Đăng ngày: 28/12/2022
Nhật Bản vừa quyết định sẽ dành 320 tỉ đô la, tương đương với 2% GDP, để tăng cường tiềm lực quốc phòng từ nay đến năm 2027. Biện pháp được thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh là để đối phó với “hàng loạt thách thức an ninh” trong khu vực, từ “việc tăng cường khả năng tên lửa hạt nhân” của Bắc Triều Tiên, đến “nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực” của Trung Quốc.
Láng giềng đổ lỗi Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng khu vực
Kho vũ khí được Nhật Bản dự tính mua vượt qua mức độ “phòng thủ” theo quy định trong Hiến Pháp chủ hòa có từ năm 1945. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được trang bị chiến đấu cơ tối tân, một tầu ngầm chạy điện-diesel, nhiều tên lửa tầm xa và nhiều tầu chiến mới. Ngoài phương tiện chiến đấu, Nhật Bản sẽ đầu tư cải thiện năng lực hậu cần – bài học rút ra từ chiến tranh Ukraina – và nâng cao khả năng chiến tranh mạng và chiến tranh không gian.
Tuy nhiên, các nước trong vùng cáo buộc chính Tokyo đang khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng. Cả Trung Quốc và Nga đều cáo buộc quyết định của chính quyền của thủ tướng Fumio Kishida sẽ “gây căng thẳng và đối đầu trong vùng” châu Á-Thái Bình Dương. Đối với chế độ Bình Nhưỡng, Nhật Bản – “một Nhà nước tội phạm chiến tranh” – đang “khởi động một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Á”.
Điểm thay đổi quan trọng là lực lượng quân sự Nhật Bản được phát triển khả năng tấn công một căn cứ của kẻ thù nếu căn cứ đó được xác định là sắp được sử dụng để tấn công Nhật Bản. Đây là điểm khiến công luận Hàn Quốc, cũng như chính quyền Seoul quan ngại, trong khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ và cùng bận tâm về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc khó đặt niềm tin vào Nhật Bản
Chính phủ của tổng thống Yook Suk Yeol cũng cho rằng việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng là “một vụ nghiêm trọng” và lẽ ra Tokyo nên tham khảo Seoul về mọi vấn đề an ninh liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Truyền thông Hàn Quốc thì cáo buộc “các nhóm cánh hữu Nhật Bản chỉ có một mục tiêu duy nhất : khôi phục ảnh hưởng quân sự và chính trị trước đây của nước này”.
Trả lời trang mạng của kênh truyền hình Đức Deutsch Welle ngày 26/12/2022, giáo sư nghiên cứu quốc tế Eunjung Lim, Đại học Quốc gia Kongju, Hàn Quốc, nêu hai lý do giải thích cho phản ứng của Hàn Quốc: “Thứ nhất là quy mô tăng ngân sách, đưa Nhật Bản thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba trên thế giới. Hàn Quốc không thể cạnh tranh bởi vì GDP chỉ bằng khoảng 1/3 của Nhật Bản, và người dân Hàn Quốc nghĩ là đã chi quá nhiều cho quốc phòng”.
Lý do thứ hai, “Nhật Bản nói giờ họ có quyền phản công, nhắm vào một căn cứ quân sự kẻ thù mà họ phát hiện ra mối đe dọa, nhưng theo Hiến Pháp của Hàn Quốc, miền Bắc (Triều Tiên) vẫn được coi là một phần lãnh thổ Triều Tiên, và như thế tấn công Bắc Triều Tiên có thể bị coi là tấn công cả Hàn Quốc”.
Tờ The Korea Herald nêu một quan ngại khác về việc Tokyo có thể sử dụng sức mạnh quân sự mới để “có những hành động khiêu khích” nhằm chiếm lại quần đảo nằm ở giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, hiện do một đơn vị cảnh sát Hàn Quốc chiếm đóng, được gọi là Dok-do, trong khi đó Tokyo cũng đòi chủ quyền và gọi là Tekeshima.
Ngoài tranh chấp lãnh thổ, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản “rất phức tạp” vì những tội ác của quân đội Thiên Hoàng trong Thế Chiến II mà người dân bán đảo Triều Tiên, cũng như Trung Quốc chưa hết bị ám ảnh. Dù Tokyo nêu lý do đối phó với những mối đe dọa an ninh mới, nhưng người dân Hàn Quốc vẫn khó đặt niềm tin vào Nhật Bản.
Nhìn rộng hơn, giáo sư quan hệ quốc tế Yakov Zinberg, Đại học Kokushikan ở Tokyo, lưu ý các nước trong khu vực “đang rơi vào vòng xoáy một cuộc chạy đua vũ trang”. Trước kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đã tập trận chung ở biển Hoa Đông từ ngày 21 đến 27/12. Theo giáo sư Zinberg, “sự kiện đó chỉ có thể coi là một thông điệp gửi đến Nhật Bản”. Để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như trước nguy cơ Trung Quốc bất ngờ tấn công Đài Loan gây ảnh hưởng đến miền nam Nhật Bản, Tokyo đã triển khai nhiều hệ thống phòng không trên các đảo ở gần Đài Loan. Khu vực biển Hoa Đông chưa bao giờ bị quân sự hóa mạnh mẽ như hiện nay.