng đã ký với những đối tác nước ngoài.
Đến quãng tháng 10/2022 tình hình đảo ngược. Do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, các xí nghiệp không có những đơn hàng mới, thế là làn sóng các xí nghiệp đóng cửa hay chỉ hoạt động cầm chừng xẩy ra, khiến hơn 624.000 công nhân mất việc hay bị giảm giờ làm.
Công nhân phải cắt giảm chi tiêu, gây tác động dây chuyền tới hàng triệu người lao động khác sống nhờ những dịch vụ cho công nhân và gia đình họ.
Bi đát hơn, một số lớn công nhân mất việc nhưng không có tiền để dành, không những thiếu tiền nuôi sống bản thân mà lại còn không thể nuôi nấng con cái và bố mẹ của họ nữa.
Tình hình lao động có thể gây xáo trộn về an ninh trật tự
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM, dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn, có thể kéo dài đến hết quý II năm 2023.
Điều này đồng nghĩa với tình cảnh hàng triệu con người sẽ không biết sẽ phải xoay sở ra sao để sống còn trong nhiều tháng tới, theo báo Việt Nam tường thuật.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu được trang Người lao động trích thuật, nhấn mạnh: \”Tình trạng người lao động bị mất, giảm việc làm hiện nay trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, tình cảm, nhận thức của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự…\”.
Nói cách khác, tình hình này khiến những lãnh đạo của Công đoàn lo ngại có thể xảy ra bạo loạn, nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ, nếu như không có các giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời.
Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền kinh tế đang tiến gần đến cuối năm. \”Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động\”, ông Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo thông tin từ đài báo.
Thế nhưng, tôi không biết \”biện pháp cứng rắn\” mà ông Thủ tướng muốn là gì, mà chỉ thấy chỉ thị của ông phản ánh tâm lý là nhà nước rất quan tâm và lo ngại.
Công đoàn Việt Nam định làm gì?
Trước tình hình ấy Tổng Công đoàn Việt Nam đã hoạch định kế hoạch làm việc của họ cho năm 2023 như thế nào?
Nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2023 là \”Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở\”, theo thông báo số 704/TB-TLĐ, ngày 09/11/2022 của đoàn Chủ tịch Công đoàn.
Thật là đáng ngạc nhiên. Trong tình thế khẩn trương dầu sôi lửa bỏng cho hàng trăm ngàn công nhân và gia đình họ, thì Công đoàn lại ung dung tự tại đặt trọng tâm hoạt động là thu hút công nhân tham gia tổ chức của mình, thay vì đấu tranh với chủ lao động vì quyền lợi của thành viên.
Trong văn bản này, chỉ tiêu chủ yếu hàng đầu là tăng thêm 1,1 triệu đoàn viên, thành lập 1282 Công đoàn cơ sở mới, giới thiệu 194.715 đoàn viên kết nạp vào Đảng Cộng sản VN. Một vài chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến công nhân như về tổ chức đối thoại, thỏa ước tập thể … chỉ được nhắc tới sơ sài cho có, xếp ở cuối bảng ưu tiên.
Hỗ trợ giải quyết nhu cầu cấp bách của công nhân, bảo vệ lợi ích cốt lõi của công nhân trong quan hệ lao động là việc làm, tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và những phúc lợi khác nhận được từ người sử dụng lao động … không phải là nhiệm vụ ưu tiên của Công đoàn Việt Nam?
Mặt khác, chủ đề hoạt động năm 2023 của Công đoàn cũng gián tiếp bộc lộ một thực tế là người lao động không \”mặn mà\” gì với tổ chức này.
Trong một báo cáo khác, chủ tịch Công đoàn VN, ông Nguyễn Đình Khang, thú nhận là chỉ tiêu phát triển đoàn viên năm 2022 của Công đoàn chỉ đạt được 60%.
Vì sao cần tăng lượng thành viên?
Câu trả lời có thể tìm thấy ở Bộ luật Lao động 2019, trong chương V, Mục 2 về quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp. Nội dung của khoản 2 điều 68 của Luật này ghi rõ:
\”Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở … thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp\”.
Do đó, Nghị quyết 02-NQ/TW của ban Chấp hành Trung ương đảng CS VN ký ngày 12/06/2021 đề ra chỉ tiêu cho Công đoàn là phấn đấu đến năm 2023 có 12 triệu đoàn viên, đến năm 2025 có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn.
Như thế, theo ý kiếm của tôi Công đoàn Việt Nam cần một số lượng đoàn viên đông đảo so với các tổ chức đại diện người lao động khác mà sau này sẽ được thành lập để nắm lấy quyền thương lượng với chủ doanh nghiệp.
Năm 2023 là thời điểm mà VN đã cam kết phê chuẩn Công ước ILO số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức, mở đường cho việc các hội đoàn được thành lập hợp pháp, trong đó có các tổ chức đại diện người lao động ngoài Công đoàn.
Nhpng cần nói thẳng rằng, không đặt lợi ích của người lao động lên ưu tiên hàng đầu, Công đoàn Việt Nam không có sức hấp dẫn người lao động, không thể phát triển đoàn viên
Thực ra không cần một công thức bí hiểm nào để Công đoàn có thể phát triển mạnh mẽ, khiến cho công nhân ùn ùn tự nguyện gia nhập. Muốn đạt được mục tiêu này, Công đoàn chỉ cần xem trọng ưu tư của người lao động, lấy lợi ích của họ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, thay vì chạy theo số lượng \”triệu đoàn viên\”, chạy theo thành tích báo cáo như tệ nạn chung hiện nay, hay chỉ giới hạn trong hoạt động phúc lợi cho công nhân.
Phúc lợi Công đoàn như \”mái ấm Công đoàn\”, \”siêu thị 0 đồng\”, \”học bổng Công đoàn\” …thường được tuyên truyền như là một điểm sáng của hoạt động Công đoàn, song cũng chỉ được đánh giá như sau:
(Trích)\”…Phúc lợi Công đoàn tuy có ý nghĩa, nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thu nhập và phúc lợi mà người lao động nhận được từ doanh nghiệp. Vì vậy, việc chăm lo đời sống cho người lao động là cần thiết, nhưng không phải là yếu tố quyết định trong việc thu hút đoàn viên.
Yếu tố quyết định là phải đấu tranh để tăng thu nhập, giảm định mức lao động và có được các chế độ phúc lợi tốt hơn từ chủ doanh nghiệp. Phương thức tất yếu để đạt được điều đó là Công đoàn phải đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp lao động, trong đó có tổ chức và lãnh đạo đình công\”(hết trích- từ nguồn báo chính thống).
Đây không phải là công kích của \”thế lực thù địch phản động, đánh phá chế độ\” mà là nhận định của TS Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ LĐTBXH, trong một hội nghị về lao động trong tháng 11/2022 vừa qua.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, sau nhiều năm, một quan chức cao cấp trong chính phủ đề cập tới việc tổ chức và lãnh đạo đình công như là một nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn. Điều này nói lên sự bế tắc trong tư duy và hành động của cấp lãnh đạo Công đoàn từ trước tới nay.
Dù vậy, liệu họ có can đảm đổi mới tư duy không hay vẫn né tránh mọi hình thức đấu tranh trực diện, trong đó có tổ chức và lãnh đạo đình công, ẩn nấp dưới chiêu bài muôn thủa \”xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định trong doanh nghiệp\”? hay tiếp tục dỗ dành người lao động dưới hình thức \”tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn …\” (nguồn trên).
Trong tương lai, những tổ chức đại diện người lao động độc lập khác sẽ được thành lập hợp pháp vì đó là cam kết quốc tế Việt Nam đã ký.
Với đường lối như hiện nay, theo ý tôi, Công đoàn do Đảng Cộng sản chỉ đạo sẽ khó có khả năng cạnh tranh với những tổ chức đó, và sẽ không thu hút được người lao động tham gia, bởi chưa được người lao động tin tưởng trong chức năng bảo vệ quyền lợi cho họ.
Bài thể hiện quan điểm riêng của T.K Tran, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn ở châu Âu và Việt Nam.