Dịch Covid bùng phát mạnh ở Trung Quốc và những hậu quả tiềm ẩn

Đăng ngày: 27/12/2022

\"\"
\"\"
Thân nhân của những bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 22/12/2022. AP – Dake Kang

Anh Vũ

Sau gần ba năm cách ly đất nước với thế giới bên ngoài để phòng chống đại dịch Covid-19, từ đầu tháng 12 này, chính quyền Bắc Kinh bất ngờ cho dỡ bỏ chính sách « zero Covid ». Trong vòng vài tuần lễ, một làn sóng lây nhiễm bùng lên với tốc độ chóng mặt ở khắp Trung Quốc khiến giới chuyên gia không khỏi lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra đối với phần còn lại của thế giới.

Sau ba năm duy trì một chiến lược phòng chống dịch hà khắc nhất thế giới cho đến khi dân chúng không còn chịu đựng được nữa, đầu tháng 12, Bắc Kinh đã phải quyết định hủy bỏ chính sách « zero Covid ». Ba tuần sau đất nước rộng lớn Trung Quốc  bị chìm trong làn sóng lây nhiễm lớn chưa từng thấy từ đầu đại dịch. Hệ thống y tế quá tải, hàng triệu ca nhiễm mỗi ngày và có thể cả hàng nghìn người chết. Chính quyền lúng túng trong việc thông tin những số liệu của đợt dịch mới. Theo con số chính thức, quốc gia đông dân nhất thế giới này chỉ ghi nhận 6 ca tử vong vì Covid và vài chục ngàn ca nhiễm từ khi gỡ bỏ các quy định phòng dịch. Những số liệu này quá thấp so với thực tế, theo giới chuyên gia.

Trên kênh truyền hình Pháp BFMTV, ông Christophe Bréchot, nhà virus học, chủ tịch Global Virus Network, nhận định : « Ít nhất đã có 250 triệu người nhiễm Covid tại Trung Quốc từ ba tuần nay. Trong khi trên cả thế giới chỉ thống kê được khoảng 660 triệu ca nhiễm từ đầu đại dịch ».

Theo chuyên gia này, dù còn quá sớm và khá phức tạp để đánh giá những hậu quả của sự bùng nổ lây nhiễm ở Trung Quốc này với phần còn lại của thế giới, nhưng đại dịch là vấn đề toàn cầu, chứ không khép kín trong một quốc gia. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến tình hình y tế toàn cầu trong thời gian tới.

Trước hết, theo chuyên gia virus học Christophe Bréchot, trong một quần thể dân số có quá đông người bị nhiễm virus sống chung, có nguy cơ xuất hiện những biến thể mới. Virus càng lan truyền nhanh thì khả năng sinh ra các biến thể mới cùng với những đặc tính phức tạp hơn càng lớn.

Tiếp sau đó là các rủi ro về kinh tế. Với làn sóng ca nhiễm mới hàng triệu người mỗi ngày, tình trạng các nhà máy ngừng hoạt động, sản xuất, xuất khẩu đình trệ của năm 2020 có thể sẽ tái diễn. Sản xuất ở Trung Quốc mà tê liệt thì sẽ kéo theo những hệ lụy đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo các nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng, suy thoái không tránh được.

Một hậu quả nhãn tiền đối với châu Âu và nhất là ở Pháp những ngày qua là tình trạng thiếu thuốc, khi mà 80% các hoạt chất, nguyên liệu cơ bản để bào chế thuốc được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Các chuyên gia y tế từ bên ngoài nhìn vào Trung Quốc từ lâu nay đã nhận thấy chính sách « zero Covid » không thể duy trì mãi được. Nhưng việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch trong một đất nước đông dân nhưng khả năng miễn dịch yếu do tỷ lệ phủ vac xin thấp như Trung Quốc sẽ gây những hậu quả khắc nghiệt. Trong phạm vi nội địa, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng bùng nổ các ca nhiễm và tỷ lệ tử vong tăng mạnh. Theo nhiều đánh giá của giới chuyên gia dịch tễ, khả năng sẽ có tới 2 triệu người Trung Quốc tử vong trong đợt bùng phát dịch lần này, nếu chiến dịch tiêm chủng không được đẩy mạnh hơn.

Thêm vào đó là việc thông tin về tiến triển dịch không minh bạch của chính quyền, vốn có trong chế độ Bắc Kinh, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát dịch thêm khó khăn. Trên góc độ dịch tễ, nếu người ta không có các dữ liệu để truy vết, nghiên cứu thì sẽ rất khó lường trước được sự xuất hiện của những biến thể mới cùng các đặc tính của chúng, để có thể có những biện pháp phòng chống kịp thời.

Trước mắt, những thay đổi chính sách Covid và những diễn biến dịch ở Trung Quốc chưa đặt ra nguy cơ nào với phần còn lại thế giới, nhưng giới chức y tế các nước vẫn rất cảnh giác, để cơn ác mộng hồi đầu năm 2020 không trở lại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment