Phương Tây chưa thể đánh quỵ nền kinh tế Nga sau 10 tháng áp dụng các trừng phạt

Đăng ngày: 26/12/2022

\"\"
\"\"
Dầu lửa của Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu bất chấp trừng phạt của phương Tây. Ảnh : Tàu chở dầu xuất khẩu Nga tại cảng Novorossiysk, Nga, ngày 11/10/2022. AP

Trọng Nghĩa

Tính đến ngày 24/12/2022, như vậy là cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do Nga tiến hành đã tròn 10 tháng. Ngay sau khi Matxcơva khởi chiến, phương Tây đã ban hành hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại nhằm bóp nghẹt Nga, buộc nước này ngưng chiến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là dù bị suy yếu, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững bất chấp 10 tháng trừng phạt.

Phải nói là mục tiêu mà phương Tây đề ra với các biện pháp trừng phạt đáng kể rất rõ ràng: “Cắt đứt mọi ràng buộc giữa Nga và hệ thống tài chính toàn cầu”. Trên cơ sở đó, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định nào là phong tỏa tài sản của Ngân Hàng Trung Ương Nga, nào là loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính quốc tế SWIFT, nào là cấm vận dầu hỏa và khí đốt Nga…

Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 23/12 vừa qua, các dữ liệu mới nhất về thương mại của Nga mà tổ chức tư vấn Bruegel tại Bruxelles thu thập được cho thấy là Matxcơva vẫn tiếp tục, ở mức độ thấp hơn, các giao dịch của họ với các nước Liên Âu, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia chưa bao giờ thực sự lên án cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Ví dụ điển hình về sức đề kháng tốt của Matxcơva là cán cân thương mại của Nga với 34 quốc gia trên thế giới – trong đó có Liên Âu, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc – chiếm 75% kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga vào năm 2019, năm cuối cùng trước đại dịch. Vào tháng 3 vừa qua, ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu, Nga đã đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục là 36,6 tỷ đô la, rồi sau đó ổn định ở mức gần với mức cuối năm 2021. 

Nghịch lý: Chính EU đã chi 106 tỷ cho Nga

Nga đã thu lợi được nhờ giá nguyên liệu thô tăng vọt, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ, và các khoản thu liên quan, do cuộc chiến Ukraina gây ra. Điều oái oăm là một mặt trừng phạt Nga, nhưng một mặt khác Liên Âu chưa từ bỏ việc nhập năng lượng từ Nga. Vào tháng 10 năm 2022 chẳng hạn, gần một nửa số nguyên liệu thô xuất khẩu của Nga được bán qua một quốc gia EU, với 9,7 tỷ đô la được chi cho việc mua dầu và khí đốt. Nếu tính thêm tiền mua than, số tiền mà các nước EU chi trả cho Nga lên tới 106 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 vừa qua!

Để giảm thiểu tác hại từ việc không xuất được hàng qua Châu Âu, Nga đã ồ ạt gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Ấn Độ. Trong thực tế, lượng dầu khí mà New Delhi mua của Nga đã tăng lên gấn năm lần và vào tháng 11 vừa qua, Matxcơva  đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ.

Đối với các sản phẩm khác mà Nga bán ra, xu hướng cũng tương tự như dầu khí: Xuất khẩu sang phương Tây đã giảm: (-62% với EU, -72% với Hoa Kỳ, -99% với Vương quốc Anh), trong lúc hàng hóa bán qua Trung Quốc và Ấn Độ lại gia tăng.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên duy nhất của NATO không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Matxcơva, đã trở thành khách hàng của hơn 40% hàng xuất khẩu của Nga sang 34 quốc gia được nghiên cứu!

Trung Quốc: Nhà cung cấp chính cho Nga

Vế nhập khẩu trong cán cân thương mại của Nga cũng tuân theo logic của vế xuất khẩu. Theo tổ chức Bruegel, sau cú suy giảm dữ dội trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, việc mua hàng từ nước ngoài của Nga đã tăng lên trở lại, thậm chí còn trở lại mức trước xung đột trong trường hợp Trung Quốc, nước đã soán ngôi châu Âu trong tư cách là nhà cung cấp chính của Matxcơva.

Nhìn chung, theo dữ liệu mới nhất hiện có, vào tháng 10 năm 2022, giá trị nhập khẩu của Nga lên tới 14,2 tỷ đô la cho 34 quốc gia được nghiên cứu, so với 17,7 tỷ đô la một năm trước đó. Mức suy giảm đó rất đáng kể, nhưng rõ ràng là nền kinh tế Nga dường như còn lâu mới chuyển sang trạng thái tự cung tự cấp như mong muốn của phương Tây.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, việc kinh tế Nga không bị đánh quỵ không có nghĩa là trừng phạt của phương Tây hoàn toàn thất bại. Nếu có một lãnh vực có thể nói là hiệu quả, thì đó là các biện pháp trừng phạt công nghệ.

Theo một ghi chú do nhà nghiên cứu Iryna Bogdanova thuộc Viện Phát Triển Bền Vững Quốc Tế công bố, những đòn đánh vào lãnh vực công nghệ “có khả năng có tác động tàn phá, không chỉ đối với năng lực quân sự của Nga mà còn đối với khả năng phát triển các giải pháp công nghệ cho mục đích phi quân sự, đặc biệt bằng cách hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với các linh kiện bán dẫn”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment