Logo Twitter in 3D được nhìn thấy phía trước một bức ảnh hiển thị ông Elon Musk trong hình minh họa này, hôm 27/10/2022. (Ảnh: Dado Ruvic/Illustration/Reuters)
Elon Musk: ‘Hầu hết mọi thuyết âm mưu mà mọi người biết về Twitter hóa ra đều là sự thật’
Tác giả Katabella Roberts
- Thứ ba, 27/12/2022
Hôm 24/12, chủ sở hữu mới của Twitter, ông Elon Musk, đã tuyên bố rằng gần như mọi thuyết âm mưu về nền tảng mạng xã hội này hóa ra đều là sự thật.
Ông Musk đã đưa ra những lời nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn trên kênh podcast “All-In,” nơi ông cũng thảo luận về cái gọi là “Hồ sơ Twitter” được công bố lần đầu tiên vào đầu tháng này thông qua hai ký giả độc lập là ông Matt Taibbi và bà Bari Weiss.
“Thành thật mà nói, hầu hết mọi thuyết âm mưu mà mọi người biết về Twitter hóa ra đều là sự thật,” ông Musk nói. “Có thuyết âm mưu nào về Twitter mà lại không biến thành sự thật không? Cho đến nay, tất cả các thuyết đó hóa ra đều là sự thật. Nếu không muốn nói là còn thật hơn cả những gì mọi người nghĩ.”
Trong khi đề cập đến hồ sơ Twitter, Giám đốc điều hành Tesla đã được hỏi liệu có “một phần nào trong bộ hồ sơ này thực sự khiến ông bị choáng ngợp hay không,” ông trả lời rằng “Nội dung liên quan đến FBI là khá gay gắt.”
Bộ hồ sơ Twitter chứa nhiều tài liệu, bao gồm các cuộc trò chuyện nội bộ giữa các nhân viên trên nền tảng mạng xã hội này, đồng thời nêu chi tiết những nỗ lực của công ty nhằm kiểm duyệt các tweet từ các nhà bình luận thuộc phái bảo tồn truyền thống và chặn một bài báo của New York Post về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden trước cuộc bầu cử năm 2020.
Twitter ‘hợp tác với Ngũ Giác Đài’
Các hồ sơ được phát hành hồi đầu tháng này cho thấy cách FBI đã phối hợp [với Twitter] để làm mất uy tín của bản tin về máy điện toán xách tay của ông Biden và ngăn bản tin này lan truyền trên Twitter hồi tháng 10/2020, chỉ vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử năm đó.
Những phần khác cho thấy cách FBI đã gây áp lực lên Twitter để tìm bằng chứng về ảnh hưởng ngoại quốc và các nguồn cung cấp thông tin giả và thực hiện hành động chống lại các tài khoản cụ thể.
Các hồ sơ được công bố hôm 21/12 và được ký giả Lee Fang đưa tin đã trình bày chi tiết cách Twitter “âm thầm trợ lực cho chiến dịch gây ảnh hưởng tâm lý trực tuyến bí mật của Ngũ Giác Đài” nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận ở Trung Đông, Iran, và Ả Rập Xê Út.
Theo những hồ sơ đó, Twitter đã hợp tác với Ngũ Giác Đài bất chấp tuyên bố rằng nền tảng này đang thực hiện “những nỗ lực phối hợp để phát hiện và ngăn chặn sự thao túng nền tảng do chính phủ hậu thuẫn.”
Ký giả điều tra Fang của tờ The Intercept viết: “Mặc dù những hứa hẹn là sẽ đóng cửa các mạng tuyên truyền bí mật do nhà nước điều hành, tài liệu Twitter cho thấy đại công ty truyền thông xã hội này đã trực tiếp hỗ trợ các hoạt động gây ảnh hưởng của quân đội Hoa Kỳ.”
“Đằng sau hậu trường, Twitter đã chấp thuận và bảo vệ đặc biệt cho các hoạt động gây ảnh hưởng tâm lý trực tuyến của quân đội Hoa Kỳ,” anh Fang tiếp tục, khi dẫn chứng về các tài khoản mạng xã hội và nhân vật trực tuyến do quân đội Hoa Kỳ tạo ra.
FBI cân nhắc về Hồ sơ Twitter
Sau khi Hồ sơ Twitter được phát hành, FBI cho biết trong một tuyên bố: “Sự trao đổi giữa FBI và Twitter không cho thấy gì khác hơn là những ví dụ về các cam kết truyền thống, lâu đời, và liên tục của chính phủ liên bang với khu vực tư nhân của chúng tôi, vốn liên quan đến nhiều công ty trên nhiều lĩnh vực và các ngành công nghiệp. Như cuộc trao đổi thư tín đã cho thấy, FBI cung cấp thông tin quan trọng cho khu vực tư nhân trong một nỗ lực cho phép các công ty này bảo vệ chính mình và khách hàng của mình.”
“Những nam và nữ đặc vụ của FBI làm việc hàng ngày để bảo vệ công chúng Mỹ,” tuyên bố này tiếp tục cho biết thêm. “Thật không may là những người theo thuyết âm mưu và những người khác đang cung cấp thông tin sai lệch cho công chúng Mỹ với mục đích duy nhất là cố gắng làm mất uy tín của cơ quan này.”
Các hồ sơ khác đã được ông Taibbi công bố hôm 25/12 nêu chi tiết cách FBI được cho là đã hành động “với tư cách là người gác cổng cho một chương trình giám sát và kiểm duyệt mạng xã hội rộng lớn, bao gồm các cơ quan trong chính phủ liên bang — từ Bộ Ngoại giao đến Ngũ Giác Đài cho đến CIA.”
Ông Taibbi giải thích rằng Twitter có “quá nhiều liên lạc với quá nhiều cơ quan” đến nỗi các giám đốc điều hành không theo dõi được các cuộc trao đổi này. Theo ông Tabbi, các cuộc họp thường tập trung vào “các vấn đề của ngoại quốc,” bao gồm các chủ đề như thông tin sai lệch về Ukraine và các loại vaccine COVID-19.
“Mặc dù chủ đề chính thức là ‘Ảnh hưởng Ngoại quốc,’ nhưng FITF [Lực lượng Đặc nhiệm Ảnh hưởng từ Ngoại quốc của FBI] và văn phòng FBI [ở San Francisco] đã trở thành cầu nối cho hàng núi yêu cầu kiểm duyệt trong nước, từ chính quyền tiểu bang, đến thậm chí cả cảnh sát địa phương,” ông Taibbi cho hay.
Kể từ đó, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã gợi ý rằng đảng này sẽ tiến hành một cuộc điều tra về các trao đổi qua lại của FBI với Twitter.
Hôm thứ Bảy (24/12), khi ông Musk được hỏi rằng liệu ông có nghi ngờ FBI đóng một vai trò trong việc gắn cảnh báo nội dung để các công ty này gỡ xuống hay không, ông trả lời rằng nội dung bị gắn cảnh báo “không liên quan gì đến thứ như là chủ nghĩa khủng bố,” đồng thời cho biết thêm rằng “thực tế là họ đã gắn cảnh báo [các nội dung] có tính trào phúng.”