Vai trò trung tâm của ASEAN trước thách thức của cạnh tranh Mỹ – Trung

Đăng ngày: 29/12/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (G), cùng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen (P) tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN đầu tiên sau ba năm tạm ngưng vì đại dịch Covid-19, Bruxelles, ngày 14/12/2022. AP – Olivier Matthys

Minh Anh

Tháng 11/2022 là mùa hội nghị thượng đỉnh tại châu Á. Thượng đỉnh G20 được tổ chức ngày 15-16/11 tại Jakarta, thủ đô Indonesia, rồi Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ngày 18-19/11 ở Bangkok, Thái Lan. Trước đó là thượng đỉnh Đông Á do ASEAN chủ trì trong khuôn khổ cuộc họp cấp cao thường niên của ASEAN từ ngày 10-13/11 ở Phnom Penh, Cam Bốt.

Như một sự ngẫu nhiên, ba thượng đỉnh lớn quốc tế năm nay lại do chính ba thành viên của khối ASEAN tổ chức, như thể hiện khát vọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, được thế giới công nhận vai trò trung tâm trong nền chính trị thế giới.

Nhưng vai trò trung tâm đó của ASEAN nên được hiểu như thế nào ? Trang mạng The Diplomat ghi nhận, cấu trúc khu vực đang có những biến đổi sâu sắc. Cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga phát động, cạnh tranh Mỹ – Trung, rủi ro chiến tranh Trung – Đài, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông… có nguy cơ biến các sáng kiến của ASEAN về một vùng Đông Nam Á mở rộng và bao trùm trở nên lỗi thời. Song song đó, một loạt các sáng kiến mới ra đời nằm ngoài khối ASEAN, có tính chất độc đoán và định hướng theo chức năng.

Trả lời các câu hỏi của RFI Tiếng Việt, giảng viên Laurent Gedeon, trường đại học Sư phạm Lyon, nhận định, ASEAN thật sự nằm trong tâm của những biến động địa chính trị, nhưng tính hiệu quả cho vai trò trung tâm này cũng đang bị lung lay do những yếu kém nội tại của ASEAN

RFI Tiếng Việt : Trong số các trục chỉ đạo mà ASEAN nhắc lại trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh ASEAN tổ chức hồi trung tuần tháng 11/2022, vai trò trung tâm – Centrality – được ghi lại bằng chữ C in hoa. Bằng chứng cho thấy ASEAN rất chú trọng đến vị thế này của khối trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Ông có thể giải thích rõ hơn về « vai trò trung tâm » này?

GS. Laurent Gedeon : Trên thực tế, ý tưởng về vai trò trung tâm của ASEAN đã có từ lâu, bởi vì ý tưởng này xuất hiện ngay từ năm 2006, và mục tiêu ban đầu đối với ASEAN là nhằm nâng cao hình ảnh của khối ra bên ngoài, bảo đảm sự quan tâm, ủng hộ của các đối tác trong mọi tiến trình do tổ chức này khởi xướng, chẳng hạn như diễn đàn khu vực ASEAN+3. Quả thật, tham vọng này thật sự được tỏ rõ, bởi vì chúng được biểu thị trong hiến chương của khu vực, theo đó, vùng Đông Nam Á sẽ là động lực chính trong các cuộc dàn xếp của khu vực do khối ASEAN đề xướng, rằng ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và xây dựng Cộng đồng.

Hiến chương của ASEAN trình bày vai trò trung tâm của hiệp hội như là một nguyên tắc trong tất cả các mối quan hệ với bên ngoài. Mục tiêu là đặt ASEAN vào trung tâm cấu trúc khu vực, điều đó cho phép tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn, nhất là có một hành động mang tính xây dựng trong mọi tiến trình mà ASEAN là một bên có liên quan. Đó chính là những gì người ta gọi là phương pháp THE ASEAN WAY nổi tiếng, mang đặc trưng của các nguyên tắc : Không can thiệp chuyện nội bộ, Ngoại giao kín đáo, Không sử dụng vũ lực và Ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.

Rõ ràng, khái niệm « vai trò trung tâm » này có ý nghĩa quan trọng, nhưng cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Trên thực tế, người ta có thể tự hỏi : Liệu vai trò trung tâm này có thực sự là một vai trò trung tâm như mong muốn và có hiệu quả, hay đó chỉ là một tính trung tâm mà người ta có thể gọi vì thiện ý, nghĩa là, chúng còn phụ thuộc vào các quyết định chính trị của mỗi thành viên và tùy theo các quyết định này mà ASEAN có một khả năng tiếp thêm sức hay không cho các tiến trình khu vực mà khối này có can dự vào.

Tôi xin nói thêm, ví dụ về Trung Quốc cho thấy là ASEAN không hoàn toàn đoàn kết và khối này khó thể có một tư thế thống nhất, vì vậy điều mà chúng ta có thể nói được là có một vị thế trung tâm, nhưng đó là một vị trí trung tâm, vượt ra ngoài chiều hướng chính trị, nhưng mang tính địa lý và ASEAN thực sự là nằm trong tâm của toàn bộ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Điều này quả thật đặt ra nhiều thách thức quan trọng cho khối, bởi vì đặt ASEAN vào trung tâm của mọi động lực địa chính trị tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nhưng cuộc chiến xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành làm lộ rõ sự thiếu nhất quán của khối. Liệu điều đó có thể làm suy yếu nền ngoại giao của ASEAN, thậm chí đặt ra nghi vấn về « vai trò trung tâm » của ASEAN tại vùng châu Á – Thái Bình Dương ?

GS. Laurent Gédéon : Đúng vậy, không còn chút nghi ngờ, trong phạm vi một số quốc gia tự coi mình là quá gần gũi hay quá phụ thuộc vào Nga hay Mỹ để chấp nhận một quan điểm đơn giản là giữ khoảng cách. Chính sự chia năm xẻ bảy khiến ASEAN khó thể đưa ra một lập trường khác ngoài sự trung lập và nhắc lại những nguyên tắc chính tạo nên mối quan hệ giữa các quốc gia.

Đơn cử trường hợp Việt Nam. Về nguyên tắc, Hà Nội lên án hành động của Nga tại Ukraina, nhưng chính quyền Việt Nam đã cưỡng lại những lời kêu gọi của Hoa Kỳ, thúc đẩy Việt Nam đi xa hơn trong việc chống lại Nga. Bởi vì, trên thực tế, Việt Nam có mối quan hệ ràng buộc với Nga, và trước cả Nga là Liên Xô, bởi các mối liên hệ cũ xưa và còn bởi vì một phần lớn các thiết bị quân sự hiện có của Việt Nam đều có nguồn gốc từ Nga, và điều này đang tạo ra một sự phụ thuộc.  

Hơn nữa, cuộc chiến xâm lược Ukraina đã khơi dậy từ một số quốc gia thuộc khối ASEAN nỗi sợ hãi về hành động quân sự từ phía Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng đối với vấn đề Biển Đông, dù rằng mọi cặp mắt đều hướng về phía Đài Loan. Dĩ nhiên, tất cả các nước thành viên của ASEAN đều không có cùng một nỗi sợ hãi. Ví dụ, giả thuyết này là một chủ đề rất đáng được quan tâm đối với Việt Nam hoặc Philippines, nhưng không phải là đối với Cam Bốt hay Miến Điện. Do vậy, chúng ta thấy rõ là vị thế của ASEAN thật sự bị phân mảnh trong hồ sơ Ukraina.

Đối đầu Mỹ – Trung đặt ASEAN trong một thế tế nhị. Vai trò « trung tâm » mà ASEAN tìm cách được công nhận trên trường quốc tế, phải chăng đang bị Trung Quốc và Mỹ phớt lờ khi chỉ tìm kiếm đối thoại song phương với mỗi nước thành viên, và nhất là, khi hai siêu cường này cho hình thành nhiều khuôn khổ đối thoại đa phương ngoài khối ASEAN như Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải – SCO của Trung Quốc hay như các liên minh AUKUS, QUAD hay Supply Chaine Initiatiave từ phía Mỹ và các nước đồng minh ?

GS. Laurent Gedeon : Chắc chắn là như vậy rồi và điều đó còn được củng cố bởi thực tế rằng ASEAN không phải là một tổ chức quân sự, khối này không phải là một liên minh, hạn chế tầm ảnh hưởng mà tổ chức này có thể áp đặt trong các quá trình đang diễn ra.

Nếu đơn cử Trung Quốc làm ví dụ, các bên ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cho rằng lẽ ra Trung Quốc nên được lôi kéo để tham gia dần dần vào các giá trị của tổ chức và chúng ta thấy là điều đó đã không xảy ra, Trung Quốc đã không hội nhập dần dần mà ngược lại, nước này theo đuổi một chính sách tranh giành các yêu sách ở Biển Đông. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tuân theo các chuẩn mực và lịch trình địa chính trị của riêng mình, thông qua việc hình thành các tổ chức không liên quan đến ASEAN.

Hơn nữa, chúng ta còn nhận thấy rằng Trung Quốc có khả năng trở thành thành viên của ASEAN do việc một số nước trong khối có một lập trường thân với Bắc Kinh nhiều hơn so với các nước khác, chẳng hạn như trường hợp Cam Bốt như tôi có đề cập đến. Còn ASEAN thì chưa bao giờ có thể thực hiện được bộ quy tắc ứng xử mà họ làm việc với nhau từ năm 2002.

Liên quan đến Hoa Kỳ, người ta cũng thấy là các sáng kiến của Washington có xu hướng chia rẽ các thành viên ASEAN. Như quý đài đề cập đến AUKUS, đây hoàn toàn là một ví dụ điển hình, vì chúng ta thấy rõ các quốc gia thành viên có những phản hồi rất khác biệt. Singapore và Philippines thì công khai ủng hộ việc thành lập liên minh, trong khi Indonesia và Malaysia tỏ ra ít tích cực hơn nhiều, vì họ lo ngại rằng cuộc cạnh tranh này đang khuyến khích các hoạt động quân sự trong khu vực và nhiều quốc gia khác như Lào và Cam Bốt thì tỏ ra rất ít quan tâm. Rõ ràng chúng ta nhận thấy có một phản ứng rất khác nhau từ các nước thành viên và điều này làm nổi rõ có một sự suy yếu rõ ràng về vai trò trung tâm của ASEAN trước các vấn đề an ninh và chính trị khu vực. Tương tự, liên minh QUAD cũng có thể giải thích theo một lô-gic giống như AUKUS.

Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên sau ba năm tạm ngưng vì dịch bệnh Covid-19, khi ký kết một thỏa thuận quốc tế đầu tiên giữa hai khối trong lĩnh vực giao thông hàng không. Ông có nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu có thể mở ra một hướng thứ ba cho ASEAN nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khối và nhìn chung, cho phép tránh chiếc bẫy đối đầu Mỹ – Trung ?

GS. Laurent Gedeon : Không, về mặt tuyệt đối, người ta chỉ có thể trả lời khẳng định trong phạm vi ASEAN phải hành xử như là một khối gắn kết chặt chẽ, và trong trường hợp này, người ta có thể cho rằng khối ASEAN sẽ tìm cách không chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng trong thực tế, khi phân tích kỹ hành động của các nước khác nhau, người ta thực sự thấy rằng các nước ASEAN bị chia rẽ như đã nói ở trên. Indonesia, Philippines và Việt Nam phản đối Trung Quốc tương đối mạnh mẽ, nhưng các nước khác như Malaysia, Thái Lan hay Miến Điện có những lập trường tùy theo những thay đổi của chính phủ. Chúng ta còn có một nhóm khác bao gồm Cam Bốt, Brunei và Lào, lại rất ủng hộ Bắc Kinh.

Những gì chúng ta thấy chính là một tình thế đối chọi nhau, rằng các lợi ích kinh tế và các hạn chế địa chiến lược khu vực khiến ASEAN khó thể có được một lập trường chung mạnh mẽ, cho phép giữ khoảng cách mà không có một ẩn ý nào đối với Trung Quốc hay là Mỹ.

Những gì chúng ta còn thấy được ở đây là Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, đã thể hiện rõ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và sự xích lại gần này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn cho thấy nhiều nước thành viên của Liên Âu ngày càng giữ khoảng cách với Trung Quốc.

Hơn nữa, chính bản thân Liên Hiệp Châu Âu không thực sự giữ được một khoảng cách bình đẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, huống chi là ASEAN, vì những điểm yếu này, nên khó thể tạo ra một lập trường chung. Do vậy, tôi nghĩ rằng chưa thể có được một hướng thứ ba vào lúc này.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giảng viên Laurent Gedeon, trường đại học Sư phạm Lyon.

Bài Liên Quan

Leave a Comment