Công ty TNHH Nhà chùa là của ai?

Bình luận của Nguyễn Minh
2022.12.27

\"CôngHình chụp từ trên cao bức tượng Phật đang được xây dựng ở chùa Khai Nguyên, ngoại thành Hà Nội hôm 18/5/2019

 AFP

Tôi từng nghe kể một ngôi chùa nhỏ ở một tỉnh nhỏ đồng bằng sông Hồng, ít tiếng tăm ngoài đời, mỗi năm nhận được ít nhất vài trăm triệu từ một vị nữ lãnh đạo to. Để có lần thì bà bao nguyên chùa hầu đồng. Tại sao lại hầu đồng trong chùa? Ừ thì nghe kể vậy chứ không rõ chi tiết, nhưng trên đời chuyện quái gì cũng có thể xảy ra.  Có lần thì nhờ trụ trì cúng sao giải hạn. Lần khác thì việc khác. Mỗi lần đều to tiền, thấp nhất là 100 triệu (từ cách đây năm bảy năm) và đều diễn ra trong sự kín đáo nhất có thể. Xin nhắc lại là tôi nghe đồn thế chứ đòi bằng chứng cho những vụ này hầu như là không thể, bởi cả bên cho và bên thụ hưởng đều có lý do để thật kín tiếng.

Tuy nhiên không ít người biết mức độ đồ sộ của các khối tài sản được nhiều quan chức cúng dường cho chùa. 

“Trang trại của con quá lớn”

Lại vẫn không thể đưa ra bằng chứng vì liên quan đến người trong cuộc, nhưng tôi có người bạn là tu sĩ Phật giáo khá được lòng Phật tử do sự hiểu biết, nhiệt tình, trong sáng và vui tính. Khi còn ở Việt Nam, (vị này đã sang Mỹ tu học nhiều năm) dù chưa được trì chức nào trong giáo hội Phật giáo, nhiều lần vị tu sĩ này được ngỏ ý tặng đất đai (cả mảnh đất đồi vài ngàn mét, có suối chảy qua), xe hơi, đồng hồ đắt tiền, điện thoại thông minh đời mới… Bạn tôi không nhận, vì có học, hiểu rõ nhân quả và tính không tham lam. Nhưng cứ nhìn nhiều vị tu sĩ khác xem, họ sống đời tu hành mà tại sao dùng nhiều đồ dùng thường ngày đắt tiền, sở hữu nhiều tài sản không do họ làm ra, trái với lời Phật dạy sống đời khiêm nhường đến thế?
Nói gì đến các thể loại như đại đức Thích Thanh Toàn từng là trụ trì chùa Nga Hoàng ở tỉnh Vĩnh Phúc, gạ gẫm công khai nữ phóng viên báo Phụ nữ TP HCM “xin tí khí” và bị đưa lên công luận khiến phải xin xả giới hoàn tục. Xả giới hoàn tục nhưng cũng mấy ai sướng bằng anh Lê Hữu Long (thế danh của vị đại đức đáng quý), có hẳn trong tay khối tài sản gồm nhiều nhà cửa, đất đai, trang trại… trị giá đến 200-300 tỷ đồng.
– Bây giờ trang trại của con quá lớn, tượng pháp cũng quá lớn, bây giờ mình bán cho ai và chuyển nhượng thế nào? Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ (trích clip sư Toàn sám hối với giáo hội).

Phật tử cúng dường cho sư trước nay là chuyện hiển nhiên. Mấy ai được tâm sáng trí huệ như Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917- 2021), Đệ tam Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả đời làm ruộng để tự nuôi thân và nghiên cứu, viết, dịch, phổ biến kinh sách Phật học. Nhưng phật tử đại chúng bình dân cũng chỉ cúng dường cho sư được cân gạo, mảnh vải, giỏ trái cây… và sức lao động làm công quả mà thôi. Những tài sản lớn thì phải do những người giàu có biếu tặng, trong đó quan chức không hề ít. 

Đó là mâu thuẫn trong hài hòa, hay là hài hòa trong mâu thuẫn? Có thể là cả hai, nhưng chỉ cần là người Việt Nam trong thế kỷ này thì thừa hiểu. Quan chức Việt Nam hoạt động trong một môi trường đầy rẫy  bất trắc và vô lý, thậm chí sự thăng tiến và trụ chức của chính họ rất nhiều khi thậm vô lý đến nỗi chính họ cũng khó hiểu. Bộ máy chính quyền gần như không có chỗ cho những người giỏi chuyên môn, quản lý tốt nhưng ngay thẳng và trong sạch. Mà thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ. Có một trong ba thứ này thì chỉ một đêm lên quan. Vậy không phải nhờ cao xanh che chở, “Cô thương” thì là nhờ gì? 

Trên con đường chới với giữa người phàm và các đấng phù hộ độ trì và với thói quen về tâm linh tín ngưỡng ở Việt Nam, những người ở trong chùa, đền đều được xem là que hương, mỗi lần thắp lên là nối liền hai thế giới. Nhất là những người mặc áo cà sa.

Anh Lê Hữu Long, sinh năm 1976, từng là đại đức Thích Thanh Toàn có được khối tài sản 200-300 tỷ đồng chỉ sau không nhiều năm đi tu. Tài sản đó đến từ ai?
Sư Toàn được Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm làm trụ trì ngôi chùa này từ năm 2008 đến nay. Khi tiếp cận, chúng tôi rất bất ngờ bởi một ngôi chùa nhỏ, không hề nổi tiếng, nằm ở chân dãy núi Tam Đảo lại có quá nhiều “con nhang đệ tử” đứng sau sư thầy để “tiền hô hậu ủng”, đóng góp mua hàng chục héc-ta ruộng lúa xung quanh để xây dựng và mở rộng chùa.

Có rất nhiều nhân vật VIP thường xuyên tới lui nơi này trong những buổi lễ quan trọng. Tại lễ Vu lan (rằm tháng Bảy) năm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến một nữ Ủy viên chuyên trách của Quốc hội đã tham gia từ đầu đến cuối buổi lễ. Bà ở lại ăn cơm chay và bàn bạc với sư thầy những việc quan trọng.

Chính vì có những VIP như thế, sư thầy Thích Thanh Toàn và chùa Nga Hoàng ngày càng khuếch trương thanh thế, càng có sức hút để nó từ một ngôi chùa bé tẹo như bị bỏ quên, qua dăm năm, đã ngổn ngang các công trình xây dựng trên đất ruộng. Đằng sau nó là bao lời bàn tán về những “ông to bà lớn” đã yểm trợ cho chùa.

Trong một lần nói chuyện, nghe tôi bày tỏ ý muốn được đầu tư bất động sản tại Tam Đảo, cái tên Tam Đảo II đã được nhắc đến. Sư Toàn nói: “Con nên đầu tư vào dự án Tam Đảo II, chùa Địa Ngục của thầy nằm trong lòng dự án này. Đây sẽ là một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất”.

Sau đó, sư Toàn nhiều lần thuyết phục tôi đầu tư vào dự án này, bởi khả năng lãi “khủng” của nó và mối quan hệ đặc biệt của sư Toàn với ông Sơn – Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Sư Toàn nửa kín nửa hở, căn dặn tôi không được để lộ chuyện mua dự án này vì “pháp luật không cho phép”, nhưng sẽ được hợp thức hóa bằng một cách nào đó.

(…)
Tại sao chùa Địa Ngục lại ra đời? Tại sao nó nằm trong lòng dự án Tam Đảo II? Tại sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng định rằng, ngôi chùa này không có điển tích? Ngay cả những người đã đồng hành cùng sư Toàn đi tìm đốm sáng trong rừng ấy đã khẳng định chắc chắn rằng: “Chẳng có cái gì cả. Từ mộ cổ đến giếng cổ đều do sư Toàn dựng lên hết”. Tại sao những chuyện hài hước như vậy lại có đất tồn tại suốt những năm qua? Đứng sau sư Toàn là ai mà có thể huy động được rất nhiều tiền của, tâm sức để dựng cốt chùa, đúc chuông, chuyển chuông?…

Và có rất nhiều gương mặt VIP luôn đồng hành cùng sư Toàn từ những ngày đầu xây chùa Địa Ngục. Chính sư đã nói với tôi, những VIP này đều có phần đất trong dự án. Ông muốn giúp tôi bằng cách mua lại “suất ngoại giao VIP” này và cam kết lời “khủng”.

Tôi hỏi: “Con đọc trên mạng, thấy có thông tin Sun Group liên danh với Sông Hồng Thủ Đô?”. Sư Toàn xua tay: “Dự án này đầu tiên do Sông Hồng Thủ Đô đứng ra xin, sau đó Sun nhảy vào. Liên danh chỉ là cái cớ thôi, của chú Sơn bên Sun Group hết. Chú ấy còn đang bảo đưa thầy 300 tỷ để xây chùa Địa Ngục”.

(trích báo Phụ nữ TP HCM)

Nhiều năm gần đây, những quần thể chùa – khu du lịch luôn gắn với các công trình vật chất đồ sộ và xưng tụng “lớn nhất” (như tượng phật ngọc lớn nhất thế giới, tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, bảo tháp lớn nhất, quần thể rộng lớn nhất…, thậm chí “linh thiêng nhất” như khu Đại Nam quốc tự ở Bình Dương, chùa Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)… Chùa sau to lớn hơn, vẽ ra nhiều thứ hơn, tốn nhiều tiền hơn chùa trước. Chúng tôi từng theo chân một vị cựu quan chức TP HCM đi dự lễ an vị tượng Phật ở thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, một ngôi chùa cực lớn gần TP HCM. Chùa được xây dựng cấp tập trên những khoảnh ruộng và vườn vừa mua lại của người dân, và tuy cực lớn nhưng nó vẫn lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông nằm tận vùng rất sâu so với trục đường chính. Quanh chùa, xi măng vôi vữa vẫn ngổn ngang giữa đất ruộng vừa móc lên và vườn tược của người dân quanh vùng. Hôm an vị tượng Phật có cả một vị nguyên thủ quốc gia về dự, công an và cảnh sát vòng trong vòng ngoài bảo vệ từ cách gần 10 cây số. Người dân từ TP HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông đổ về như thác, ô tô đỗ cả ngàn chiếc, xe máy phải gửi từ cách vài cây số rồi đi bộ vào chùa mà đường vẫn chen chúc kín đặc người. Từ những hôm trước, vị VIP mà chúng tôi đi cùng đã cùng những vị VIP khác cao hơn đặc biệt chuẩn bị cho buổi lễ này, bằng rất nhiều tiền bạc và vật phẩm. Nguồn tiền? Bà nói từ kinh doanh và từ những người bạn đóng góp.

Nguồn tiền ở đâu để những ngôi chùa vĩ đại ngày càng mọc lên trong những khoảng thời gian ngắn ngủi kỷ lục, sắm những tượng Phật ngày càng to lớn và đắt tiền và đổi lại, nguồn thu trở về của nó cũng vĩ đại không kém? Tại sao nằm trọn vẹn trong vườn quốc gia hay vùng đất nông nghiệp mà nó lại được cho phép chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng chóng vánh, dồi dào đến thế? 

Hỏi đã là trả lời.

\"000_1GE9F3.jpg\"
Các sư đang làm lễ tại chùa Tam Chúc ở Hà Nam hôm 13/5/2019. AFP

Phát mãi thần linh

Xưa kia, quan chức đi chùa, cúng vái các nơi thờ tự có tiếng linh thiêng chỉ để cầu xin phù hộ cho con đường làm quan an toàn và thênh thang. Cạnh đó là để “tán lộc”, phân phát lại một phần của cải đã nhận được, thấm nhuần quan điểm “lộc bất tận hưởng” của người Việt Nam. Con số cúng dường ngày càng cao lên với sự bất an về chức quan, biến thành hối lộ thần linh. Nhưng khi nhận ra lợi nhuận ngất ngưởng và an toàn từ việc khai thác niềm tin tâm linh và tín ngưỡng của người dân thì từ hối lộ thần linh đến việc chủ động lôi kéo đồ đệ của các ngài vào công cuộc phát mãi thần linh làm giàu, chỉ cách một bước chân. 

Từ lâu, dân Việt Nam đã mỉa mai dùng từ “chùa quốc doanh”, “sư quốc doanh”, “công ty TNHH Chùa”… để gọi những ngôi chùa sặc mùi tiền và những ông sư giỏi “làm kinh tế”. Những vị như trụ trì Thích Thanh Toàn, trụ trì Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng lừng danh với vụ bắt phật tử nộp tiền để cúng oan gia trái chủ, trụ trì Thích Thanh Quyết chùa Phúc Khánh (từng bị gọi là Thích Hành Quyết) mỗi năm thu tiền cúng sao giải hạn với giá 150.000 đ/người, mà số người ngồi vây quanh chùa kẹt hết mấy con đường… chỉ là một số ít nổi bật trên cái nền mạt pháp nói chung. Còn nhiều sư nhậu nhẹt, chơi gái, chụp hình cầm súng ống, khoe tiền bạc của cải, hành xử như lưu manh với phật tử. 

Thế nhưng vì cớ gì những điều nghịch đạo ấy cứ ngang nhiên phơi giữa bạch nhật mà không một chức sắc nào của Giáo hội Phật giáo dám thật sự ra tay chỉnh đốn mà chỉ phê phán trên báo chí? Chỉ mãi đến khi các “công ty” quá ngang ngược lộng hành, công luận và người dân phẫn nộ thì các sư mới bị …luân chuyển đi nơi khác, và… tiếp tục lên chức tại đó. 

Như sư Thích Trúc Thái Minh sau vụ ầm ĩ chùa Ba Vàng năm 2019, bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong giáo hội (chức vụ cao nhất là Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam) thì về Quảng Bình và mới đây nhất, vừa lên chức Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027.

Bài Liên Quan

Leave a Comment