Đăng ngày: 27/12/2022
Điện Kremlin ngày 26/12/2022 tố cáo Ukraina đã dùng drone tấn công một căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga, khiến 3 quân nhân thiệt mạng. Dù Kiev không chính thức nhận mình là tác giả, nhưng theo giới phân tích, chính Ukraina đã tiến hành chiến dịch này, với mục tiêu gây khó khăn cho những vụ oanh kích của Nga vào mạng lưới năng lượng của Ukraina.
Về cuộc tấn công hôm qua, quân đội Nga, trong một tuyên bố được hãng thông tấn TASS trích dẫn, cho biết họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraina áp sát căn cứ không quân Engels, gần thành phố Saratov, cách biên giới Ukraina khoảng 500 cây số. Theo nguồn tin trên, đã có 3 người lính thiệt mạng vì mảnh vỡ chiếc drone bị phá hủy, nhưng hoàn toàn không có chiếc phi cơ nào bị hư hại, những khẳng định không thể được xác nhận.
Đây không phải là vụ tấn công đầu tiên vào Engels, căn cứ của một số máy bay ném bom chiến lược có khả năng hạt nhân của Nga, từng được sử dụng để bắn tên lửa hành trình vào Ukraina. Ngày 05/12 vừa qua, Engels đã là một trong hai căn cứ không quân bị máy bay không người lái được cho là của Ukraina chọn làm mục tiêu.
Căn cứ tại Nga bị tấn công, chiến dịch oanh kích Ukraina gặp trở ngại
Theo nhật báo Mỹ The New York Times, cho đến nay, các cuộc tấn công vào các sân bay sâu trong lãnh thổ Nga chưa gây thiệt hại lớn, nhưng đã buộc Matxcơva phải di chuyển đội máy bay của họ, qua đó cản trở chiến dịch dùng tên lửa hành trình tấn công mạng lưới năng lượng của Ukraina.
Mặt khác, do việc một số tên lửa hành trình được phóng đi từ các oanh tạc cơ cất cánh từ các sân bay bị đánh phá, các vụ tấn công của Ukraina có khả năng phá hủy các tên lửa còn nằm dưới đất tại các sân bay của Nga trước khi chúng có thể được triển khai.
Cho đến nay, chính quyền Ukraina không hề chính thức lên tiếng thừa nhận mình là tác giả các vụ tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, nhưng một cách bán chính thức, nhiều quan chức trong chính phủ hay quân đội đã gián tiếp xác nhận các vụ việc.
Ukraina gián tiếp xác nhận các vụ tấn công
Theo ghi nhận của The New York Times, sau khi Nga xác nhận vụ căn cứ không quân Engels lại bị drone đánh phá vào hôm qua, trên truyền hình Ukraina, đại tá Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Không Quân Ukraina, đã không ngần ngại cho rằng vụ nổ tại căn cứ không quân Engels là “hậu quả của những gì Nga đang làm” ở Ukraina.
Theo nhân vật này: “Nếu người Nga nghĩ rằng không có ai ở tại Nga bị chiến tranh ảnh hưởng, thì họ đã lầm to. Vụ nổ đầu tiên tại căn cứ không quân Engels trong tháng này đã buộc Không Quân Nga phải di chuyển các máy bay của họ đi nơi khác.”
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng, sau hai vụ tấn công đầu tiên vào căn cứ Engels cùng với môt căn cứ khác ở miền trung nước Nga, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, hiện là cố vấn cho tổng thống Volodomyr Zelensky, đã khẳng định: “Nếu ai đó tấn công bạn, bạn sẽ đánh trả”. Vị cựu bộ trưởng này đã thận trọng nói rõ là ông không phát biểu thay mặt chính phủ và không thể xác nhận các cuộc tấn công.
Ngoài ra, mặc dù các quan chức Ukraina không công khai xác nhận các cuộc tấn công của Ukraina vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, nhưng họ công khai hoan nghênh các cuộc tấn công và thảo luận về cách chúng mang lại lợi ích cho Ukraina về mặt quân sự.
Serhiy Hrabskiy, một đại tá đã nghỉ hưu và là nhà bình luận quân sự cho các phương tiện truyền thông Ukraina, đã ca ngợi việc quân đội Ukraina không ngần ngại tấn công các sân bay, kho nhiên liệu và đạn dược trên đất Nga, mà theo ông là mục tiêu quân sự chính đáng.
Đối với chuyên gia này, các vụ tấn công vào những vị trí ở Crimée và các cuộc đấu pháo ở vùng biên giới với Nga đã trở thành thông lệ khi chiến tranh bắt đầu xích lại gần bán đảo Nga bị chiếm đóng hơn. Điểm đáng chú ý là Nga hầu như không có phản ứng gì. Lý do là vì “Nga không còn khả năng phản ứng mạnh nữa”.
Kiev bớt lo bị Nga trả đũa
Đối với New York Times, cuộc tấn công thứ ba sâu trong lãnh thổ Nga trong không đầy một tháng phản ánh đánh giá của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Ukraina, theo đó có rất ít nguy cơ Matxcơva leo thang chiến tranh để trả đũa, bất chấp những lời đe dọa về hậu quả thảm khốc đối với các cuộc tấn công chống lại Nga.
Trong những tháng sau khi Nga xâm lược vào ngày 24/02, các đồng minh của Ukraina đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ các cuộc tấn công vào đất Nga có thể kéo theo tình trạng leo thang trả đũa, điều mà điện Kremlin và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Nga đã nhiều lần đe dọa.
Chính vì thế mà Hoa Kỳ và các nước khác vẫn từ chối cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraina và yêu cầu Kiev không dùng vũ khí phương Tây chi viện để bắn vào Nga.
Tuy nhiên, ngay tại Ukraina, những lo ngại leo thang đã giảm bớt, và trong thời gian gần đây, Ukraina đã nhiều lần tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Crimée cũng như ở các vùng lãnh thổ khác bị Nga chiếm đóng và tuyên bố là của mình. Hai ví dụ điển hình là vụ phá hoại cây cầu bắc ngang qua eo biển Kerch nối Crimée với Nga, hay các vụ tấn công vào tổng hành dinh Hạm Đội Hắc Hải. Và bây giờ Ukraina được cho là đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào chính nước Nga.
Kho tên lửa Nga đã cạn kiệt?
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà bình luận Serhiy Hrabskiy ghi nhận: “Có rất nhiều lằn ranh đỏ được Nga tuyên bố liên quan đến việc leo thang hơn nữa”. Nhưng bất chấp những cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng đó, Nga vẫn “không có phản ứng nào” vì không còn phương tiện trả đũa.
Theo The New York Times, công luận Ukraina hiện nay cho rằng ngoại trừ việc dùng đến vũ khí hạt nhân, Nga không thể làm gì nhiều hơn đối với Ukraina so với những gì mà họ đã làm, trong bối cảnh kho tên lửa quy ước của Nga đang cạn dần.
Trong một bài phỏng vấn được một trang thông tin Ukraina công bố vào hôm qua, ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Ukraina, ghi nhận tình trạng cạn kiệt tên lửa đạn đạo chiến thuật và hành trình của Nga.
Theo nhân vật này, sau nhiều lần tấn công vào các cơ sở điện lực, trạm biến áp và các cơ sở hạ tầng khác trong suốt mùa thu và đầu mùa đông, Nga chỉ còn đủ tên lửa cho hai hoặc ba đợt tấn công nữa vào màng lưới điện của Ukraina.
Nga đã bắn các đợt từ 70 đến 75 tên lửa trong khoảng thời gian khoảng một tuần, nhưng khoảng cách giữa các cuộc tấn công ngày càng dài, và số tên lửa mà Nga có thể sử dụng “sẽ cạn kiệt”.
Theo ông Budanov, loại tên lửa tinh vi nhất trong kho vũ khí của Nga, Kinjal, một loại tên lửa siêu thanh có thể tiếp cận mục tiêu trong vài phút và gần như không thể bị bắn hạ, thậm chí còn không có bao nhiêu. Nga bắt đầu cuộc xâm lược với 47 tên lửa Kinjal trong kho vũ khí của mình và chỉ sản xuất thêm được “một số ít” trong chiến tranh.
Nhân vật này khẳng định: “Bạn có thể khiến cả thế giới sợ hãi với việc bạn có một Kinjal. Nhưng khi bạn bắt đầu thực sự sử dụng chúng, sau đó bạn còn gì”.